Chỉ cần mua SGK
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, phụ huynh nên mua đúng bộ sách được nhà trường lựa chọn sử dụng trong năm học này.
Đối với các nhà xuất bản, họ có quyền xuất bản các sách bài tập, sách bổ trợ, tham khảo. Tuy nhiên, khi đơn vị phát hành giới thiệu đến nhà trường cần có sự thống nhất chung: Đâu là SGK, đâu là sách bổ trợ, tham khảo; đồng thời tư vấn, hướng dẫn phụ huynh lựa chọn đăng ký mua.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, không phải có sách tham khảo, sách bổ trợ là học sinh học tốt hơn. Nếu muốn bổ trợ kiến thức cho học sinh, giáo viên có nhiều cách để hỗ trợ học trò của mình, không nhất thiết hoặc không bắt buộc phải mua những quyển sách này. Vì thế, các đơn vị phát hành sách và các nhà trường cần rạch ròi giữa SGK và sách bổ trợ, tham khảo.
Bị ép buộc, phụ huynh có quyền tố cáo
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chủ biên SGK Hoạt động trải nghiệm lớp 1 cho rằng, không thể bắt phụ huynh mua quyển bổ trợ này, sách tham khảo kia. Tương tự như vậy, cuốn vở bài tập cũng không thể bắt buộc; có chăng chỉ là khuyên họ nên mua để hỗ trợ các con trong quá trình học tập. Còn mua hay không tùy thuộc vào nhu cầu và quyết định của phụ huynh.
Cũng theo PGS.TS. Đinh Thị Kim Thoa, các trường và đơn vị phát hành cần minh bạch, rạch ròi theo từng hạng mục: SGK; sách bổ trợ, tham khảo; thiết bị đồ dùng dạy học… để phụ huynh dễ theo dõi. Không nên gửi cho phụ huynh theo kiểu “combo”. “Thuận mua, vừa bán”, nên phụ huynh có quyền chọn mua sách này và không mua sách kia. Nếu nhà trường ngăn cản hoặc làm khó, phụ huynh có thể phản hồi đến các cấp có thẩm quyền, thậm chí có quyền tố cáo nếu bị nhà trường ép buộc mua trọn gói. Muốn vậy, các Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT cần thiết lập đường dây nóng để phụ huynh có thể phản ánh kịp thời.