“Chị ơi, hôm nay đã hết phòng rồi ạ. Chị thông cảm!”. Câu trả lời quen thuộc của các chủ khách sạn tại TP. Tuyên Quang trong những ngày diễn ra Lễ hội Thành Tuyên cho thấy sức nóng của ngày hội. Hiếm có sự kiện văn hóa nào lại thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia như Lễ hội Thành Tuyên.
Chúng tôi gọi là mùa Lễ hội, bởi Trung thu Tuyên Quang không chỉ diễn ra trong một ngày rằm, mà thực tế, người dân Tuyên Quang và du khách đã được tham gia trải nghiệm, rước đèn lồng khổng lồ từ trước đó cả tháng.
Ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho rằng, Lễ hội Thành Tuyên là cơ hội rất tốt để Tuyên Quang phát triển du lịch. “Chúng tôi hy vọng những ngày diễn ra sự kiện văn hóa sẽ để lại trong lòng du khách những kỷ niệm khó quên về miền đất, con người Tuyên Quang thân thiện, mến khách”, ông Huấn chia sẻ.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội Thành Tuyên năm 2019 đã đón hơn 200 nghìn lượt khách đến thăm quan, trải nghiệm. Nhiều đoàn khách kết nối tour với các công ty lữ hành, ngoài tham gia Lễ hội Thành Tuyên còn đến thăm các khu du lịch khác.
“Tôi rất ấn tượng với cách tổ chức Lễ hội Trung thu của Tuyên Quang, với hàng trăm mô hình đèn Trung thu khổng lồ, ngộ nghĩnh do người dân tự làm, phục vụ trẻ em và du khách. Sau khi tham gia Lễ hội, tôi lưu lại vài ngày để thăm quan, trải nghiệm khu du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Na Hang, Lâm Bình…”, chị Nguyễn Thu Hương, đến từ Lào Cai chia sẻ.
Có thể thấy, tiềm năng, lợi thế của du lịch Tuyên Quang là rất lớn. Đặc biệt, Lễ hội Thành Tuyên là cú huých lớn cho du lịch Tuyên Quang với cách tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, bài bản… Từ những giá trị mà Lễ hội mang lại, đặt ra vấn đề là làm thế nào để các loại hình du lịch khác cũng sôi động như du lịch Lễ hội Thành Tuyên. Và từ lễ hội này, kết nối với các loại hình du lịch khác như thế nào.
Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng phát triển hạ tầng du lịch, đa dạng các sản phẩm du lịch, tạo kết nối để phát huy giá trị của kinh tế du lịch tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 công ty, văn phòng lữ hành. Vào dịp Lễ hội Thành Tuyên hằng năm, các công ty, văn phòng lữ hành đã chú trọng thiết kế các tour tuyến, liên kết nâng cao chất lượng phục vụ. Việc quảng bá, xúc tiến du lịch đã được tỉnh quan tâm để thúc đẩy du lịch phát triển.
Hiện nay, đến Tuyên Quang, du khách có nhiều lựa chọn các loại hình du lịch. Với loại hình du lịch lịch sử-văn hóa, du khách có thể thăm quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương); Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa); Khu di tích lịch sử cách mạng Lào ở Làng Ngòi-Đá Bàn (Yên Sơn)... Hay loại hình du lịch khám phá, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, như: Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; Khu du lịch sinh thái Na Hang; điểm du lịch thác Bản Ba, xã Trung Hà (Chiêm Hóa); quần thể Động Tiên (Hàm Yên)... Tuyên Quang còn là mảnh đất của nhiều đền, chùa nổi tiếng, thích hợp cho việc phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Đặc biệt, Tuyên Quang có nhiều sản phẩm nông sản độc đáo; mảnh đất giàu bản sắc văn hóa các dân tộc…
Tuyên Quang hiện có 280 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 3.000 phòng nghỉ. 3 năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang đã đón tổng cộng hơn 4,74 triệu lượt khách du lịch; doanh thu xã hội từ du lịch đạt hơn 4.123 tỷ đồng. Trong đó, năm 2018, tỉnh đón hơn 1,7 triệu lượt khách du lịch. Năm 2019, tỉnh phấn đấu đón 1,86 triệu lượt khách, doanh thu xã hội từ du lịch đạt hơn 1.700 tỷ đồng (mục tiêu đến năm 2020, đón 1,7 triệu lượt khách).
Mới đây, Tập đoàn VinGroup đã động thổ Dự án khu vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng công cộng thuộc Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm; Tập đoàn FLC đã tiến hành các đợt khảo sát xây dựng dự án phát triển du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí tại một số xã… Đây là tín hiệu mừng cho du lịch Tuyên Quang.
THANH HUYỀN - HỒNG MINH