Ngày 13/7/2020, hàng loạt giáo viên khối trung học phổ thông ở Đăk Nông lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh ban hành Công văn số 909/SGDĐT-TCCBTC yêu cầu, cán bộ quản lý, giáo viên còn thiếu Chứng chỉ ngoại ngữ bậc 2, Chứng chỉ tin học và đối với nhân viên thiếu Chứng chỉ ngoại ngữ bậc 1, Chứng chỉ tin học thì khẩn trương đi học để có Chứng chỉ theo quy định. Thời gian “chốt” phải hoàn thiện là 31/12/2020, tức là chỉ có 5 tháng.
Một thầy giáo công tác tại một trường phổ thông trên địa bàn huyện Đakr’lap (Đăk Nông) chia sẻ: Chứng chỉ tin học có thể học và thi tại địa phương; với chứng chỉ ngoại ngữ bậc 2, khu vực Tây Nguyên không có đơn vị nào được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; gần nhất là các đơn vị ở TP. Hồ Chí Minh, việc đi học, đi thi sẽ cực kỳ khó khăn cho giáo viên.
Sự lo lắng, bất an này cũng là tâm trạng chung của nhiều giáo viên ở các địa phương trên cả nước. Điều 8, Tiêu chuẩn 5 của Thông tư 20/TT-BGDĐT về Chuẩn giáo viên cơ sở, Thông tư số: 28/2017/TT-BGDĐT, Thông tư số: 29/2017/TT-BGDĐT đều quy định đối với giáo viên đều phải có các loại chứng chỉ: tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc (đối với vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc). Dù những bất cập này đã được thảo luận, phản biện gay gắt, nhưng hiện dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập đang công bố, Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên yêu cầu này.
Đáng chú ý, theo dự thảo, đối với giáo viên vùng DTTS, có thể chọn thay chứng chỉ ngoại ngữ bằng chứng chỉ tiếng DTTS. Tuy nhiên, yêu cầu phải có loại chứng chỉ này cũng có nhiều bất cập.
Anh Nông Văn Chung, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Cao Tân (huyện Păc Nặm, Bắc Kạn), dù là người Tày nhưng vẫn phải đi học bằng tiếng Tày để đủ điều kiện thi nâng hạng giáo viên từ hạng III lên hạng II. Anh chia sẻ, thời gian học mất đến hơn 3 tháng, nhưng phải nói thật là gần như học viên chỉ xuất hiện đầy đủ khi ngày đó có bài kiểm tra. Thầy cô dạy nhiều khi nói tiếng Tày không rõ vì là người Kinh, thế nhưng học… vẫn phải học. Điều chúng tôi phân vân nhất là, phải học những thứ không cần thiết, không có nhiều ứng dụng, giá trị cho công việc.
Theo quy luật cung cầu thì nhiều cơ sở đào tạo, các trung tâm đào tạo cũng sẵn sàng tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ trái quy định để thu lợi. Thậm chí, tình trạng rao bán chứng chỉ cũng xuất hiện ngày càng phổ biến. Những “giấy phép con” tai quái này khiến giáo viên rất đau đầu. Một điều đáng nói khác là, giáo viên đều phải tự mình bỏ tiền túi ra để thi các chứng chỉ này và chi phí cũng không hề rẻ.
Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, những chứng chỉ này như đồng phục cho giáo viên nhưng có nơi thì “mặc” không vừa, không phù hợp vì thực tế công tác giáo dục tại các vùng, các khu vực có đặc trưng không giống nhau. Hầu hết các giáo viên nói chung, các giáo viên vùng DTTS nói riêng đều có nguyện vọng, đề xuất với Bộ GD&ĐT nghiêm túc nghiên cứu sự cần thiết của các loại chứng chỉ này, không để chúng thành gánh nặng làm khổ các thầy cô.
Yêu cầu giáo viên nào cũng phải biết ngoại ngữ là điều không tưởng. Giáo viên nào dạy ngoại ngữ thì cần thiết phải nâng cao, còn giáo viên dạy các môn như Toán, Văn… thì chỉ nên khuyến khích còn không nên bắt buộc phải có chứng chỉ nọ, chứng chỉ kia. Nếu như yêu cầu của nhà quản lý, vượt quá khả năng thật của giáo viên, thì sẽ dẫn đến tình trạng đối phó”.
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.