Cùng dự có lãnh đạo Vụ Văn hoá dân tộc, Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các đơn vị chức năng thuộc Bộ và đại diện các địa phương tham gia Liên hoan.
Tại Cuộc họp, bà Nguyễn Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ VHTT&DL) cho biết, Liên hoan trình diễn trang phục các DTTS Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, năm 2022 với sự tham gia của nghệ nhân, diễn viên quần chúng các dân tộc đến từ 17 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh. Liên hoan dự kiến tổ chức trong 3 ngày ( từ 18-20/11) tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Trong khuôn khổ Liên hoan sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú như: Hội nghị gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS khu vực phía Bắc (ngày 18/11); Hội thảo khoa học "Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" (ngày 19/11); Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc (ngày 19/11); Không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng và trình diễn thêu, dệt thủ công trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc (từ ngày 18-20/11); Triễn lãm trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam khu vực phía Bắc (từ ngày 18-20/11)...
Tại cuộc họp, đại biểu các tỉnh, thành đều khẳng định “Liên hoan trình diễn trang phục các DTTS Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, năm 2022” là hoạt động hết sức ý nghĩa, khích lệ, động viên đồng bào trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc nói chung và trang phục nói riêng, đồng thời đề suất tổng đạo diễn chương trình sớm gửi ý tưởng kịch bản và nội dung chương trình cho các địa phương để tiến hành tập luyện…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ lưu ý các địa phương cần khẩn trương lên kế hoạch, xây dụng nội dung cụ thể và tập luyện để tham dự. Đối với các đơn vị chức năng, cần khẩn trương tham mưu lãnh đạo Bộ có văn bản hướng dẫn địa phương. Ban Tổ chức Liên hoan tiếp thu những ý kiến đóng góp tại cuộc họp để tổ chức các hoạt động của Liên hoan được tổ chức trang trọng, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết. Nội dung các hoạt động đặc sắc, hình thức phong phú, đề cao vai trò của chủ thể văn hóa, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại.