Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 06/6/2022 về Chương trình giám sát năm 2023 và Nghị quyết số 52/2022/QH15 ngày 14/6/2022 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về các Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG 1719. Trong quý II/2023, Quốc hội đã thực hiện giám sát tối cao đối với 3 Chương trình MTQG.
Theo đó, Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát trực tiếp Chính phủ, 11 bộ, ngành và 15 tỉnh đại diện cho các vùng, miền và mức độ thụ hưởng các Chương trình MTQG; tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, Chính phủ; sử dụng tối đa kết quả kiểm toán, thanh tra và ý kiến của các bộ, ngành, các địa phương …
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - Y Thanh Hà Niê Kđăm, đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát giữa kỳ và tiến hành đồng thời với 3 Chương trình MTQG, phạm vi rộng, cùng với những yêu cầu đổi mới. Qua giám sát cũng cho thấy, các cơ quan bộ, ngành liên quan còn hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện các Chương trình.
Đơn cử đối với Dự án 4 về: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công lập (Chương trình MTQG 1719); Nhiều địa phương vẫn chưa phân cấp thực hiện cơ chế đặc thù trong đầu tư xây dựng Chương trình ngay cả khi một số bất cập về lập danh mục dự án thực hiện theo cơ chế đặc thù trong Nghị định số 27/2022/NĐ-CP đã được điều chỉnh, bổ sung tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP để giải quyết những bất cập này.
Còn đối với việc triển khai thực hiện Dự án 9: Đầu tư nhóm DTTS rất ít người và nhóm DTTS còn khó khăn là một trong những dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhất trong quá trình thực hiện tại cơ sở. Qua giám sát, kiểm tra, Đoàn giám sát đã nhận diện được nhiều bất cập. Do chưa có tiêu chí xác định thôn tập trung đông đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù, có tỷ lệ hộ nghèo cao nên chưa có cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai nội dung này, ngoài ra còn một số vướng mắc khác cần tháo gỡ.
Từ việc nhận diện những vướng mắc trong quá trình triển khai ở thực tiễn thời gian qua, Quốc hội đã có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý tồn tại, hạn chế phát sinh để đảm bảo thực hiện Chương trình có hiệu quả. Qua đó, kết quả giải ngân của Chương trình MTQG 1719 đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt kết quả tương đối khả quan.
Cụ thể, kết quả giải ngân vốn đầu tư công bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đạt 77% kế hoạch; giải ngân vốn sự nghiệp bao gồm cả vốn sự nghiệp của năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đạt 28% kế hoạch.
Trong quý I/2024, vốn đầu tư công giải ngân đến hết tháng 3/2024 (bao gồm cả vốn đầu tư kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2024) của Chương trình ước đạt được khoảng 2.110,772 tỷ đồng, đạt 14% kế hoạch.
Vốn sự nghiệp giải ngân thực hiện Chương trình ước đạt được khoảng 38,385 tỷ đồng, đạt 1% kế hoạch; ước thực hiện đến hết tháng 4/2024 (bao gồm cả vốn đầu tư kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2024) của Chương trình ước đạt 21% kế hoạch.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc
Thể hiện vai trò quan trọng trong quá trình triển khai Chương trình MTQG 1719, là Ủy ban Dân tộc đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719. Tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra, ngày 22/5, Quốc hội đã được nghe trình bày Tờ trình, báo cáo về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2030.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thông tin và nhấn mạnh: Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện Chương trình, cần thiết phải đề xuất điều chỉnh một số nội dung tại chủ trương đầu tư Chương trình liên quan đến điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 120/2020/QH14; đối tượng tham gia thực hiện Chương trình tại các dự án Dự án 4, Dự án 5, Dự án 6, Dự án 7.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh, việc Chính phủ đề xuất với Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình, là cần thiết và cấp bách để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đề ra.
Trong phiên thảo luận tại Hội trường về nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2030, diễn ra ngày 17/6, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, tiểu dự án trong Chương trình.
Như ý kiến phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, Chương trình đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, tác động tích cực đến đời sống người dân, đặc biệt ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, như việc thực hiện khá tốt công tác xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên…
Tuy nhiên, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến kết quả triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình nên cần phải điều chỉnh một số chủ trương là cần thiết.
Đại biểu Cầm Hà Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ thì cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Liên quan đến việc điều chỉnh đối tượng thuộc diện đầu tư của Chương trình, đại biểu Cầm Hà Chung cũng đồng tình đề nghị nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung đối tượng để triển khai một số nội dung đã được phân bổ vốn nhưng vướng về đối tượng và các văn bản quy phạm pháp luật. "Việc này có thể thực hiện trong điều chỉnh chủ trương đầu tư của Chương trình hoặc trong quyết định phê duyệt Chương trình của Thủ tướng Chính phủ sau khi điều chỉnh chủ trương đầu tư", đại biểu Chung nêu.
Trong phần kết luận nội dung thảo luận, ông Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội khái quát: Các ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết xem xét, điều chỉnh một số nội dung, chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2025 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, tiểu dự án trong Chương trình.
Có thể khẳng định, từ thực tiễn kiểm tra, giám sát, đánh giá của Quốc hội đã giúp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình chấp hành các quy định về quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Qua đó phát huy những kết quả tích cực và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý tồn tại, hạn chế phát sinh để đảm bảo thực hiện Chương trình có hiệu quả, đúng mục tiêu, tiến độ, hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.