Những con số biết nói
Vùng đồng bào DTTS tập trung chủ yếu ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, người dân có đời sống kinh tế còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, một số hủ tục vẫn còn tồn tại.
Nhiều năm qua, Quảng Trị đã quyết liệt triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn I từ 2016 - 2021 và giai đoạn II từ 2021 - 2025” trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê của huyện Đakrông giai đoạn 2016 - 2021, toàn huyện có 484 cặp tảo hôn, chiếm tỉ lệ 20,96%, trong đó có 81,5% là nữ giới; 81 cặp tảo hôn cả vợ và chồng; 9 cặp hôn nhân cận huyết thống, chiếm 0,4% so với cặp kết hôn. Huyện Hướng Hóa năm 2021 có 122 cặp tảo hôn (trong đó có 5 cặp tảo hôn cả vợ và chồng), chiếm 30,27% so với tổng số cặp kết hôn. Mặt khác, do tâm lý của một số địa phương vẫn đang còn e ngại khi báo cáo thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nên số liệu báo cáo còn thấp hơn nhiều so với thực tế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn còn phổ biến là do: Tâm lý muốn lấy vợ, chồng sớm; một số gia đình muốn con lấy vợ, lấy chồng sớm để có thêm lao động; tình trạng nghèo đói, thất học, thiếu hiểu biết pháp luật dẫn đến nhiều vị thành niên có quan hệ tình dục sớm buộc phải “cưới chạy”.
Mặt khác, một số nơi cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm chưa đúng mức về công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, về tác hại của nạn tảo hôn cho người dân; chưa có xử phạt hoặc xử phạt chưa đủ sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm...
Quyết tâm đẩy lùi nạn tảo hôn
Trước thực trạng trên, để đạt được mục tiêu mà Đề án đề ra, các ban, ngành cấp tỉnh, 2 huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị đã quyết liệt triển khai kế hoạch.
Ở cấp tỉnh đã tập trung biên soạn cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông, đồng thời tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình trong vùng DTTS.
Các địa phương cũng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động để thay đổi hành vi của đồng bào DTTS về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Ngoài ra, các hình thức truyền thông như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, lễ hội nhằm tuyên truyền hạn chế tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng được các huyện chú trọng thực hiện.
Ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện Đề án nhưng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp trên địa bàn huyện và sự hỗ trợ của tỉnh nên công tác giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn đạt những kết quả đáng ghi nhận.
“Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật; xây dựng các nhóm giải pháp để nâng cao nhận thức cho người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình với 206 cuộc tư vấn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 644 lượt người, thực hiện các mô hình can thiệp để ngăn ngừa nguy cơ kết hôn sớm, xây dựng và phát động ký hương ước, quy ước thôn không tảo hôn; qua đó, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, ông Lê Đại Lợi cho biết thêm.
Tại huyện Hướng Hóa, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành tích cực vào cuộc thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 giảm bình quân 10-15%/năm số cặp tảo hôn đối với địa bàn có tỷ lệ tảo hôn cao và đến năm 2025 phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn trong vùng DTTS.
Bên cạnh đó, các huyện còn tăng cường tư vấn, can thiệp, nghiên cứu ứng dụng, nhân rộng các mô hình, bài học kinh nghiệm phù hợp từ các tỉnh để người dân thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và sự tham gia của cộng đồng trong việc ngăn ngừa nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Trong công tác tuyên truyền, vận động, các địa phương chú trọng phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể, già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ những hủ tục và phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Ly Kiều Vân đề nghị cần các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật cho người dân, đặc biệt là Luật Hôn nhân Gia đình, phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, nhà trường vận động theo hướng đổi mới sát với thực tế nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn ở các địa phương; góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS.