Thách thức trước thời cơ
Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đẩy mạnh sau khi Đảng ta phát động sự nghiệp Đổi mới. Sau 35 năm, đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định quá trình hội nhập quốc tế diễn ra trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đến các lĩnh vực khác..
Theo bà Lâm Thị Quỳnh Anh - Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương), chủ trương của Việt Nam hiện nay là hội nhập toàn diện với 3 trụ cột: hội nhập quốc tế về kinh tế; hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng; hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo. Trong đó, hội nhập kinh tế là trọng tâm; hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế, góp phần củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội.
Từ chủ trương đó, công tác hội nhập kinh tế của Việt Nam đã ghi nhận nhiều dấu ấn đậm nét, nổi bật là công tác đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, hiện Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 FTA; đặc biệt các FTA thế hệ mới gồm: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA giữa Việt Nam - EU (EVFTA), FTA giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Chính những FTA này tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại - đầu tư song phương, cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu. Nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Cách đây hơn 8 năm (tháng 8/2014), Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Ngoại giao đã tổ chức một hội thảo về thực trạng và giải pháp nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tại thời điểm đó, TS. Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đã đánh giá, việc tiếp cận, cập nhật thông tin nói chung và các thông tin về hội nhập quốc tế nói riêng của đồng bào DTTS còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do địa bàn cư trú của đồng bào phần lớn ở xa trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh, huyện; giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, mang đậm tính tự cấp, tự túc đã tác động không nhỏ đến việc giao lưu, trao đổi về kinh tế, văn hóa vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Chủ động nắm bắt cơ hội
Để chủ động nắm bắt cơ hội phát triển, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tăng cường phổ biến kiến thức về hội nhập quốc tế cho đồng bào DTTS. Các địa phương đặc biệt chú trọng cung cấp những thông tin liên quan đến các FTA mà Việt Nam đã ký kết, hoặc đang đàm phán để ký kết, từ đó giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, có định hướng phù hợp cho quá trình hội nhập.
Đơn cử như tỉnh Điện Biên, tháng 2/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 414/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) trên địa bàn tỉnh. Triển khai kế hoạch này, bên cạnh nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về hội nhập kinh tế nói chung và Hiệp định RCEP nói riêng, tỉnh Điện Biên sẽ nâng cao chất lượng đào tạo nghề phục hội cho hội nhập kinh tế thông qua tăng cường sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao, phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Còn tại tỉnh Sơn La, ngày 9/6/2021, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND về việc đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-Len (UKVFTA) trên địa bàn tỉnh. Một trong những nội dung của kế hoạch tuyên truyền là phổ biến về UKVFTA cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các đối tượng có thể chịu tác động như nông dân, cơ quan quản lý ở địa phương, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, công nhân, các thành phần lao động khác.
Đồng thời, Sơn La tập trung thông tin về những chính sách của tỉnh trong việc thu hút đầu tư, hội nhập quốc tế; các tiềm năng, thế mạnh, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, các giá trị lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán. Tuyên truyền bản sắc văn hóa tỉnh Sơn La thông qua bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu, các lễ hội văn hóa truyền thống, các sản phẩm du lịch, khu điểm du lịch nhằm thu hút các doanh nghiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-Len đến đầu tư, hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh…
Tại hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về hội nhập quốc tế năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyển thông tổ chức ngày 16/9, ông Đinh Nho Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao) cho biết, trong tiến trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay, đối với các quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế thực chất là sự chuyển đổi cơ cấu kinh tếphù hợp với tình hình quốc tế đang thay đổi.
Sự chuyển đổi hay đổi mới này là tự nguyện, nó xuất phát từ nhu cầu nội tại của mỗi nền kinh tế. Mục tiêu cuối cùng của các nước, không chỉ là hướng đến hội nhập kinh tế quốc tế, mà đó còn là phương tiện để hướng tới đích, là tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững, gia tăng chất lượng cuộc sống của Nhân dân.