Tiềm năng và thách thức
Thực tế cho thấy, mặc dù tiềm năng du lịch của các tỉnh biên giới là khá lớn, nhưng lượng khách du lịch đến với các tỉnh này còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng. Ngoài một số tỉnh như: Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn ở phía bắc; Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam ở miền trung; Tây Ninh, An Giang ở phía nam… đã có những bước phát triển nhất định, còn du lịch của các tỉnh biên giới nhìn chung đều chưa thật sự có được những chuyển biến mạnh mẽ. Lượng khách đến có tăng nhưng còn thấp.
Nguyên nhân cơ bản có thể kể đến đó là, kết cấu hạ tầng ở hầu hết các khu vực biên giới chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển của du lịch: hệ thống đường giao thông, đặc biệt là đường nhánh tiếp cận các khu, điểm du lịch còn chưa được đầu tư phát triển, đơn hướng và chất lượng thấp. Đặc biệt trong mùa mưa lũ, nhiều đoạn đường khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung thường sạt lở, ngập lụt, gây ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn nghèo nàn, chất lượng thấp: cùng với kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đóng một vai trò hết sức quan trọng trong phát triển du lịch. Ở các khu vực biên giới, đặc biệt ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Ðiện Biên, Thanh Hóa, Kiên Giang, An Giang, Bình Phước... cơ sở lưu trú và ăn uống dành cho khách du lịch còn ít, chất lượng không cao và hầu hết chưa đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, nhất là khách du lịch có khả năng chi trả cao.
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch trên dọc biên giới, đặc biệt là dọc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia còn nghèo nàn và đơn điệu: ngoại trừ một số điểm du lịch nổi bật trên dọc tuyến biên giới đất liền với Trung Quốc như Hạ Long và Sa Pa, các khu vực còn lại đều chưa có các sản phẩm du lịch đủ hấp dẫn (cả về cảnh quan, hạ tầng, dịch vụ…) để thu hút khách từ các nước bạn. Hiện nay, việc đầu tư phát triển các điểm du lịch cho khách tham quan còn chưa thực sự được chú trọng. Khách du lịch đến các khu vực biên giới hầu hết chỉ được thăm các cột mốc biên giới, ngắm cảnh chung… mà chưa có nhiều điểm tham quan du lịch để nghỉ ngơi, khám phá, vui chơi giải trí và mua sắm để tiêu tiền và thời gian.
Đặc biệt, các cửa khẩu quốc tế, mặc dù đã có nhiều thay đổi trong những năm gần đây, song hầu hết vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đón khách, đặc biệt là các đoàn khách lớn do địa điểm chật hẹp, trang thiết bị phục vụ làm thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan cho hành khách và hành lý chưa được hiện đại hóa nhiều. Các địa phương vùng biên giới chưa thực sự chủ động trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch, khách du lịch chưa biết nhiều đến tiềm năng du lịch của các tỉnh biên giới, đặc biệt là khách từ thị trường sâu hơn (so với thị trường đường biên) của các nước bạn.
Cần nhiều giải pháp để thúc đẩy du lịch biên giới
Để thúc đẩy phát triển du lịch biên giới, các chuyên gia du lịch cho rằng, cần kết hợp phát triển du lịch với phát triển kinh tế. Trên thực tế, những cửa khẩu biên giới sôi động nhất về hoạt động kinh tế cũng là những cửa khẩu nhộn nhịp nhất về du lịch, như cửa khẩu Móng Cái, Mộc Bài, Lao Bảo… Rõ ràng, hoạt động kinh tế có khả năng kích thích du khách. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng các địa phương cần tập trung đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ, mở rộng các tuyến đường từ trung tâm tỉnh lỵ hoặc từ quốc lộ chính tới các cửa khẩu quốc tế đường bộ, xây dựng các đoạn đường nối từ quốc lộ đến các khu, điểm du lịch của địa phương theo quy hoạch đã được phê duyệt và với các tỉnh bên kia biên giới của nước láng giềng để từ đó hình thành sự liên kết du lịch đa dạng, góp phần thu hút các hãng lữ hành đưa khách đến.
Đặc biệt, thay vì vận hành theo cách “mạnh ai nấy làm” thì việc tạo ra những liên kết thường xuyên, chặt chẽ giữa các vùng, địa phương, doanh nghiệp lữ hành… đang là xu hướng tất yếu để các địa phương nói chung, địa phương vùng miền núi, khu vực biên giới nói riêng phát triển du lịch bền vững. Liên kết, hợp tác phát triển du lịch không chỉ giúp ngành công nghiệp không khói vượt khó mà còn hỗ trợ các địa phương tạo ra sự đa dạng, phong phú và mới mẻ của các sản phẩm du lịch.
Điển hình như vùng Tây Bắc mở rộng gồm 8 tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La nhiều năm qua đã đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch, qua đó tạo động lực cho du lịch tăng trưởng mạnh mẽ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương. Theo đó, 8 tỉnh trong khu vực đã xây dựng các sản phẩm du lịch mang dấu ấn, thương hiệu riêng, tạo điểm nhấn khác biệt đối với du khách dựa trên các thế mạnh nổi trội của từng địa phương. Điển hình như Lào Cai tập trung phát triển du lịch khám phá dựa vào ưu thế có đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương; du lịch nghỉ dưỡng tại thị xã Sa Pa, nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm. Hòa Bình đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng với nhiều làng văn hóa du lịch cộng đồng được du khách trong và ngoài nước biết đến như: Bản Lác, Bản Poong Cọm (Mai Châu). Còn đối với tỉnh Hà Giang, tập trung phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm gắn với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng tại các Làng Văn hóa như Nặm Đăm (Quản Bạ), Pả Vi Hạ (Mèo Vạc), Lô Lô Chải (Đồng Văn)...
Bên cạnh đó, ngành du lịch các địa phương cũng cần nghiên cứu, rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các khu kinh tế cửa khẩu tới các điểm du lịch có tiềm năng. Phối hợp xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển thương mại du lịch biên giới cho phù hợp với tình hình thực tế; tăng cường hợp tác với các nước bạn có chung đường biên giới trong phát triển sản phẩm du lịch, đa dạng hóa loại hình, tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch, hình thành các tour, tuyến điểm du lịch. Phối hợp đón khách du lịch quốc tế đến từ các nước thứ ba trải nghiệm sản phẩm du lịch hai quốc gia, một điểm đến.
Đặc biệt, các bên cũng cần tăng cường thúc đẩy phát triển du lịch gắn kết với thương mại biên giới; đẩy mạnh hoạt động du lịch kết hợp với triển lãm thương mại, mua sắm qua biên giới; mở rộng các điểm, tuyến du lịch văn hóa qua biên giới, tuyến du lịch kết nối các tỉnh Việt Nam- Lào, Việt Nam- Campuchia, Việt Nam- Trung Quốc, Việt Nam- Thái Lan. Cùng với đó, khuyến khích xây dựng và phát triển các tuyến du lịch vào sâu trong nội địa của hai nước và kết nối với các nước trong khu vực. Tăng cường phối hợp xúc tiến quảng bá chung các nước láng giềng với Việt Nam trở thành một điểm đến chung với du khách quốc tế.
Để phát du lịch khu vực biên giới phát triển mạnh mẽ, bền vững cần có sự quan tâm, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành cũng như của toàn xã hội. Trong đó cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề cơ bản như: nâng cao nhận thức về phát triển du lịch các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội; đầu tư cơ sở hạ tầng; tăng cường xúc tiến quảng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường hợp tác quốc tế về du lịch, phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư… để du lịch biên giới thực sự trở thành thế mạnh của du lịch Việt Nam.