Ông Trần Hữu Chí, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu: Điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719 là rất cần thiết. Bởi thực tế khi triển khai, các địa phương đã gặp nhiều khó khăn.
Nhất là việc giao chi tiết nguồn kinh phí sự nghiệp đến từng lĩnh vực sự nghiệp (như sự nghiệp văn hóa thông tin, sự nghiệp y tế, dân số và gia đình…) gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện ở địa phương. Bên cạnh đó, địa phương không chủ động được trong việc cân đối kinh phí đối với các nội dung cần thực hiện và nội dung không thể triển khai thực hiện tại địa phương.
Đối với nội dung, đối tượng, địa bàn... của từng dự án, tiểu dự án nội dung thành phần của Chương trình, UBND tỉnh Lai Châu đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với 5 dự án gồm: Tiểu dự án 1, Dự án 3; Tiểu dự án 1, Dự án 5; Dự án 8; Dự án 9; Dự án 10.
UBND tỉnh Lai Châu cũng đề xuất, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025, để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của một số tiểu dự án, dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG 1719.
Ông Kpă Đô - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai: Một trong những vướng mắc của tỉnh hiện nay, là giải ngân vốn sự nghiệp thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 về “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường Phổ thông Dân tộc nội trú, trường Phổ thông Dân tộc bán trú, trường Phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS”.
Hiện với nội dung “dạy học xóa mù chữ”, Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn thực hiện chi trả tiền công, tiền lương cho “cán bộ quản lý, giáo viên, người tham gia thực hiện công tác xóa mù chữ" khi tham gia tổ chức giảng dạy các lớp xóa mù chữ. Nếu áp dụng khoản 6, Điều 5 Thông tư số 17/2022/TT-BTC ngày 08/3/2022 của Bộ Tài chính Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” để chi các nội dung nêu trên, thì phải sử dụng nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp, không sử dụng kinh phí Chương trình MTQG 1719 để giải ngân.
Vì vậy, địa phương đề xuất Bộ Tài chính, làm rõ nội dung tại Khoản 7 Điều 20 Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 “7. Chi tiền công đối với người tình nguyện tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ (nếu có) từ nguồn ngân sách địa phương thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 6 Điều 5 Thông tư số 17/2022/TT-BTC ngày 08/3/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”.
Cùng với đó, làm rõ nguồn chi tiền công ngân sách địa phương theo phân cấp, hay tỉnh Gia Lai phải bố trí kinh phí chi trả dẫn đến địa phương thiếu nguồn chi trả (trái với Quyết định 1719/QĐ-TTg có nội dung “dạy học xoá mù chữ” thì phải chi tiền công người tham gia dạy xóa mù theo điểm a, khoản 5 Mục III; không phù hợp với Báo cáo nghiên cứu khả thi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có hỗ trợ kinh phí chi tiền công cho người tham gia dạy xóa mù). Trong quá trình thực hiện các huyện, thị xã, thành phố không có nguồn kinh phí bố trí chi trả tiền công cho người tham gia dạy các lớp xóa mù đang triển khai.
Ông Trần Bình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị:
Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, nhất là quy định về nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG 1719 là hết sức cần thiết. Hiện nay, một số nội dung hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách từ nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình MTQG (đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt thuộc Dự án 1) gặp nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, là hỗ trợ hộ nghèo về đất ở. Với những địa phương có quỹ đất, thì định mức hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ không đủ để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật để cấp đất ở cho các đối tượng được thụ hưởng.
Với các xã không có điều kiện về đất đai, định mức hỗ trợ này cũng khó giúp người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép. Còn với hỗ trợ về đất sản xuất, hiện huyện Hướng Hóa không có quỹ đất, huyện đề xuất điều chỉnh hỗ trợ nguồn vốn trên trực tiếp cho người dân để cải tạo, khai hoang, phục hóa.
Một vấn đề cũng khiến địa phương rất trăn trở là định mức hỗ trợ nước sinh hoạt hiện còn quá thấp, lại hỗ trợ phân tán. Để bảo đảm nước sinh hoạt bền vững, tôi cho rằng, nên đầu tư theo gói, theo công trình với phương thức Nhà nước đầu tư, dân dùng dân trả tiền. Tuy bỏ ra nguồn lực lớn nhưng hiệu quả sử dụng sẽ lâu dài.
Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An:
Do nhiều khó khăn, vướng mắc, việc giải ngân vốn Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn huyện còn thấp, nhất là vốn sự nghiệp. Như nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất lâm nghiệp bền vững, do phân bổ muộn nên phải chuyển nguồn để sử dụng cho các năm sau (nguồn năm 2022 hỗ trợ năm 2023, nguồn năm 2023 hỗ trợ năm 2024) ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn.
Hay như vốn hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chưa tìm được giải pháp phù hợp để thực hiện. Đặc biệt, nguồn vốn hỗ trợ nhóm các dân tộc còn nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn thực hiện nên đến nay chưa phân bổ nguồn vốn triển khai…
Từ thực tế đó, để đạt được mục tiêu của Chương trình MTQG 1719, phù hợp với điều kiện vùng DTTS và miền núi của từng địa phương, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư là rất cần thiết. Nếu được điều chỉnh chủ trương đầu tư theo từng nội dung, tiểu dự án, dự án một cách cụ thể, khoa học, phù hợp thực tiễn… sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để cơ sở thực hiện tốt hơn; từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ, đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn.
Huyện cũng mong muốn, sau khi điều chỉnh được thông qua, cấp có thẩm quyền sẽ chọn Kỳ Sơn để thí điểm áp dụng cơ chế phân cấp được quy định tại điểm a, khoản 7, điều 4, Nghị quyết 111/2024/NQ15 của Quốc hội.