Được biết, năm 2014, Dự án Thủy điện được tiến hành, các hộ dân nhường đất cho Dự án được đền bù để tiến hành di dời. Thế nhưng, đã 4 năm trôi qua, mặt bằng tái định cư thi công chậm chạp vẫn chưa hoàn tất, người dân vẫn chưa được chia đất để xây dựng nhà cửa sinh sống, khiến họ lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, ở không được, đi cũng chẳng xong.
Anh Hà Văn Hưng, ở bản Sa Lắng không dấu nổi lo âu cho biết, trước kia nhà anh gần sông nên từ khi thủy điện bắt đầu xây dựng là gia đình anh đã phải di dời khẩn cấp. Do chưa có nơi ở mới nên phải đi thuê nhà gần đấy để ở, và chờ có mặt bằng để làm nhà mới, hiện chúng tôi rất sốt ruột. Cả hai vợ chồng công việc đều không có, ruộng vườn cũng không còn, chỉ sống nhờ vào mấy đồng tiền đền bù thì chả mấy chốc mà hết. Chỉ lo đến lúc có mặt bằng thì đã tiêu hết tiền để làm nhà.
Theo ông Cao Thanh Bình, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Sa Lắng, cả bản có 53 hộ nằm trong diện di dời. Trong đó, có 5 nhà phải di dời khẩn cấp nên phải thuê nhà để ở như hộ nhà anh Hưng. Còn lại đa số các nhà trong bản đều xuống cấp nhưng không ai được sửa vì chờ đợi để chuyển đến nơi ở mới.
Nguyên nhân người dân vẫn còn chưa được chuyển đến nơi ở mới, được ông Cao Văn Định, cán bộ địa chính xã Thanh Xuân cho biết, do việc san lấp để chia mặt bằng cho người dân tiến hành chậm nên người dân chưa có nơi tái định cư. Theo ông Định, dự toán diện tích mặt bằng trả cho bản Sa Lắng để tái định cư là gần 50 ngàn m2. Trong đó, đất xây dựng nhà là 40 ngàn m2. Trong toàn xã có 141 hộ phải di dời. Bản Sa Lắng có 53 hộ di dời theo diện tái định cư, còn các bản khác, ít hơn nên di dời tự do. Nhưng đến nay, các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa tìm được quỹ đất này.
Ông Hà Văn Ca, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cũng khẳng định, vấn đề tái định cư cho người dân bản Sa Lắng cũng khiến chính quyền địa phương trăn trở. Bởi lẽ vào tháng 8/2018, thủy điện sẽ tiến hành chặn dòng và tích nước lòng hồ. Nếu khu tái định cư này vẫn chưa xong thì hàng trăm người dân ở bản Sa Lắng sẽ không còn nơi ở.
Theo ông Ca, từ khi Dự án khởi động lại từ năm 2014, không chỉ người dân bản Sa Lắng chịu ảnh hưởng, mà còn một số hộ dân ở bản Đỏ (xã Phú Thanh, Quan Hóa) cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, sẽ có khoảng 10 công trình công cộng và các tuyến đường dân sinh sẽ bị ngập bởi lòng hồ, nhưng tới nay phía Dự án chưa giải quyết được cho người dân.
Được biết, Dự án Thủy điện Hồi Xuân đã được triển khai thi công từ năm 2010, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 3,3 nghìn tỷ đồng, công suất 102 MW bao gồm 3 tổ máy có sản lượng điện trung bình 432,61 triệu kWh/năm.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Dự án đã chậm tiến độ do khó khăn trong việc vay vốn. Tháng 10/2014, dự án được chuyển giao từ Công ty Thủy điện Hồi Xuân-Vneco, thuộc Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam (trực thuộc Bộ Công Thương) cho Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản xuất Xây dựng Đông Mê Kông, đơn vị sẽ tham gia với tư cách cổ đông nắm giữ 90% cổ phần để cùng đầu tư hoàn thiện dự án.
Trước cuộc sống “lay lắt” của người dân. Đề nghị chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa, cũng như chủ đầu tư sớm có phương án, giải pháp khắc phục tồn tại này, trong đó đẩy nhanh tiến độ thi công khu TĐC mới. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách, phương án phù hợp để hỗ trợ người dân tạm ổn định cuộc sống.
QUỲNH TRÂM