Thực trạng đáng báo động
Với quá trình đô thị hóa và phát triển dân cư, lượng rác thải liên tục tăng lên. Theo thống kê, hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khoảng 1.250 tấn/ngày. Trong đó, có tới 70% vẫn chỉ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; 26% được xử lý bằng công nghệ đốt; còn lại chỉ có 4% được xử lý bằng phương pháp tái chế, thu hồi và chế biến thành phân bón hữu cơ.
Lượng nước thải sinh hoạt khu vực đô thị tại Tp. Hạ Long lên đến hơn 31.720 m3/ngày, lượng rác thải sinh hoạt khoảng 100.000 tấn/năm. Từ nhiều năm nay, Tp. Hạ Long đã đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung; hợp đồng với doanh nghiệp thu gom chất thải rắn của người dân. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn của thành phố đạt khoảng 98% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn, số còn lại được người dân xử lý tại chỗ.
Anh Nguyễn Anh Toàn, Tp. Hạ Long cho biết: “Nói gì xa, rác thải sinh hoạt của người dân nhiều khi không hiểu vì lý do gì 2 ngày mới thấy lấy. Nhiều khi chúng tôi phải tự tìm cách xử lý, mà tiền thu gom rác vẫn nộp đầy đủ chứ”.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày các đô thị trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 1.397 tấn chất thải rắn sinh hoạt thông thường, nhưng còn khoảng 5,5% chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị chưa được thu gom. Điều đáng nói là phần lớn lượng rác thải vẫn được xử lý theo hình thức chôn lấp.
Bà Hoàng Vân Thùy, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngậm ngùi: “Rất mong các cơ quan chức năng, kịp thời đưa ra phương án giải quyết vấn đề rác thải đô thị. Nhất là chất thải từ sản xuất công nghiệp, y tế còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe ấy chứ”.
Không những vậy, hệ thống thoát nước đô thị đã xuống cấp, một số tuyến cống trong đô thị đã bị lấn chiếm, bồi lấp; công tác nạo vét, bảo trì hệ thống thoát nước chưa bảo đảm...
Còn nhiều khó khăn trong việc xử lý chất thải đô thị
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mới chỉ có Tp. Hạ Long đã đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống nước thải đô thị, với 5 trạm xử lý nước thải. Tuy nhiên, các trạm này mới xử lý được khoảng 45% nước thải sinh hoạt. Hiện thành phố đang triển khai giai đoạn II dự án thoát nước và xử lý nước thải, với tổng mức đầu tư gần 3.200 tỷ đồng. Dự án hoàn thiện sẽ giúp thành phố xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt trên địa bàn.
Tỉnh cũng đã có quy định, với tất cả các huyện, thị, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh, khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới, yêu cầu phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, hoặc thực hiện đấu nối với hệ thống thoát nước thải tập trung của đô thị... Tuy nhiên, tỷ lệ các đô thị loại 4 trở lên trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải tập trung hiện mới đạt trên 21%.
Mới đây, ngày 26/9/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 - 2030. Trong đó, Nghị quyết đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại các khu đô thị, các xã đảo, xã có hoạt động du lịch, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn trên 99%, thực hiện hiệu quả phân loại tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và hạn chế chôn lấp.
Để kịp thời giải quyết bài toán rác thải đô thị, ngoài đầu tư nguồn lực của tỉnh, các địa phương cũng cần chủ động trong thu hút đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt đô thị; hoàn thiện quy hoạch hệ thống xử lý nước thải, rác thải để phát huy hiệu quả tối ưu nhất trong công tác bảo vệ môi trường đô thị trên địa bàn tỉnh.