Được khai giảng từ giữa tháng 7/2018, sau 30 buổi học tại Nhà Văn hóa đội 4B, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, 15 học viên đầu tiên của khóa học đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị với các loại nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Thái.
Anh Tòng Văn Thuận một học viên tham gia từ những ngày đầu của lớp học cho biết, bản thân anh muốn được tìm hiểu các loại nhạc cụ của dân tộc Thái từ lâu, nhưng trước đó anh chưa tìm được môi trường nào để theo học. Vì thế khi lớp học nhạc cụ dân tộc của CLB bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân tộc Thái được mở anh đã đăng ký học ngay. “Sau khi tham gia lớp học tôi đã biết chơi tính tẩu, nhị, pí pặp pí đôi, quan trọng hơn cả là bản thân đã được tiếp thêm tình yêu với nhạc cụ của dân tộc. Từ đây, tôi sẽ dạy lại cho các anh chị em trong gia đình. Thời gian tới tôi tiếp tục đăng ký học lớp nhạc cụ nâng cao để có thể chơi được những bài khó hơn”.
Tại lớp học, giáo viên tham gia giảng dạy là những nghệ nhân cao tuổi, đã gắn bó cả cuộc đời với nhạc cụ của người Thái, vì thế bằng tình yêu của mình họ đã truyền cho các học viên cả một bầu nhiệt huyết. Nghệ nhân Lò Hải Vân giáo viên dạy tính tẩu và nhị chia sẻ: “tôi rất vui khi được mời về dạy cho các học viên. Tuy khóa học diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng các học viên tiếp thu nhanh, có tinh thần học hỏi cao... Nhiều khi chúng ta lo sợ thế hệ trẻ ngày nay hờ hững với văn hóa truyền thống, nhưng qua lớp học tôi nghĩ rằng nhận định đó chỉ đúng với một bộ phận nhỏ. Không chỉ có các học viên trong lớp học đam mê với nhạc cụ dân tộc, ngoài kia còn rất nhiều người muốn được học nhưng chưa biết học ai, học ở đâu. Vì vậy tôi mong rằng, lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc tiếp tục có thêm nhiều khóa học được mở ra, giúp cho nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ có cơ hội được học tập, được thỏa mãn niềm đam mê. Cũng qua đó từng bước bảo tồn, phát huy được những giá trị văn hóa dân tộc”.
Chia sẻ về lớp học nhạc cụ dân tộc, bà Lò Thị Kim, Chủ nhiệm CLB bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên cho biết: “Lớp học được tổ chức để truyền dạy ba loại nhạc cụ cổ, đặc sắc, nổi tiếng nhất đối với người Thái là tính tẩu, nhị, pí pặp pí đôi. Đây là những nhạc cụ có nguy cơ bị mất, khó tìm lại. Bởi thế hệ người cao niên biết chơi về nhạc cụ này còn rất ít, nếu khi họ về với tiên tổ, vốn quý ấy cũng sẽ đi theo các cụ mãi mãi. Đó là điều khiến chúng tôi trăn trở”.
“Với người Thái họ có nhiều nhạc cụ để diễn tả tư tưởng, tình cảm bằng âm thanh và có vai trò quan trọng tạo nên âm nhạc dân gian Thái. Nhạc cụ dân tộc Thái đã kế tục từ đời này sang đời khác, và được lưu truyền cho các thế hệ sau này. Nhạc cụ Thái nổi tiếng là tính tẩu dùng khi hát giao duyên, đệm cho múa, gẩy trong câu chuyện tâm tình nam nữ. Ngày nay tính tẩu đã được sử dụng rộng rãi hơn trong các liên hoan, hội diễn và sinh hoạt văn hóa văn nghệ ở cộng đồng dân cư. Còn với Pí pặp pí đôi, nhị là loại nhạc cụ hơi dùng dây để thổi và khéo đệm cho hát giao duyên, đệm cho các bài hát ca ngợi quê hương, đất nước và con người. Việc truyền dạy 3 loại nhạc cụ này là điều tất yếu khi CLB quyết định mở lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc” bà Lò Thị Kim thông tin thêm.
Trong thời gian tới, CLB tiếp tục mở những lớp nâng cao và chuyên sâu về diễn tấu, sử dụng chế tác nhạc cụ. Ngoài ra, sẽ mở các lớp truyền dạy về dân ca dân vũ, tiếng nói, chữ viết và nhiều loại hình văn hóa phi vật thể khác. Góp phần gìn giữ làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân gian dân tộc Thái nói riêng và cộng đồng 54 dân tộc anh em nói chung.
HỒNG MINH