Khi người dân đồng lòng hiến đất
Từ trung tâm thành phố Tuyên Quang đi theo con đường nhựa về chiến khu cách mạng khoảng hơn 45km là tới trung tâm xã Minh Thanh. Đồng chí Nguyễn Ngọc Chinh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Thanh cho biết, xã có 1.491 hộ với 6.267 nhân khẩu, đa phần là đồng bào DTTS. Trước kia do là một xã thuần nông, không thuận đường giao thông, xa khu kinh tế trung tâm nên cuộc sống của người dân còn gặp khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm gần 50%.
Năm 2024, tuyến đường ĐH 07 và ĐH 18 hoàn thành đã nối dài niềm vui của người dân, góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông của xã. Việc hình thành các tuyến đường đã thực sự cởi được nút thắt trong hành trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, góp phần không nhỏ tác động đến tư duy, thói quen sản xuất của người dân nơi đây. Một trong những thành công lớn nhất, chính là lan tỏa được phong trào hiến đất làm đường, khi cả 2 dự án này đều không có kinh phí hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Để tạo được sức lan tỏa, Minh Thanh phát động phong trào “cán bộ, đảng viên tiên phong đi trước”. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cả Chu Thị Vui chia sẻ, tuyến đường ĐH 07 đi dọc qua thôn. Trước đây, đường đã có nhưng mặt đường nhỏ, nhiều ổ voi ổ gà... Mong muốn có được con đường đẹp thì đã từ lâu, nên khi biết đường được xây dựng, mở rộng, người dân đều đồng lòng, nhất trí. Gần như nhà nào dọc trục đường cũng đều bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, nhà nọ “nhìn” nhà kia, công trình đi đến đâu, cần đất đến đâu, người dân lùi lại đến đấy. Hơn 200 hộ bị ảnh hưởng, 38.000m2 đất được người dân bàn giao nhanh chóng, 14.000m2 tường rào được tháo dỡ, tổng trị giá tài sản thu hồi trên 5 tỷ đồng... là con số minh chứng cho phong trào này.
Bà Phạm Thị Phiến, thôn Cảy cho biết, mặc dù gia đình mình vừa bỏ ra vài chục triệu đồng xây tường bao quanh nhà, nhưng khi được xã, thôn vận động, cả nhà đều đồng thuận đập bỏ tường bao, lùi vào vài mét để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công... Bà Phiến cười, giờ nhìn con đường rộng thênh thang như này, vài mét chứ Nhà nước lấy nữa, dân chúng tôi cũng không tiếc.
Thay đổi từ tư duy
Những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Minh Thanh đã có nhiều nghị quyết tập trung phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa, di tích lịch sử cách mạng. Là xã ATK, Minh Thanh được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, huyện trong việc thu hút, ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn cán bộ, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhân dân xã Minh Thanh được hưởng những chính sách ưu tiên đặc thù về y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.
Điển hình như tại làng nghề Chè thôn Cảy - một trong những làng nghề truyền thống đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang, sản phẩm giờ đã được nâng tầm và có thị trường nhất định. Tổ trưởng Tổ hợp tác Chè thôn Cảy- ông Phạm Văn Minh gắn bó với nghề chè đã gần 50 năm. Từ những lò sao chè thủ công, bếp nhà ai rạng nhà nấy, khi thành lập Tổ hợp tác, ông Minh mạnh dạn đầu tư hệ thống dây chuyền, liên kết với các hộ dân xung quanh và đăng ký nhãn hiệu Thanh Trà cho sản phẩm truyền thống của địa phương. Năm 2021, Chè Thanh Trà được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Ông Minh không giấu được niềm vui, chia sẻ, người trồng chè ở đây ngày càng thêm yêu sản phẩm của mình. Bằng chứng là diện tích chè trồng mới liên tục được mở rộng mà không trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước nữa. Giá bán mỗi kg chè khô cũng tăng từ vài chục nghìn đồng/kg lên 300 nghìn đồng/kg.
Vốn là xã thuần nông, người dân lâu nay chỉ quen với cây lúa, cây ngô, nhưng thu nhập đem lại không đáng kể. Đảng ủy, chính quyền xã vừa vận động người trong độ tuổi lao động đi làm việc tại các nhà máy, doanh nghiệp; đồng thời, cũng mở rộng diện tích sản xuất sang các loại cây có hiệu quả, như: Dưa chuột, mía, ớt vào thay thế cây lúa hay hoa màu năng suất kém. Đồng thời, nhân rộng những mô hình hiệu quả để người dân tích cực học tập, làm theo.
Là một trong những địa phương có hơn 170ha chè, xã Minh Thanh đã tận dụng tốt ưu thế, tạo động lực phát triển kinh tế. Từ nhiều năm nay, cây chè trở thành cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã thoát nghèo và làm giàu. Cùng với đó, xã cũng đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp. Xã có 2.093ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 272ha, rừng trồng sản xuất là 1.821ha, với gần 800ha diện tích gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC. Hiện xã có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là: Chè Thanh Trà, rượu men lá Giang Hằng và Gạo đặc sản La Khai.
Kết quả đáng mừng, là thu nhập bình quân đầu người ở Minh Thanh đầu năm 2024 là 42 triệu đồng/người/năm. Minh Thanh đang tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế nhằm tạo những bứt phá để xây dựng quê hương cội nguồn cách mạng ngày càng giàu đẹp, văn minh và trở thành vùng quê đáng sống.