Chương trình diễn ra với điểm cầu trung tâm tại trụ sở Trung ương Đoàn tại Hà Nội, cùng các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành đoàn và tại nước ngoài; có 21 tổ chức Đoàn, Hội ở nước ngoài tham gia kết nối trực tuyến với chương trình.
Với chủ đề "Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên", chương trình thảo luận về vai trò, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn và đoàn viên thanh niên nhằm nêu cao khát vọng cống hiến của thanh niên; hiến kế để tổ chức Đoàn tham gia vào quá trình khôi phục và phát triển kinh tế đất nước; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ và phát huy thanh niên; đề xuất các mục tiêu, giải pháp trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thời gian tới phục vụ cho quá trình xây dựng văn kiện Đại hội Đoàn các cấp và thực hiện thắng lợi chương trình công tác Đoàn năm 2022.
Chương trình đã nhận được nhiều câu hỏi từ đoàn viên, thanh niên trên cả nước trong nhiều lĩnh vực, như: Chương trình, chính sách khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn; phát huy vai trò của đoàn viên thanh niên thế hệ Gen Z; hay bảo tồn văn hóa truyền thống trong bối cảnh 4.0…
Trăn trở về câu chuyện khởi nghiệp, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021 Hồ Xuân Vinh có câu hỏi về chính sách, chương trình nào hỗ trợ thanh niên nông thôn tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ trong khởi nghiệp, lập nghiệp tạo giá trị cao, tăng giá trị nông sản trong thời gian tới.
Tại hội trường, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn chia sẻ về tấm gương khởi nghiệp của anh Vinh khi lựa chọn rời Thủ đô về Nghệ An khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm từ những phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp. Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn chia sẻ, đây là hướng đi đúng trong xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường.
Với câu chuyện thực hiện chuyển đổi số thành công, không chỉ trong nông nghiệp mà trong các lĩnh vực, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh đến 3 yếu tố. Trước hết, cần số hóa toàn bộ dữ liệu, thông tin liên quan đến câu chuyện đó, kết nối các dữ liệu với nhau thành dữ liệu lớn (Big Data). Thứ hai, mỗi người phải có năng lực số. Thứ ba, cần có thể chế và cơ chế pháp lý cho chuyển đổi số.
Với câu chuyện thứ nhất, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn cho rằng cộng đồng phải làm, Đoàn phải làm dựa trên chính sách chung của Nhà nước. Hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia và dân cư và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam liên quan đến số hóa toàn bộ dữ liệu quốc gia để hình thành Hệ tri thức Việt số hóa đang được tiến hành khẩn trương. Trung ương Đoàn cũng đang số hóa toàn bộ dữ liệu liên quan đến 6,3 triệu đoàn viên, 100.000 tài năng trẻ được tuyên dương.
Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn cho rằng, thể chế thì Nhà nước sẽ làm, Đoàn, thanh niên cần kiến nghị. Nhưng quan trọng nhất là năng lực số. Hiện nay, Đoàn đã thực hiện xong các bước xin ý kiến các bộ, ngành, trong đầu tháng 4 sẽ trình với Thủ tướng đề án nâng cao năng lực số cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030.
"Nếu không có năng lực số thì không có năng lực sáng tạo, không có năng lực số sẽ không tham gia được vào quá trình chuyển đổi số, không vận hành chuyển đổi số được", Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn cho hay.
Là bác sĩ trưởng thành từ dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" (đề án 585), bác sĩ Lò Thị Thanh Hợp (Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) gửi đến câu hỏi chia sẻ về những khó khăn khi công tác tại vùng núi, Đoàn có đề xuất chính sách gì đối với đội ngũ đặc thù này.
Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn bày tỏ cảm phục, tri ân sâu sắc với những cống hiến hy sinh của y bác sĩ xông pha vào mặt trận chống dịch COVID-19 suốt thời gian qua. Chia sẻ về Đề án 585, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn cho biết Đề án đã được Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn triển khai trong thời gian qua. Các cơ chế chính sách, hỗ trợ thu nhập về mặt điều kiện công tác đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn cho rằng có những điểm cần phải thay đổi để phù hợp chung. Đoàn đã bàn bạc với Bộ Y tế, sắp tới sẽ ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2022 - 2026, trong đó có nội dung mà bác sĩ Hợp đề cập đến.
Hai ngành sẽ có kiến nghị, chủ đạo là Bộ Y tế, sẽ có cơ chế hỗ trợ cho các y bác sĩ, đặc biệt y bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa tuyến cơ sở được thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ với phương thức đào tạo từ xa, trực tuyến, không cần đi Hà Nội hay đi nước ngoài mới làm được.
Trung ương Đoàn cam kết với y bác sĩ, sẽ làm tốt câu chuyện phát hiện, biểu dương, tuyên dương tấm gương, động viên các y bác sĩ trẻ khó khăn, Đoàn, Hội, Trung ương Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ tổ chức thường xuyên, có kênh để chăm lo, động viên cho y bác sĩ trẻ ở vùng sâu, vùng xa.
Hai câu hỏi trên chỉ là hai trong số những câu hỏi được gửi đến Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn tại buổi đối thoại và được trả lời một cách thấu đáo.
Kết thúc buổi đối thoại, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ rằng: Mỗi bạn thanh niên đều có ước mơ, hoài bảo, khát vọng, vươn lên đóng góp, cống hiến cho việc chung của đất nước. Khát vọng đó mỗi người khác nhau, độ chín, chiều sâu khác nhau. Nhưng đã là con dân đất Việt, ai cũng có Tổ quốc, có khát vọng để đóng góp cho đất nước mình. Khát vọng đó là định hướng cao đẹp, để mỗi bạn trẻ chúng ta cố gắng, phấn đấu không ngừng hàng ngày, qua từng công việc của mình.
“Tôi tin rằng, khi mỗi người coi khát vọng cống hiến cho việc chung, cho đất nước, là một lẽ sống của mình, thì các bạn sẽ tìm ra được cách để làm tốt nhất công việc của mình. Làm cho mình lớn hơn, trưởng thành hơn, khỏe mạnh hơn, thú vị hơn và đương nhiên sẽ tìm cách đóng góp cho cộng đồng nhiều hơn. Chia sẻ với những người khó khăn hơn mình được tốt hơn. Và chính sự lớn mạnh, trưởng thành của mỗi cá nhân thông qua quá trình rèn luyện, đóng góp cho công việc chung hình thành một lẽ sống của thanh niên Việt Nam, đó là: Tạo một dòng chảy chung từ những giọt nước nhỏ để hiện thực hóa xây dựng một Việt Nam hùng cường năm 2045”, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh.