Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, Quốc hội nói chung, Hội đồng Dân tộc nói riêng đã có những quyết sách gì để giúp đồng bào các dân tộc vượt qua khó khăn?
Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lao động người DTTS từ các thành phố lớn, khu công nghiệp trở về địa phương rất lớn, tác động không nhỏ tới công tác đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, an ninh trật tự tại các địa phương vùng DTTS&MN. Tình hình sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa tại một số địa phương vùng DTTS&MN bị đình trệ, tác động lớn đến đời sống, thu nhập của không ít đồng bào DTTS.
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kịp thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo về công tác phòng chống dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, ngay trong kì họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15, trong đó có giải pháp về phòng, chống đại dịch Covid-19; đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 4 Nghị quyết quan trọng để Chính phủ kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về công tác phòng, chống Covid-19.
Đặc biệt, kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV, họp từ ngày 04 đến 11/01/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung quan trọng là phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để Chính phủ thực hiện nhiệm vụ phòng chống đại dịch Covid-19.
Triển khai Chương trình hành động của Hội đồng Dân tộc, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Hội đồng Dân tộc khóa XV là thực hiện nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác dân tộc. Trong đó, có việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về lĩnh vực công tác dân tộc. Vấn đề xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc đã được đặt ra trong nhiều nhiệm kỳ gần đây của Quốc hội, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, định hướng của Đảng về lĩnh vực dân tộc trong quản lý nhà nước. Đây là tâm huyết của nhiều thế hệ lãnh đạo và đáp ứng mong mỏi của đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất tích hợp chính sách dân tộc vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù của vùng đồng bào DTTS&MN. Nghiên cứu, phối hợp xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết - Quy định về danh mục thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam. Nghiên cứu, tham gia xây dựng Đề án tiêu chí phân định và phân định miền núi, vùng cao...
Để có cơ sở kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ kịp thời có các giải pháp, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS khó khăn do quá trình chuyển tiếp, triển khai một số chính sách dân tộc, Hội đồng Dân tộc đang tổ chức đánh giá tác động của chính sách phân định vùng DTTS theo trình độ phát triển của Chính phủ (Quyết định số 861/QĐ-TTg Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025) và tác động của việc sáp nhập địa giới hành chính cấp huyện, xã, thôn, bản theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thưa ông! Trước tác động của đại dịch Covid-19 và những diễn biến mới của tình hình kinh tế - xã hội trên thế giới và nước ta, thời gian tới, công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi cần phải thực hiện theo hướng nào cho phù hợp?
Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm: Thời gian tới, dịch bệnh tiếp tục còn diễn biến phức tạp, vì vậy các tỉnh vùng DTTS và miền núi cần tiếp tục chủ động ứng phó với đại dịch Covid-19, trong đó đặc biệt lưu ý đảm bảo an toàn việc đưa đón đồng bào ở các tỉnh, thành phố trở về địa phương; khẩn trương thống kê những tác động và nhu cầu thiết yếu để kiến nghị với các cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ kịp thời, đảm bảo ổn định đời sống cho đồng bào. Tuyệt đối không để bộ phận đồng bào khi trở về địa phương bị đói, thiếu thốn nhu yếu phẩm thiết yếu. Đồng thời, cần đẩy mạnh tiêm vắc xin đảm bảo bao phủ toàn diện đối với địa bàn vùng DTTS và miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới
Về triển khai các chủ trương, chính sách dân tộc trong thời gian tới, Chính phủ cùng các bộ ngành sớm hoàn thành các thủ tục, ban hành các văn bản quản lí theo quy định để ngay đầu năm 2022 có thể triển khai thực hiện, giải ngân được 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội thông qua. Bởi vì các Chương trình mục tiêu quốc gia này, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030 liên quan trực tiếp đến đồng bào các dân tộc DTTS.
Chính phủ đang bước sang giai đoạn mới trong công tác phòng chống dịch Covid -19. Trong bối cảnh mới khi mà áp dụng cơ chế đặc biệt, trong giai đoạn đặc biệt thì phải quyết sách đặc biệt để có nguồn lực cho sự phát triển sản xuất, phục hồi nền sản xuất duy trì ổn định trong kinh tế vĩ mô, qua sản xuất thúc đẩy tăng trưởng để lấy nguồn lực quay lại thực hiện các chính sách, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, rất mong Chính phủ cần nghiên cứu việc thực hiện các gói an sinh phù hợp trong giai đoạn mới, báo cáo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để có phương án sử dụng nguồn lực hợp lý, trên tinh thần đảm bảo nguồn lực bố trí cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I, từ năm 2021-2025.
Trước mắt, Chính phủ cần ưu tiên các chính sách hỗ trợ, cứu trợ đồng bào DTTS trở về từ vùng dịch, nhất là đối tượng lao động làm việc ở khu vực phi chính thức, không có hợp đồng lao động; tiếp đến cần phải tập trung các chính sách phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa theo chuỗi giá trị; tập trung chính sách về phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; trong đầu tư cơ sở hạ tầng, cần ưu tiên đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động sản xuất và đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Nhân dịp Tết nguyên Đán Nhâm dần, ông có kỳ vọng, chia sẻ, nhắn gửi gì đối với đồng bào DTTS?
Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm: Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Omicron, dự báo năm 2022 đời sống kinh tế - xã hội cả nước và vùng DTTS và miền núi còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đảng và Nhà nước đã đang và sẽ có những quyết sách phù hợp, chỉ đạo quyết liệt, vừa thực hiện phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy đồng bào luôn vững tin vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, cùng nhau đoàn kết, chung lòng thực hiện tốt, đầy đủ các giải pháp về phòng chống dịch mà chính quyền, địa phương đã và đang triển khai thực hiện.
Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón mừng năm mới 2022 và vui xuân, đón tết Nguyên đán Nhâm Dần lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế, quyết tâm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 08/12/2021 về việc tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022, theo đó Ban Bí thư yêu cầu: “Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hộ nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, miền núi, vùng DTTS...”.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng cả hệ thống chính trị đã tích cực chăm lo Tết cho Nhân dân. Chuẩn bị đón tết Nguyên đán Nhâm Dần, Thường trực Hội đồng Dân tộc phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tổ chức các đoàn công tác đi thăm, chúc tết, tặng quà động viên các gia đình thuộc diện hộ nghèo, có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn là đồng bào DTTS ở các địa phương thuộc khu vực Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc miền Trung, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ. Đây là những phần quà thiết thực, ý nghĩa, góp phần giúp các hộ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có thêm điều kiện đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Năm 2022, nhiều chính sách dân tộc và các Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện, đồng bào các dân tộc cần phát huy tinh thần đoàn kết, năng lực nội sinh để chính sách phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Tôi tin tưởng rằng, đồng bào các dân tộc sẽ sớm vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển cùng đất nước.
Nhân dịp sắp tết Nguyên đán Nhâm Dần, thay mặt Hội đồng Dân tộc, tôi xin gửi đến cử tri, toàn thể đồng bào, đồng chí đang sinh sống và làm việc ở vùng DTTS&MN lời chúc sức khỏe, đoàn kết; chúc đồng bào các dân tộc đón Xuân an lành, vui vẻ, đầm ấm, mọi gia đình đều an khang, hạnh phúc.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!