Quyết liệt triển khai chính sách hỗ trợ đến người dân
Tiểu dự án 1, Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719 với nội dung thực hiện: Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với diện tích rừng Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được Nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế theo quy định hiện hành; diện tích rừng tự nhiên do UBND cấp xã trực tiếp quản lý. Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung; hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng quy hoạch là rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình; hỗ trợ trồng rừng phòng hộ đối với diện tích đất được quy hoạch trồng rừng phòng hộ đã giao cho hộ gia đình theo quy định hiện hành. Trợ cấp gạo cho gia đình nghèo, hộ đồng bào DTTS tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung, trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ.
Tại huyện Quế Phong, đến thời điểm này, huyện đã phê duyệt xong hồ sơ kinh tế kỹ thuật về số hộ, diện tích, số tiền… được hưởng theo tiểu dự án 1, Dự án 3. Tổng kinh phí tiền bảo vệ rừng năm 2023 của huyện, ước tính là hơn 26 tỷ đồng (năm 2022, huyện được phân bổ 36 tỷ đồng, nhưng chỉ thực hiện được 26 tỷ đồng trong năm 2023). Riêng ở thị trấn và xã Mường Nọc không được hưởng do thuộc khu vực 1 (Mường Nọc cũng chỉ có 3-4 bản có rừng và thuộc diện đặc biệt khó khăn), do hạng mục này chỉ thực hiện xã khu vực 2 và khu vực 3.
Qua tính toán, số lượng hộ được thực hiện là 5.660 hộ, tại 48 thôn bản, với 54.639ha, mức hỗ trợ bảo vệ rừng là 400 ngàn đồng/ha/năm.Với chính sách hỗ trợ 15kg gạo/hộ/tháng thì đang được huyện khảo sát đối tượng.
Ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Quế Phong cho biết: Việc thanh toán tiền hỗ trợ bảo vệ rừng cũng phải cuối năm 2023, khi tiến hành thanh lý hợp đồng mới thanh toán được tiền cho bà con; và cũng phải cuối năm 2023, thì mới giải ngân xong các phần việc của tiểu dự án 1, Dự án 3.
Đối với huyện Con Cuông, tiến độ thực hiện tiểu dự án 1, Dự án 3 cũng đang gấp rút được thực hiện. Huyện Con Cuông kỳ vọng, với các mục tiêu, nội dung cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ rõ ràng từ Chương trình MTQG 1719, sẽ tạo điều kiện cho người dân vùng DTTS và miền núi sống nhờ rừng, phụ thuộc rừng, cải thiện được cuộc sống và có thêm điều kiện để phát triển kinh tế giảm nghèo.
Tuy nhiên, theo ông Lang Anh Hưng, Phó phòng NN&PTNT Con Cuông, đối với tiểu dự án 1, Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719 năm 2022 chưa thực hiện, còn năm 2023 mới triển khai. Theo khảo sát ban đầu, dự kiến sẽ tiến hành lập hồ sơ hỗ trợ bảo vệ rừng sản xuất 30.000ha và khoán bảo vệ rừng phòng hộ 6.000ha, với mỗi ha là 400 ngàn đồng/năm. Hỗ trợ gạo bảo vệ rừng 15kg/ khẩu/tháng. Hiện nay, huyện đang tập trung rà soát đối tượng, đang phối hợp đơn vị thiết kế, tư vấn, thẩm đỉnh hồ sơ, phân loại đối tượng để có thể giải ngân vào cuối năm 2023.
Tìm hiểu từ thực tế cho thấy, các địa phương cũng rất cố gắng quyết liệt triển khai thực hiện các dự án, nội dung Chương trình 1719, nhưng do nhiều nguyên nhân như: đây là chương trình mới lần đầu được triển khai, do vậy việc hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn vẫn còn chậm, Thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện tiểu dự án 1, Dự án 3 đến 20/9/2022 mới được ban hành và có hiệu lực. Bên cạnh đó, cũng có một số địa phương chưa quyết liệt triển khai thực hiện chương trình, do vẫn còn tâm lý sợ sai dẫn đến tiến độ thực hiện chậm…
Những vướng mắc trên, khiến cho tiến độ của tiểu dự án 1, Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn toàn tỉnh đang chậm.
559 thôn, bản được thụ hưởng
Theo Kế hoạch, tiểu dự án 1, Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719 về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân được triển khai trên địa bàn 7 huyện vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng cao biên giới gồm Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương, Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp, với tổng số 559 thôn/bản thuộc địa bàn 65 xã.
Theo dự toán ngân sách nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 1892, ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh Nghệ An về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ và dự toán ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2022, đối với tiểu dự án 1, Dự án 3, ngân sách Trung ương phân bổ 163,237 tỷ đồng; Năm 2023 vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương giao thực hiện tiểu dự án 1, Dự án 3 là 454,257tỷ đồng, phân bổ cho 6 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.
Để triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các Quyết định: số 4347/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 ủy quyền phê duyệt thiết kế, dự toán công trình lâm sinh thực hiện Chương trình MTQG 1719; công văn số 833/QĐ-UBND ngày 29/3/2023 quy định và ủy quyền thực hiện nhiệm vụ trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng; Quyết định số 843/QĐ-UBND ngày 29/3/2023 quy định mức trợ cấp và số lần trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng. Sở NN&PTNT cũng đã ban hành Công văn số 504/SNN-KL Ngày 20/02/2023 về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung tiểu dự án 1, Dự án 3 Chương trình MTQG 1719.
Nhờ những nỗ lực, sự vào cuộc đồng bộ, đến thời điểm này, các địa phương đang trong quá trình tổng hợp, lập hồ sơ, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân nguồn kinh phí đã được cấp.Tuy nhiên, từ thực tế triển khai thực hiện tiểu dự án 1, Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719, cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc nhất định.
Theo đại diện Sở NN&PTNT Nghệ An, đánh giá một cách tổng thể, khách quan, nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa quan trọng, giúp các địa phương chủ động được nguồn kinh phí hỗ trợ, với định mức kỹ thuật rõ ràng để thực hiện các dự án, nội dung thành phần, người dân an tâm phát triển rừng, bảo vệ rừng, đặc biệt sống được từ nghề rừng. Tuy nhiên, với 6 nội dung được quy định hỗ trợ thực hiện tiểu dự án 1, Dự án 3, thì vẫn chưa đáp những nhu cầu cần được hỗ trợ trên địa bàn, cụ thể như hỗ trợ công tác giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp, hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn; hỗ trợ các hoạt động sinh kế gắn với bảo vệ và phát triển rừng..
."Những khó khăn, vướng mắc vẫn cần được các bộ, ngành, địa phương, đơn vị chức năng quan tâm rà soát, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế", đại diện Sở NN&PTNT Nghệ An bộc bạch