Thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025, tỉnh Sơn La được phân bổ 6.154,924 tỷ đồng. Trong đó: vốn đầu tư phát triển đã được Chính phủ giao là 3.093 tỷ 508 triệu đồng; Vốn sự nghiệp là 3.061 tỷ 416 triệu đồng.
Kết quả giải ngân vốn ngân sách Trung ương đến ngày 30/6/2023 được hơn 313,1 tỷ đồng, đạt 14,59% kế hoạch vốn giao. Trong đó: vốn đầu tư phát triển hơn 291,4 tỷ đồng, đạt 26,97% kế hoạch; vốn sự nghiệp hơn 21,7 tỷ đồng, đạt 2,04% kế hoạch. Ước giải ngân vốn ngân sách Trung ương đến ngày 31/12/2023 được gần 2.146,8 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn giao. Trong đó: vốn đầu tư phát triển gần 1.080,4 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.
Thực hiện Dự án 4 “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” thuộc Chương trình MTQG 1719, Sơn La đã thực hiện đầu tư xây dựng 351 công trình (năm 2022 và 2023 đã khởi công xây dựng 88 công trình). Ước thực hiện đến ngày 31/12/2023 đạt 100% kế hoạch vốn giao.
Giai đoạn 2021 - 2023, huyện Yên Châu được giao thực hiện Chương trình MTQG 1719 với tổng nguồn vốn hơn 144 tỷ đồng. Trong đó, hơn 52 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS. Đến nay, huyện đầu tư xây dựng 22 công trình; duy tu, bảo dưỡng 15 công trình tại 10 xã đặc biệt khó khăn; xây dựng, cải tạo nâng cấp chợ tại các xã...
Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu được hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, 2 nhà văn hóa bản và đường giao thông vào mó nước nóng của bản Thèn Luông. Cùng với đó, 35 hộ trên địa bàn có nhu cầu được hỗ trợ về nhà ở, đất ở.
Ông Hoàng Văn Tiện, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Thèn Luông, xã Chiềng Đông cho biết: Từ khi có dự án hỗ trợ, con đường đất từ Quốc lộ 6 dẫn vào bản ngày nào giờ đây được thay bằng tuyến đường bê tông dài hơn 700m, tạo thuận lợi đi lại, giao lưu buôn bán, chở nông sản của nhân dân và đặc biệt phát huy tiềm năng du lịch tắm suối khoáng nóng ở bản.
Tháng 6/2023, Nhân dân bản Khá, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu vui mừng được khánh thành nhà văn hóa mới. Công trình khởi công từ tháng 12/2022, có diện tích 180 m2, tổng mức đầu tư trên 2,4 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện Chương trình 1719. Công trình hoàn thiện sẽ tạo thuận lợi cho bà con trong giao lưu văn hóa, văn nghệ, tập luyện thể dục thể thao, góp phần phát triển du lịch cộng đồng, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.
Tại huyện Mường La có hơn 94% số dân là đồng bào DTTS, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông, Thái, Kháng, La Ha… Từ năm 2021 đến nay, huyện Mường La đã hỗ trợ nhà ở cho 48 hộ nghèo là đồng bào DTTS chưa có nhà ở, nhà ở dột nát tại các bản khó khăn của 9 xã; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 59 hộ ở xã Chiềng Ân; hỗ trợ bò sinh sản cho 926 hộ thuộc 25 bản của 12 xã.
Bên cạnh đó, huyện còn đầu tư hơn 133 tỷ đồng xây dựng 62 công trình. Trong đó, cải tạo, nâng cấp 2 công trình chợ; 48 công trình cơ sở hạ tầng ở xã đặc biệt khó khăn.... Huyện Mường La cũng đã đầu tư trên 21 tỷ đồng bố trí sắp xếp ổn định dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai bản Ít, xã Nặm Păm và điểm tái định cư Chà Lào, xã Pi Tong…
Ngoài ra, huyện Mường La hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cho học sinh bán trú là con em đồng bào DTTS tại Trường Tiểu học Chiềng Công, Trường PTDT Bán trú Chiềng Công, PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Nậm Giôn, Tiểu học và THCS Chiềng Muôn với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng.
Còn tại huyện Sốp Cộp, giai đoạn 2021 - 2023, huyện được giao hơn 120 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG 1719. Đến nay, huyện đã hỗ trợ téc, bồn chứa nước cho 44 hộ, trị giá hơn 2,4 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung; bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Pu Hao, xã Mường Lạn, với tổng số hơn 5,1 tỷ đồng. Đầu tư gần 13 tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Nậm Lạnh hơn 5,3 tỷ đồng.
Hiện nay, tất cả các xã của huyện đã được xây dựng trụ sở làm việc, nhà văn hóa xã, trường học, trạm y tế kiên cố, khang trang; đường ô tô đến trung tâm 8 xã được bê tông hoặc rải nhựa đi được cả bốn mùa; hơn 90% dân số được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Huyện có 2 xã Sốp Cộp và Dồm Cang được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Có thể nói, nhờ tận dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719, đến nay, cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có những thay đổi tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp đồng bào thêm tin yêu vào Đảng, Nhà nước, từng bước giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn.