Nhìn từ xa, Khăm Kheo không có vẻ gì là một thôn đã từng tồn tại độc lập. Con đường độc đạo từ trung tâm xã đến bản lộc ngộc những đá màu, đá hộc, đoạn nào “êm ả” hơn thì lại ngập trong bùn lầy. Đúng như lời Chủ tịch UBND xã Công Đa (huyện Yên Sơn) Lương Công Trình cảnh báo: “Trận mưa lớn đêm qua sẽ làm đường khó đi lắm, nhà báo mà đi một mình chắc không lên được đến đầu bản Khăm Kheo đâu…”.
Giữ sắc chàm xanh
Khăm Kheo sáp nhập vào Khuôn Trò từ tháng 6/2019. Trước đó, đây từng là một thôn độc lập của xã Công Đa, với hơn 90 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Nùng . Những tưởng theo tiếng Nùng, Khăm Kheo phải có một ý nghĩa gì đấy, nhưng hỏi những người già trong bản, họ lắc đầu, bảo tiếng Nùng cũng như tiếng Kinh thôi, Khăm Kheo nghĩa là… Khăm Kheo đấy!
Tôi trộm nghĩ, có lẽ những năm 80 của thế kỷ trước, khi những người Nùng đầu tiên từ Hà Giang chọn đất này làm nơi định cư sau cuộc trốn chạy khỏi khói lửa chiến tranh biên giới, họ cũng thấy đến được mảnh đất này quá vất vả, khúc khuỷu và… cộc kệch! Khăm Kheo, như một cách để họ ví von về nơi mà chính họ cũng gọi là “khỉ ho cò gáy” ấy.
Chiếc xe số của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khuôn Trò Phan Văn Linh “cõng” phóng viên rề rà từng khúc đến với Khăm Kheo. Trận mưa lớn đêm hôm trước khiến việc vượt 2,5 km từ xã đến bản vất vả hơn bao giờ hết. Ông Linh bảo, bình thường ngày mưa, đến người trong thôn còn ngại đi lại chứ đừng nói đến người ngoài. Chỉ những người có việc bất khả kháng, bắt buộc phải đi họ mới lên đường thôi.
Đúng như lời Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phan Văn Linh, đến Khăm Kheo, những chiếc xe máy của người dân dựng dọc 2 bên đường. Có điều, xe của dân bản khác hẳn với những chiếc xe máy bình thường, khi 2 lốp xe, đặc biệt là lốp sau, to và thô hơn hẳn xe thường. Ông Linh giải thích, đây là xe “chuyên dụng” của người Nùng ở Khăm Kheo, vì đường đi lại trơn trượt và khó đi quá. Người dân ở đây khi mua xe đều phải thay lốp bằng một loại lốp khác, gọi là “lốp chân chó” để có thể đi được qua 2,5 km đường nguyên những tảng đá màu, đá hộc và bùn lầy.
Đón khách trong nếp nhà sàn vừa dựng lại mới coóng, ông Lý Văn Sính, nguyên là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khăm Kheo suốt hơn 20 năm cười: Đến được với Khăm Kheo sau trận mưa lớn đêm qua là khách quý đấy!
Rồi ông Sính khoe, so với hơn chục năm trước đây, giờ cuộc sống của người Nùng ở Khăm Kheo đã tiến bộ vượt bậc rồi. Trước đây khách đến nhà, trước khi gặp mặt được chủ nhà phải “chào” đàn trâu, đàn lợn dưới gầm sàn trước đấy. Giờ người Nùng làm chuồng trại cách xa nhà, không thì mất vệ sinh lắm. Rồi cả chuyện ma chay, cưới xin nữa, cũng đơn giản hơn rồi, không còn để người chết mấy ngày trong nhà, không còn chuyện thách cưới bao nhiêu bạc trắng, bao nhiêu trâu, bao nhiêu lợn nữa đâu… Nhưng có một nét văn hóa, mà người Nùng Khăm Kheo tự hào lắm, là bà con vẫn tự tay trồng lấy cây chàm, tự mua vải về nhuộm để may lấy chiếc áo, chiếc váy, chiếc khăn cho mình.
Bà Vương Già Sáng đã ở cái tuổi ngoài 60 bảo, để nhuộm được một mảnh vải từ trắng tinh sang chàm, phải qua nhiều công đoạn lắm. Từ tháng 6, tháng 7, phụ nữ Nùng bắt đầu hái lá, rồi ngâm, vắt, hãm với vôi thêm 2 tháng nữa rồi mới ngâm vải. Vải ngâm trong nước chàm cũng phải qua không biết bao nhiêu vòng, cứ nhuộm, rồi phơi, lại nhuộm, kéo dài khoảng 2 tuần thì được màu vải chàm ưng mắt, lại không bị phai màu khi giặt giũ.
Giờ ở chợ phiên, vải chàm đã sẵn, nhưng người Nùng không thích dùng. Họ bảo, nếu không được tự tay nhuộm mảnh vải, tự tay thêu đường nét hoa văn trên từng chiếc khăn trùm đầu, trên từng khuy cài áo, thì thấy mình không còn là phụ nữ Nùng nữa. Thế nên, phụ nữ Nùng ở Khăm Kheo tất cả đều biết nhuộm vải, may áo. Những trẻ em gái được mẹ, được chị, được bà dạy làm từ những ngày lên 8 lên 10, đến 15, 16 tuổi thì thành thạo tất cả các công đoạn rồi. Trước đây cây chàm sẵn, chỉ việc vào rừng hái lá, giờ người Nùng ở Khăm Kheo đưa cây về trồng quanh các khe suối, nhà nào cũng có một khoảnh đất trồng chàm. Đến mùa thì hái lá, hết mùa lại gieo hạt, ươm cây.
Chị Hoàng Thị Cọt diện bộ trang phục truyền thống của người Nùng, tự hào bảo, mình biết làm áo này từ ngày 14, 15 tuổi cơ. Áo chàm của người Nùng đặc biệt lắm, vì nó mang sắc màu đặc trưng, nên mặc vào như cảm nhận được cả hương vị của núi rừng, của đồng ruộng. Người Nùng nhờ thế đi đâu cũng không quên nguồn cội, không quên mình đã được sinh ra từ núi từ rừng…
Sinh ra từ rừng thì phải giữ rừng
Khăm Kheo nằm nép bên núi, được bao phủ bởi một màu xanh đặc trưng của keo và bạch đàn. Nhưng ông Lý Văn Sính bảo, để có được màu xanh này, là cả một thời gian dài đánh đổi đấy.
Những ngày mới về lập bản ở Khăm Kheo, người Nùng đi đến đâu là phát nương làm rẫy đến đấy. Ngày đấy, làm nương giống như phong trào, nhà nào cũng làm. Nương trồng ngô, trồng lúa mở ra đến đâu, rừng thu hẹp lại đến đấy, có những ngày, bà con đốt nương cháy cả ngày mới hết. Người Nùng ở Khăm Kheo sẽ không giật mình, nếu như sau đấy là liên tiếp những đợt mưa lũ. Lũ quét tràn qua nhà, thổi bay cả đàn trâu, đàn lợn, bay cả nóc nhà sàn… “Thần rừng nổi giận thật rồi, phải giữ lấy rừng thôi!”, dân bản bảo nhau thế.
Dưới sự hướng dẫn của cán bộ xã, họ chuyển qua học cách làm lúa nước. Năm 2006, khi có chủ trương giao đất giao rừng, người Nùng ở đây cũng nhận đất để trồng rừng. Và phủ xanh đất trống đồi núi trọc thực sự trở thành phong trào. Khuôn Trò hiện có hơn 300 ha rừng sản xuất, thì người Nùng ở Khăm Kheo sở hữu hơn 100 ha. Nhà nào cũng sẵn 4 - 5 ha, nhiều hơn lên đến cả chục ha như ông Lý Văn Sinh, Sìn Văn Lương, Lý Văn Sèng… Vụ vừa rồi, nhà Sìn Văn Kính, Sinh Văn Lít, Lý Quang Phong, Lý Văn Sèng mới bán mỗi nhà từ 2 - 3 ha rừng, thu về 200 -300 triệu đồng.
Trong lúc chờ có thu nhập từ rừng, thì người Nùng Khăm Kheo nuôi thêm đàn dê. Ông Sính bảo, không biết từ bao giờ, con dê trở thành vật nuôi xóa đói giảm nghèo của người Nùng ở Khăm Kheo. Nhà nào cũng nuôi. Mặc dù số lượng không nhiều, chỉ khoảng 8 - 10 con, nhưng bà con nuôi gối liên tục, nhờ thế cũng có nguồn thu liên tục. Nhà Sinh Thị Ỉn nuôi hơn chục con. Đang ngồi tiếp chuyện với khách thì có thương lái đến bắt 2 con dê về xuôi bán cho các nhà hàng. Chị Ỉn cất túi gần 7 triệu đồng, cười khoe, tiền không nhiều, nhưng vài tuần lại bán được một lứa như này đấy.
Người Nùng ở Khăm Kheo chưa giàu, nhưng với họ, cuộc sống của ngày hôm nay đã đổi thay hơn những ngày tháng cũ rất nhiều. Và để có thể tiến từ khá lên giàu, thì như ước mơ của ông Sính, và bao người Nùng nơi đất này, con đường từ xã đến bản được làm mới, tốt hơn, đi lại thuận tiện hơn, để thương lái nếu có phải đến với Khăm Kheo, cũng không vì đường đi xấu mà ép giá mua bán nông sản thấp xuống./.