Nhà cộng đồng Nặm Đăm được trình tường với 2 tầng. Kết cấu khung bê tông tường trình đất kết hợp vì kèo gỗ.Kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào, giảng viên bộ môn Kiến trúc Dân dụng và Công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Kiến trúc sư nổi bật châu Á năm 2016; KTS Việt Nam đầu tiên nhận giải Vassilis Sgoutas 2017-Giải thưởng danh giá bậc nhất của Hiệp hội Kiến trúc sư thế giới UIA với cụm công trình xã hội, cộng đồng. Anh đã dành nhiều tâm huyết để thiết kế nên những công trình kiến trúc như: nhà cộng đồng, trường học, khu vui chơi dành cho trẻ em, nhà ở... cho vùng DTTS, miền núi.
Một trong những công trình kiến trúc ở vùng DTTS do KTS Hoàng Thúc Hào thiết kế đã mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đó là công trình Nhà cộng đồng Nặm Đăm, Quản Bạ (Hà Giang). Đây là công trình kiến trúc đẹp, ấn tượng, vừa giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS nhưng cũng rất hiện đại, đổi mới, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế phát triển.
Nhà cộng đồng Năm Đăm được trình tường với 2 tầng. Kết cấu khung bê tông tường trình đất kết hợp vì kèo gỗ. Tầng 1 là bếp và sinh hoạt chung, phòng ngủ, đồng thời cũng là gian trưng bày giới thiệu sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc. Tầng 2 có 3 phòng ngủ. Khoảng thông tầng và hiên, ban công kết nối không gian linh hoạt, tăng khả năng chiếu sáng tự nhiên và thông gió đối lưu. Nhà sử dụng vật liệu thân thiện như: tre, nứa, vừa lạ, vừa quen. Hệ thống mái vát gấp khúc cách tân tượng trưng cánh én hay nhịp điệu núi đồi. Chim én là một loài chim đem lại may mắn cho dân tộc Dao. Công trình tiết kiệm năng lượng do sử dụng hệ ngói kép cách nhiệt, thu nước mưa tái sử dụng….
Với KTS Hoàng Thúc Hào, kiến trúc không chỉ đơn thuần là gạch, cát, đá, bê tông mà còn phải thể hiện tính nhân văn, có trách nhiệm xã hội, là nghệ thuật xã hội đem lại hạnh phúc cho con người, quan tâm đến lợi ích cộng đồng, có tính lan tỏa ra cộng đồng, tính thiết thực và bền vững.
“Văn hóa, con người, thiên nhiên vùng DTTS, miền núi là nguồn cảm hứng để thực hiện những công trình mang tính xã hội. Mỗi vùng đất đi qua, mỗi công trình được xây dựng đều để lại cho anh và cộng sự những bài học kinh nghiệm và kỷ niệm khó quên”.
Có thể thấy, kiến trúc mộc mạc, bình dị, phản ánh đời sống xã hội, giàu tính dân gian, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn bó chặt chẽ với cảnh quan thiên nhiên, sử dụng các vật liệu địa phương (gỗ, tre, gạch,…) phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa, đề cao giá trị cộng đồng…là điều rất cần trong kiến trúc Việt Nam.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Kiến trúc. Luật có quy định, bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc bao gồm các đặc điểm, tính chất tiêu biểu và đặc trưng tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, văn hóa nghệ thuật; phong tục tập quán sinh hoạt của địa phương; phương pháp kỹ thuật xây dựng và sử dụng vật liệu xây dựng.
Đáng chú ý, Luật Kiến trúc giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức, nghiên cứu, khảo sát, đánh giá để quy định về bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực kiến trúc trên địa bàn…
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc quy định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc là hết sức cần thiết, nhằm tránh tình trạng sao chép kiến trúc ngoại lai hoặc tùy tiện hoặc phá vỡ bản sắc kiến trúc của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Theo Đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng (Điện Biên) bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam rất đa dạng, nhiều nét đặc trưng riêng. Vì vậy, cần sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa các dân tộc của địa phương tạo nên sự đoàn kết tôn trọng lẫn nhau. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), cho rằng, nên có chính sách để bảo vệ nhà truyền thống của đồng bào DTTS và phải có biện pháp khắc phục được những nhược điểm của những kiến trúc khu vực nông thôn, kiến trúc truyền thống của một số DTTS…
Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc Việt Nam rất cần sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các nhà quản lý, các kiến trúc sư và những người thực hành xây dựng. Cần có cái nhìn thấu đáo, nhân văn để những công trình kiến trúc ấy thực sự vì cộng đồng, hướng tới cộng đồng…
THANH HUYỀN