Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) bao gồm 7 chương, 41 điều. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, việc sửa đổi Luật Thanh niên xuất phát từ yêu cầu của đất nước ở giai đoạn mới. Trong giai đoạn này, thanh niên sẽ được nhìn nhận, tạo điều kiện phát triển, xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, khắc phục những hạn chế, vướng mắc đang có về thanh niên ở Luật hiện hành, đặc biệt là những nội dung về quyền và nghĩa vụ của thanh niên, công tác quản lý nhà nước về thanh niên.
Luật Thanh niên (sửa đổi) đã căn cứ vào yêu cầu của tình hình mới và để phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Dự thảo Luật quy định chính sách dành cho các nhóm thanh niên đặc thù, bao gồm: Chính sách dành cho thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên có tài năng, thanh niên DTTS...
Các chính sách này được thiết kế theo hướng: Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt để thanh niên thuộc các nhóm đối tượng này phát huy được khả năng của mình, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời quy định các giải pháp về chính sách để huy động lực lượng thanh niên tham gia vào các dự án, hoạt động cụ thể nhằm phát triển đất nước.
Tại Điều 25, Chương III về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên DTTS quy định như sau: Nhà nước có chính sách ưu tiên cho thanh niên DTTS về học tập, lao động, việc làm, khởi nghiệp, chăm sóc sức khỏe, thể dục, thể thao. Có chính sách hỗ trợ thanh niên DTTS giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh chống các phong tục, tập quán lạc hậu. Ưu tiên lựa chọn đào tạo, bồi dưỡng và đưa vào quy hoạch để tạo nguồn lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức là thanh niên DTTS trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước. Khuyến khích doanh nghiệp, các tổ chức khác ưu tiên tuyển dụng thanh niên DTTS...
Nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao về chính sách này. Nhiều Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần quy định chi tiết về chính sách với thanh niên DTTS, cụ thể hóa chính sách để thanh niên DTTS có cơ hội được thụ hưởng các chính sách hết sức nhân văn này.
Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) đề nghị, Chính phủ cần tạo điều kiện để thanh niên có việc làm, tạo việc làm, hỗ trợ cho thanh niên ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo phù hợp với từng vùng miền gắn với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Vì theo Đại biểu Hà Thị Lan, qua thực tế tiếp xúc cử tri tại vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS cho thấy, nhiều chính sách cho thanh niên về lao động, việc làm còn thiếu các quy định hỗ trợ cụ thể.
Còn Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng, Chính phủ cần quy định thống nhất việc áp dụng chính sách thu hút thanh niên tài năng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Việc thực hiện chính sách để giữ chân nhân tài, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương mình gần như rất khó thực hiện.
Rõ ràng, việc quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên DTTS là cần thiết. Tuy nhiên, để chính sách này đi vào thực tiễn cần có những giải pháp thực hiện cụ thể hơn, sát thực tiễn hơn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi.