Theo danh sách của Bộ GD&ĐT, có 53 ứng viên đủ tiêu chuẩn và 41 ứng viên không đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, một điểm đáng “lưu ý” là, trong số những người chưa đủ điều kiện để công nhận chức danh GS, PGS, có nhiều người không làm công tác nghiên cứu, giảng dạy mà là những cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo điều hành, quản lý tại các cơ quan Nhà nước.
Thực ra, từ xưa đến nay chưa hề có luật nào quy định, đã là cán bộ quản lý thì không được nộp đơn đề nghị xét tuyển chức danh GS, PGS. Vậy nên, việc họ thường xuyên “ứng thí” vào các chức danh này cũng là điều dễ hiểu. Song có điều, đã là cán bộ lãnh đạo thì có nhất thiết phải cần đến các chức danh này hay không?
Bởi lẽ thường, các chức danh GS, PGS thường chỉ thực sự quan trọng, có nhiều ý nghĩa với những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học… Đó là những danh hiệu cao quý ghi nhận quá trình phấn đấu không mệt mỏi, quan trọng hơn là những đóng góp cả về mặt học thuật, lý luận cũng như thực tiễn… đối với xã hội.
Vậy thì những cán bộ làm công tác điều hành, quản lý nhà nước làm GS, PGS để làm gì, khi các chức danh đó không có nhiều ý nghĩa phục vụ cho công việc chuyên môn? Phải chăng còn vì một lẽ khác?
Tới đây, chợt nhớ ở Bạc Liêu vừa xảy ra một chuyện khôi hài, Bí thư Đảng ủy một xã nọ bị cách chức vì mượn bằng tốt nghiệp THCS của một cán bộ thuế. Nguyên nhân là do ông này đã sử dụng bằng THCS để hợp thức hóa hồ sơ, thi THPT, đại học để thăng tiến và bị phát hiện.
Trở lại với việc xét tuyển chức danh GS, PGS, khi đặt cạnh câu chuyện “tai nạn” bằng cấp của vị bí thư ở xã nọ kể trên, dù hoàn toàn khác nhau về bản chất, nhưng chúng vẫn có điểm chung. Đó là bằng cấp, hay cao hơn nữa là học hàm, học vị. Bởi, rõ ràng, ai cũng cần bằng cấp, bằng cấp để làm dày, làm đẹp hồ sơ lý lịch, là điều kiện để thăng tiến… hoặc đơn giản hơn, đó là cụm từ GS. PGS trước tên tuổi các cán bộ lãnh đạo mỗi khi xuất hiện… trước đám đông!
MẠNH HÀ