Phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị
Trong những năm gần đây, các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Đăk Nông giúp bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm; thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi năng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Điển hình, HTX Nông nghiệp Buôn Choah (huyện Krông Nô,) đã liên kết 304 thành viên tham giam sản xuất 440 ha lúa, hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP, từng bước tạo chỗ đứng trên thị trường, cải thiện thu nhập và đời sống của người sản xuất lúa.
Thống kê của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy hiện nay đã xây dựng các HTX sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị tại 63 tỉnh, thành phố. Ðến nay đã có hơn 1.700 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, công nghệ cao (tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2019), trong đó có 1.147 HTX nông nghiệp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Ông Bùi Đình Kiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Buôn Choáh cho biết: HTX đang từng bước giúp bà con nông dân đổi mới phương thức sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến, giúp các nông hộ phát triển bền vững. Bên cạnh đó, HTX hỗ trợ bà con gắn kết sản xuất với doanh nghiệp chế biến, bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm.
Còn tại Lâm Đồng, nhờ đẩy mạnh việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh và hữu cơ vào sản xuất, đã từng bước khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”, ổn định đầu ra sản phẩm nông sản cho người dân.
Ông Lê Quang Lượng, ở xã Tân Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết: Trước đây, các sản phẩm rau xanh các loại của gia đình thường xuyên bán với giá rẻ, thậm chí có lúc rau phải bỏ thối ngay tại vườn do không có người mua. Nhưng hiện nay, nhờ tham gia vào mô hình liên kết với một cơ sở sản xuất rau an toàn trên địa bàn, 100% sản phẩm rau của gia đình giá cả ổn định, thu nhập cao hơn trước.
Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, việc xây dựng và hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất các mặt hàng nông sản, đã góp phần tăng thêm giá trị ngành nông nghiệp của tỉnh gấp 1,3 lần so với trước. Đây là hướng đi tích cực mà tỉnh cần đặc biệt chú trọng trong xây dựng và phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại.
Góp phần xuất khẩu nông sản
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, thời gian qua, mô hình HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương đang ngày càng mở rộng, trở thành xu thế tổ chức sản xuất để HTX nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Điển hình như tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa, Gia Lai), để giúp người dân tiếp cận phương thức sản xuất hồ tiêu sạch theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, Hợp tác xã đã triển khai thực hiện Dự án "Liên kết sản xuất hồ tiêu sạch, bền vững tại 2 xã Nam Yang và Hải Yang".
Ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang cho biết: HTX là đơn vị tổ chức sản xuất, tiêu thụ và cung cấp sản phẩm hồ tiêu hữu cơ cho các công ty xuất khẩu ra thị trường thế giới. HTX sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm hồ tiêu của các hộ tham gia dự án đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, với giá cao hơn thị trường 10-20 ngàn đồng/kg. Điều này, giúp người trồng hồ tiêu có nguồn thu nhập ổn định, còn địa phương định hướng phát triển cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững.
Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, cả nước có 25.282 HTX, trong đó HTX nông nghiệp chiếm tới 64%, tương đương với 16.240 HTX. Các HTX nông nghiệp đang phát triển với mô hình sản xuất kinh doanh, gắn với chuỗi giá trị là một hướng đi giúp HTX có thể phát triển lâu dài và bền vững. Với mô hình chuỗi giá trị, các HTX tham gia chuỗi sẽ được đảm bảo ổn định từ khâu dịch vụ đầu vào, sản xuất và đầu ra của sản phẩm, thông qua mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp, góp phần xuất khẩu các mặt hàng nông sản.
Tuy nhiên, hiện nay để xây dựng và phát triển chuỗi giá trị đối với các HTX, cần phải thực hiện một số giải pháp đồng bộ như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX vay vốn để phát triển sản xuất… mới có thể giúp các HTX giải quyết những khó khăn đang tồn tại để phát triển huy hiệu quả vai trò HTX.