Nghệ nhân Y Krai Cil cẩn thận lau từng chiếc cồng chiêngLớn lên cùng tiếng chiêng qua các lễ hội của buôn làng, từ nhỏ, Nghệ nhân ưu tú Y Krai Cil (SN 1947), buôn Jiê Yúk, xã Đắk Phơi say mê tiếng cồng chiêng. Ông thuộc lòng, diễn tấu nhuần nhuyển những bài chiêng cổ từ khi còn là chàng trai trẻ. Tiếng chiêng cứ thế ngấm vào người, ông thấu hiểu từng âm sắc, nhịp điệu, hiểu đặc tính của từng chiếc cồng, chiếc chiêng của người Mnông Gar.
Nghệ nhân Y Krai bảo: Đối với người Mnông Gar cũng như các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên, cồng chiêng chính là sợi dây gắn kết cộng đồng, tiếng chiêng kết nối con người với thần linh. Từ nghi lễ vòng đời của con người, đến các lễ tục quan trọng của buôn làng như đám cưới, lễ hỏi, kết nghĩa anh em, mừng lúa mới, đưa lúa vào kho… đều không thể thiếu tiếng cồng chiêng.
Cồng chiêng không đơn thuần chỉ là nhạc cụ, mà là tài sản quý giá thể hiện sự giàu có của các gia đình, dòng họ, buôn làng. Gia đình nào không chiêng có thì phải đi mượn. “Hồi đó, gia đình tôi nghèo, không mua được chiêng, mỗi lần có nhà có lễ cúng, người trong gia đình phân công đi mượn chiêng. Không ít lần, tôi phải đi bộ, năng rừng, vượt suối đến buôn khác để mượn, có khi phải đi bộ cả ngày mới mượn được”, nghệ nhân Y Krai chia sẻ.
Tâm huyết với cồng chiêng, nghệ nhân Y Krai Cil sẵn sàng truyền dạy cồng chiêng cho người có nhu cầuTrong căn nhà nhỏ, ông Y Krai cẩn thận lấy ra bộ chiêng quý gồm 6 chiếc và bộ cồng 3 chiếc mà gia đình ông đã gìn giữ qua bao thăng trầm. Vẻ mặt trầm tư, ông nâng từng chiếc chiêng lên, cẩn trọng lau chùi bụi bám, đôi mắt chăm chú dõi theo từng chuyển động của bàn tay. Ông Y Krai nói rằng: Bộ chiêng của người Mnông Gar gồm 6 chiếc. Để sở hữu một bộ chiêng của người Mnông Gar, ngày xưa phải đổi bằng trâu, có gia đình phải đổi đến 14 con trâu mới được một bộ chiêng.
Chiêng quý là thế, nhưng trước sự biến đổi của môi trường sống, sự du nhập của nhiều luồng văn hóa hiện đại, nhiều gia đình bán chiêng. Những bộ chiêng rời buôn làng, âm thanh cồng chiêng ngày càng thưa vắng.
Ngừng lại vài dây, giọng nghệ nhân trùng xuống, “ngày nay thế hệ trẻ không còn yêu thích tiếng chiêng nữa, ít người quan tâm sâu sắc tới giá trị truyền thống này. Tôi vẫn luôn khuyến khích các cháu học đánh cồng chiêng, nhưng chỉ được vài người, học được vài ngày cũng bỏ dở. Đến giờ tôi vân vẫn chưa tìm được người tâm huyết để truyền lại giá trị truyền thống của dân tộc”, nghệ nhân Y Krai bày tỏ.
Khắc khoải với văn hóa truyền thống, nhiều năm qua nghệ nhân Y Krai ích cực tham gia diễn tấu cồng chiêng tại các lễ hội văn hóa do huyện, tỉnh tổ chức. Mỗi lần biểu diễn, là một lần ông thỏa niềm đam mê và thêm cơ hội để ông giới thiệu âm thanh cồng chiêng đến nhiều người hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Y Krai quan niệm, chỉ cần thế hệ trẻ hiểu và yêu quý văn hóa cồng chiêng, thì giá trị truyền thống ấy sẽ còn, ông không ngần ngại tham gia truyền dạy đánh cồng chiêng ở khắp các buôn làng. Không chỉ dạy đánh chiêng, ông còn kể những câu chuyện ý nghĩa sâu xa của từng nhịp điệu, từng nghi lễ gắn liền với âm thanh của chiêng, hồn cốt văn hóa dân tộc.
Không chỉ giỏi về cồng chiêng, nghệ nhân Y Krai Cil (ở giữa) còn là thầy cúng giỏi của người Mnông Gar ở Đắk PhơiKhông chỉ là nghệ nhân cồng chiêng giỏi, nghệ nhân Y Krai còn là thầy cúng hiếm hoi của người Mnông Gar ở Đắk Phơi thuộc nhiều bài khấn trong các lễ cúng quan trọng. Các lễ cúng lớn nhỏ trong buôn, bà con đều mời ông cúng. Ông dành nhiều tâm huyết để khôi phục các đội chiêng nam, đội múa nữ và các nghi lễ truyền thống. Nhờ đó, buôn Jiê Yúk hiện nay đã có một đội chiêng nam và một đội múa nữ. Các nghi lễ truyền thống như Lễ cúng bến nước, Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng sức khỏe và Lễ kết nghĩa anh em cũng đã được khôi phục, thực hành trong đời sống cộng đồng.
Ông Y Krai còn là nghệ nhân gạo cội, có rất nhiều đóng góp, cống hiến trong công tác gìn giữ và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc tại địa phương. Với những đóng góp, cống hiến trong gìn giữ và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, tháng 9/2022, ông Y Krai Cil vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Hiện nay, ông Y Krai là nghệ nhân ưu tú duy nhất của xã.
Ông Hoàng Thanh Bé, Chủ tịch UBND xã Đắk Phơi cho biết, dù tuổi cao, sức khỏe đã yếu nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa tại địa phương, cũng như truyền dạy đánh cồng chiêng cho các thế hệ trẻ.
Cùng với sự nỗ lực của các nghệ nhân, chính quyền địa phương cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân trên địa bàn nâng cao ý thức bảo tồn, lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đến nay, toàn xã có 2 đội cồng chiêng và múa xoang, với tổng cộng 43 nghệ nhân.