Nhiều hồ đập xuống cấp nghiêm trọng
Có mặt tại hồ Trung Thuần, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch. Hồ được xây dựng từ năm 1980, phục vụ tưới tiêu cho gần 200ha lúa của các xã Quảng Thạch, Quảng Lưu, Quảng Phương. Tuy nhiên, do công trình được xây dựng từ lâu, nên nhiều hạng mục đã xuống cấp, gây mất an toàn cho hàng trăm hộ dân sinh sống phía dưới chân đập.
Quan sát thực tế, dễ dàng nhìn thấy mái thượng lưu được gia cố bằng đá lát khan trên nền đất đắp thủ công đã bị xói lở nặng. Mái hạ lưu bị thấm nước, tường chắn sóng bằng đá xây đã xuống cấp, cửa van cống áp lực bị rò rỉ nước, máy đóng mở nước đã hư hỏng. Bên cạnh đó, Hiện hồ chưa có hệ thống giám sát vận hành và thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho hồ và vùng hạ du. Đáng chú ý, mặt đập hẹp chưa được gia cố bảo vệ, gây trở ngại cho công tác ứng cứu khi công trình gặp sự cố…
Ngược lên hồ Cửa Nghè, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, đá lát khan gia cố mái thượng lưu đập bị hỏng hoàn toàn, bị lún cục bộ nhiều chỗ, chưa có tường chắn sóng. Đặc biệt, tại tràn xả lũ, tường bên cửa bằng đá xây đã bị sạt lở, thân tràn và kênh dẫn bằng bê tông bị nứt, khẩu độ tràn không đủ thoát lũ.
Hồ Cửa Nghè được xây dựng từ năm 1990, có dung tích lớn, hiện đang tưới tiêu cho khoảng 150ha lúa của hai xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch của huyện Bố Trạch. Từ ngày xây dựng đến nay, hồ Cửa Nghè chưa được sửa chữa, nâng cấp lần nào, nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Do kỹ thuật và phương tiện tại thời điểm xây dựng hồ (năm 1990) chưa hiện đại, nên một số thiết bị như, thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du chưa được lắp đặt. Hệ thống giám sát, vận hành chưa được trang bị, nên khi mùa mưa đến, chính quyền địa phương cũng như người dân nơi đây rất lo lắng vì sợ đập vỡ, gây nguy hiểm cho Nhân dân vùng hạ du.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Mai Văn Minh, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Bình cho biết: Toàn tỉnh Quảng Bình hiện còn 32 hồ đập được xây dựng từ 20 - 30 năm trở về trước. Cứ mỗi mùa mưa bão cận kề, Nhân dân vùng hạ du và chính quyền địa phương ở những khu vực này lại thấp thỏm lo ngại.
Bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình, hiện toàn tỉnh hiện có 38 đập bị thấm (15 đập bị thấm nặng); 22 tràn xả lũ bị nứt, hư hỏng (trong đó hư hỏng nặng 13 cái) và 28 mái đập bị biến dạng, sạt lở. Để vận hành hồ đập an toàn trước mùa mưa bão, là một nhiệm vụ quan trọng đối với chủ hồ, chính quyền địa phương.
Những năm qua, tỉnh Quảng Bình cũng đã ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, sửa chữa được 18 hồ đập xuống cấp. Điển hình như: Hồ Hung Dũ, hồ Khe Su (huyện Quảng Trạch), hồ Thanh Sơn (Lệ Thủy)… Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí eo hẹp, nên tỉnh cũng chưa thể đáp ứng việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp hết các hồ đập được.
Do đó, để bảo đảm vận hành an toàn hồ đập, đặc biệt là hồ đập đã xuống cấp, Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy Lợi cũng đã hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp như, tập kết sẵn vật liệu ở các hồ, đập có nguy cơ cao để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra; Chỉ đạo đơn vị quản lý vận hành và điều tiết những hồ chứa tràn sâu, theo quy trình vận hành đã được phê duyệt. Các hồ đập được giám sát vận hành, có sự tham gia của người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản do bão lũ gây ra.
Đối với những hồ đập có dung tích nhỏ, UBND tỉnh, các huyện đang tiếp tục cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ tu sửa, gia cố điểm trọng yếu để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão 2021. Những công trình, hạng mục đang thi công, phải tập trung tối đa nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ kịp thời bảo đảm an toàn cho Nhân dân vùng hạ du.
Riêng hồ Cửa Nghè, một trong những hồ chứa có dung tích lớn, UBND tỉnh Quảng Bình, Bộ NN&PTNT, đã đưa vào kế hoạch xem xét bố trí kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn cho Nhân dân trong khu vực.
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, mùa mưa bão đã cận kề nên đến thời điểm hiện tại, địa phương đã lên phương án, thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm vận hành các hồ đập trên địa bàn toàn tỉnh một cách an toàn nhất, hạn chế đến mức thấp nhất có thể, khi có trường hợp xấu xảy ra.