Nghệ nhân Hoàng Tương Lai, dân tộc Tày, tỉnh Yên Bái
Là nghệ nhân chế tác đàn tính có tiếng ở vùng đất Yên Bái, những chiếc đàn của nghệ nhân Hoàng Tương Lai luôn là lựa chọn của bà con dân tộc sử dụng vào các đợt liên hoan nghệ thuật hay những lễ hội của đồng bào.
Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Tương Lai cho biết, từ xa xưa, trong văn hóa giao tiếp của dân tộc Tày vùng sông Chảy, Thác Bà (Yên Bái) có hát cọi, hát khắp, trong đám cưới có hát quan làng, gửi thư cho bạn có hát phong Sjư, ru con ngủ có “Ứ noọng nòn”, khi giao tiếp với tổ tiên có hát pựt, hát “Khảm hải” (Vượt biển)… Những sáng tác trên đều do các nghệ nhân khuyết danh nhiều đời để lại. Ngày nay, chỉ có lớp người già từ 60 tuổi trở lên là còn mê nghe hát và biết hát “Quan làng” trong đám cưới, hát đối đáp khắp, cọi…, còn lớp trẻ dù rất yêu thích và muốn hát cũng không có ai truyền dạy.
Nghệ nhân Hoàng Tương Lai đề nghị, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cần đẩy mạnh việc giáo dục tuyên truyền cho thế hệ trẻ nói thành thạo tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình, coi đó mà mạch nguồn nuôi mình trưởng thành. Tạo điều kiện về kinh phí cho các nghệ nhân truyền dạy lớp trẻ biết hát và hát tốt những làn điệu của dân tộc Tày nói riêng và các dân tộc khác trong vùng. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ các câu lạc bộ, động viên lớp trẻ tham gia gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Nghệ nhân Sầm Văn Dừn,
Người có uy tín tỉnh Tuyên Quang
Từ nhỏ, nghệ nhân Sầm Văn Dừn (người Cao Lan) đã may mắn được thừa hưởng và ngấm sâu vào gan ruột sự tinh túy, đặc sắc của sình ca từ bố của mình-một người hát sình ca nổi tiếng khắp vùng. Theo thời gian, giọng hát đã ăn sâu vào trong tâm thức của ông Dừn. Cùng với lối hát từ cha truyền lại, ông còn được thừa hưởng khoảng 200 đầu sách quý, trong đó có rất nhiều sách có nội dung quan trọng, từ các tục lệ, các nghi lễ truyền thống của đồng bào Cao Lan… Từ các tài liệu này, ông đã học và truyền dạy lại cho người dân trong thôn các nghi lễ truyền thống, dạy người dân trong bản những điệu múa, bài hát là di sản của dân tộc suốt 20 năm qua.
Theo nghệ nhân Sầm Văn Dừn, khó khăn hiện nay là nhiều người, đặc biệt là các thế hệ trẻ còn chưa mặn mà với văn hóa dân tộc nên việc vận động người dân tham gia các hoạt động còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, những khó khăn về kinh phí để hoạt động cũng là nguyên nhân dẫn đến hoạt động bảo tồn, gìn giữ văn hóa của đồng bào dân tộc còn nhiều hạn chế. Nghệ nhân Sầm Văn Dừn hy vọng, Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Nghệ nhân Hà Thị Ven, dân tộc Nùng, tỉnh Lạng Sơn
Thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, cùng với trách nhiệm của bản thân, hàng chục năm qua, nghệ nhân Hà Thị Ven luôn tích cực tham gia các hội thi, hội diễn liên hoan văn hóa văn nghệ quần chúng.
Vốn nắm giữ một phần kiến thức di sản văn hóa của dân tộc mình, bà không ngừng phấn đấu để truyền dạy hát sli, lượn của người Nùng cho thế hệ trẻ. Tính đến nay, nhờ sự hỗ trợ của tỉnh Lạng Sơn, bà đã tổ chức được trên 15 lớp với khoảng 300 học viên tham gia. Năm 2015, bà được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Đến với Hội nghị, nghệ nhân Hà Thị Ven mong muốn Nhà nước sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, tăng cường đầu tư xây dựng những mô hình bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc trong cả nước.
HỒNG MINH