Chính phủ đã trình Hồ sơ báo cáo đề xuất Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 với các căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa.
Đây là nội dung dư luận xã hội, cử tri rất quan tâm, có phạm vi rộng, đối tượng lớn, nhiều vấn đề khó, cách tiếp cận đa dạng liên quan đến cả 3 Chương trình MTQG đang vận hành và nhiều chiến lược, chương trình, đề án khác cần xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, đa chiều trên tinh thần cởi mở, cầu thị.
Thảo luận tại phiên họp, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ tán thành sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư; đồng thời cho rằng việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, các ĐBQH đã phát biểu, cho ý kiến đối với nhiều nội dung liên quan, như: Vấn đề xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; việc tổ chức thực hiện, trong đó nhấn mạnh vai trò của Chính phủ, cơ quan thường trực và các cơ quan có liên quan đến việc hướng dẫn triển khai; lưu ý việc phát huy tối đa những bài học kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành và giám sát các Chương trình MTQG...
Các đại biểu cũng đặc biệt lưu ý đến vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho biết, dự thảo Chương trình có sự trùng lặp với nhiều chương trình liên quan đến phát triển văn hóa do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trong đó, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 có Dự án thành phần số 6 bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 có nội dung thành phần số 6 là nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Văn Huy lưu ý: “Hai nội dung này có giai đoạn thực hiện đến năm 2025, do đó đề nghị cần rà soát nội dung của Chương trình với các nội dung đã thực hiện được của các dự án thành phần của 2 Chương trình MTQG đang triển khai thực hiện…”.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung ĐBQH nêu. Theo Bộ trưởng, các ý kiến phát biểu đều thống nhất cao sự cần thiết phải ban hành Chương trình và mong muốn Chương trình sớm được ban hành; các ĐBQH cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể để Chương trình có tính khả thi cao khi triển khai thực tế.
Ghi nhận ý kiến góp ý hết sức trách nhiệm, sâu sắc của các vị ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tập trung phân tích, làm rõ thêm một số nội dung về: Cách thức tiếp cận; trùng lặp đối tượng thụ hưởng Chương trình; cơ cấu nguồn vốn của Chương trình; vấn đề ngân sách phân cấp…
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến ĐBQH đồng thuận, thống nhất quan điểm, nguyên tắc xây dựng Chương trình. Đây là Chương trình rất quan trọng, có nội dung rất rộng, phản ánh ở tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống xã hội.
Để tiếp tục hoàn thiện, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến các ĐBQH, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội; phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình phù hợp với Hiến pháp, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng các khía cạnh, tác động của Chương trình.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổng hợp nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH phát biểu tại Tổ và phát biểu tại hội trường để tiếp tục tiếp thu, giải trình ý kiến các ĐBQH một cách xác đáng và tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý; hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 tới đây.