Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật Dược năm 2016, ngành Dược đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Theo đó, để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện hành, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là cần thiết. Quan điểm xây dựng dự án Luật là tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực dược; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh dược; tiếp cận tối đa các thông lệ quốc tế cũng như phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn phòng, chống dịch và các vấn đề cấp bách cần tháo gỡ ngay để bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, giá hợp lý cho Nhân dân; đổi mới mạnh mẽ quy trình, thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm tối đa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị.
Xuất phát từ quan điểm nêu trên, dự Luật đã tiến hành sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược. Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược gồm 3 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 44 Điều của 8 Chương trong tổng số 116 Điều của 14 Chương của Luật Dược năm 2016.
Theo đó, dự thảo Luật xác định rõ ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất nguyên liệu dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, vắc xin, sinh phẩm, thuốc hiếm, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam mang thương hiệu quốc gia; hoạt động nghiên cứu khoa học về phát triển công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới; hoạt động nghiên cứu, sản xuất thuốc mới từ nguồn dược liệu đặc hữu trong nước; hoạt động bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm đặc hữu trong nước, hoạt động nghiên cứu tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu trong nước và di thực, có giá trị kinh tế cao.
Đồng thời dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về thu hồi thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Theo đó, phân cấp thẩm quyền thu hồi thuốc cho Sở Y tế trong trường hợp thu hồi bắt buộc đối với thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng ở mức độ 2 hoặc ở mức độ 3 được phát hiện trên địa bàn; bổ sung thời gian cơ quan quản lý trả lời về đề xuất thu hồi tự nguyện của cơ sở; sửa đổi, bổ sung một số quy định về áp dụng bộ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc…
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số quy định về thông tin, quảng cáo thuốc. Cụ thể, bỏ nội dung quy định hồ sơ, thủ tục tiếp nhận, thẩm định và xác nhận nội dung thông tin thuốc và yêu cầu xác nhận nội dung quảng cáo thuốc; bổ sung đối tượng được thông tin thuốc là người hành nghề dược; sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết cách ghi, trình bày, yêu cầu đối với nội dung quảng cáo thuốc; các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc; yêu cầu và trách nhiệm đối với các đối tượng thực hiện, tham gia quảng cáo thuốc.
Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá Hồ sơ dự án Luật cơ bản đầy đủ các tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung dự thảo Luật nhìn chung phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, hợp hiến, hợp pháp và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, Dự thảo có 8 nội dung giao Chính phủ, 4 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết, đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, có thể bổ sung một số quy định chi tiết ngay trong Luật, hạn chế các nội dung giao cho văn bản dưới luật và bổ sung các dự thảo văn bản quy định chi tiết còn thiếu. Bên cạnh đó, dự thảo Luật liên quan đến hơn 12 luật khác, nên một số quy định cần tiếp tục được rà soát để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật.