Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách lớn đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi; tập trung huy động nguồn vốn, phân bổ hợp lý để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương. Đối với Chương trình 135, tổng vốn thực hiện trên 867 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hơn 753 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 13 tỷ đồng, người dân đóng góp quy đổi thành tiền hơn 15 tỷ đồng, vốn lồng ghép khác hơn 86 tỷ đồng) để đầu tư xây dựng 576 công trình đường giao thông, thủy lợi, điện, nhà văn hóa, công trình y tế, nước sinh hoạt...
Tổ chức 241 lớp tập huấn cho 22.397 học viên tham gia, với tổng kinh phí gần 36 tỷ đồng. Hỗ trợ phát triển sản xuất về con giống, máy móc nông cụ, làm chuồng trại, tiêm vắc xin phòng cho gia súc, gia cầm, với tổng số tiền trên 82 tỷ đồng.
Tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, trong đó đã tập trung tới các học sinh nghèo là con em đồng bào các DTTS, học sinh vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào, trang thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng...
Đến hết năm 2021, trên 97,5% số xã trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế và 87,7% số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 98,4% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 97,5% số xã đạt tiêu chí thủy lợi; có 69,7% số xã xây dựng phòng học kiên cố; 97% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Toàn tỉnh có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 35 xã thoát khỏi vùng khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân giảm trên 3%/năm...
Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được huyện Bắc Yên quan tâm triển khai, nhất là đối với các xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Ông Thào A Mua, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Từ năm 2020 đến nay, huyện đã thực hiện kế hoạch vốn giao của tỉnh gần 28 tỷ đồng triển khai các dự án đầu tư, duy tu cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi cho 485 hộ. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách về giáo dục, y tế, chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và giảm nghèo. Vì vậy đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,3%.
Theo ông Đinh Trung Dũng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, thông tin: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Bám sát nghị quyết, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2025 để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo 4 - 5%/năm; hết năm 2025 có ít nhất 1 huyện được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo; mỗi năm giảm 4 - 5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn; 44% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 85% bản có đường giao thông từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 100% xã có trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 99% hộ gia đình được sử dụng điện lưới an toàn; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách của Trung ương và của tỉnh đối với vùng DTTS đã tạo động lực mới, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương và hỗ trợ giúp đồng bào phát triển các mô hình kinh tế phù hợp. Bộ mặt nông thôn vùng DTTS có nhiều cải thiện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS trên địa bàn toàn tỉnh./.