Cụ thể, theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ra đời, thay thế cho Thông tư 12/2011/TT- BGDĐT ngày 28/3/2011, thì từ nay giáo viên chỉ còn 3 loại hồ sơ, sổ sách, gồm: Kế hoạch giáo dục (theo năm học); kế hoạch bài dạy (giáo án); sổ theo dõi và đánh giá học sinh. Riêng giáo viên chủ nhiệm thì có thêm sổ chủ nhiệm.
Thông tư này nhận được sự ủng hộ của hầu hết giáo viên, bởi trên thực tế, đa phần những loại hồ sơ, sổ sách quy định trước đây yêu cầu các giáo viên, tổ trưởng chuyên môn thực hiện không phát huy tác dụng, không phục vụ cho mục đích chuyên môn của từng cá nhân, từng tổ chuyên môn của nhà trường, mà được làm chỉ để đáp ứng điều kiện mỗi lần thanh tra, kiểm tra của phòng, sở giáo dục.
Tuy nhiên, trên thực tế gánh nặng này chỉ được giảm trên “thông tư”, nhìn vậy mà không phải vậy. Điển hình như, kế hoạch giáo dục thì giáo viên nhiều trường học phải làm hàng trăm trang giấy. Trong đó, ngoài thông tin cá nhân, đặc điểm tình hình, các chỉ tiêu, mục tiêu thì giáo viên phải làm Khung giáo dục môn học - phần này chiếm số trang nhiều nhất.
Ở phần Khung giáo dục môn học thì ngoài số tiết, số tuần, tên bài học, nội dung giảm tải, hình thức dạy học, đồ dùng dạy học, thì giáo viên phải đưa vào yêu cầu cần đạt - đây là mục giáo viên phải tốn công nhiều nhất và nó cũng không hợp lý. Mục yêu cầu cần đạt này, có các phần kiến thức, kỹ năng, thái độ của mỗi bài học. Vì thế, mỗi bài học phải đưa vào hàng chục câu văn mới đầy đủ theo yêu cầu của cấp trên. Vậy nên, chỉ cần 2 - 3 tiết học là đã hết 1 trang giấy A4. Trong khi giáo án dạy học đã phải có phần này.
Một số giáo viên chủ nhiệm cho biết, có trường vẫn yêu cầu phải có giáo án tiết sinh hoạt lớp, mặc dù trong sổ chủ nhiệm đã ghi nội dung nhận xét từng tuần trong mỗi tháng. Điều này là không đúng, nhưng “phép vua thua lệ làng”. Giáo viên sẽ lấy thời gian đâu để bồi dưỡng, chuẩn bị chuyên môn khi trên vai bị đè nặng bởi hàng chục trang sổ sách như vậy?
Khoản 4, Điều 21 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có ghi rõ: Hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục trong nhà trường gồm: Hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này, dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử.
Nhưng ngược lại, hiện chưa có quy định bắt buộc cho phép sử dụng dạng hồ sơ điện tử được thay cho các loại hồ sơ giấy như trong điều lệ. Và thực tế thì nhiều trường tại các địa phương trên cả nước vẫn giữ nếp cũ.
Dù Bộ đã có quy định mới, giải phóng cho giáo viên, thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau (cả khách quan và chủ quan) nhiều cơ sở trường tiểu học, sở GD&ĐT vẫn không thay đổi, thì giáo viên vẫn phải khổ. Vậy nên, muốn số hóa trong công tác quản lý, giảng dạy, thì cần có sự đồng bộ từ lãnh đạo nhà trường cho đến mỗi thầy cô đều phải có trình độ công nghệ thông tin thật sự; và công nghệ thông tin phải được hỗ trợ, đầu tư “phủ sóng” toàn diện đến mọi miền, đặc biệt là vùng DTTS và miền núi.