Là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, xã Suối Bàng nằm ven sông Đà vẫn còn vẻ đẹp nguyên sơ của tự nhiên. Từ xa xưa, người dân Suối Bàng truyền tai nhau về những khu mộ cổ nằm cheo leo trên vách núi. Hiện, có 30 cỗ quan tài làm bằng gỗ niên đại di cốt trên 1.000 năm chứa đựng nhiều điều huyền bí.
Hang mộ Tạng Mè có mái đá lớn, cửa hang quay về hướng Đông và nhìn xuống suối Lồi. Từ bờ suối lên tới cửa hang cao khoảng 200m đường lên dốc đứng, hiểm trở. Kết quả nghiên cứu phân tích Carbon-C14 của các nhà khoa học xác định, những mộ này có niên đại di cốt cách đây 1.240 năm.
Theo quan sát, những cỗ quan tài an táng trên núi được làm khá cầu kì như hình tượng con người, mỗi cỗ quan tài dài khoảng hơn 2m làm từ thân cây khoét rỗng. Hai đầu chế tác mấu chốt hình “đầu thuyền đuôi én”. Một số quan tài trong hang còn có hình răng cưa. Trải qua cả nghìn năm vẫn còn một số quan tài khá nguyên vẹn, có quan tài còn giữ lại hài cốt của người xưa.
Đã có nhiều nhà khoa học, các nhà dân tộc học lẫn các nhà khảo cổ học tìm đến xã Suối Bàng để tìm hiểu những bí ẩn về những cỗ quan tài táng treo ở hang ma. Đến nay mọi đáp án đưa ra vẫn chỉ là giả thiết, chưa có kết luận khoa học chính thức nào về nguồn gốc các hài cốt cũng như cách chôn cất người chết ở vùng đất này cách đây cả nghìn năm.
Theo các nhà khoa học, lối mộ táng trong thân gỗ là một phong tục của tộc người cổ, xuất phát từ điều kiện tự nhiên và mong muốn chết được an toàn, siêu thoát. Khu di tích hang mộ Tạng Mè có giá trị lịch sử văn hóa tín ngưỡng và tư liệu về nhân chủng học của tộc người cổ đang cần tiếp tục được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng.