“Bốn không” nơi đại ngàn xứ Nghệ
“Trơn trượt, nguy hiểm và rất xa đấy”, Phó Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn - Vi Văn Tùng đã mở đầu câu chuyện về quãng đường chông gai ngày mưa bão, từ trung tâm xã đi cụm dân cư Huôi Máy thuộc bản Cắm Pỏm như vậy. Những “động từ” mạnh ấy, khiến khách lữ thứ chờn chợn.
Cũng phải thôi, Cắm Muộn đang mưa rả rích từng đợt. Nếu mưa lớn hơn, thì những dự báo về việc sạt lở đất, rồi cả lũ quét… có nguy cơ hiện hữu. Dòng sông Quàng chảy gần như chia đôi xã Cắm Muộn nước hãy còn trong. Nhưng nào ai dám chắc chắn điều gì nơi phía thượng nguồn xa thẳm.
Vào Huôi Máy, những ngày nắng ráo cũng đã không hề dễ dàng. Ngoài những đoạn có thể đi xe máy với nhiều đèo dốc thì còn lại là cuốc bộ, thậm chí lội xuyên qua nhiều đoạn suối cạn lởm chởm đá. Huôi Máy chưa hề có đường giao thông đúng nghĩa.
Cũng chính Phó Chủ tịch UBND xã Căm Muộn - Vi Văn Tùng chốt chắc nịch: Đó là cụm dân cư rất “nhiều không”, từ không đường giao thông đến không điện lưới thắp sáng, không sóng điện thoại, không nước sạch sinh hoạt…
Để có điện thắp sáng, người dân đã sử dụng những chiếc tuabin thả trên suối rồi dùng dây kéo về, nhưng lù mù và cũng rất phập phù. Lỡ may lũ về, cuốn trôi tuabin thì bản làng lại chìm vào màn đêm kìn kịt của đại ngàn thăm thẳm. Còn ốm đau, hay cần kiểm tra sức khỏe; người dân phải dậy từ mờ sáng vượt quãng đường xa ngái ra trạm y tế xã để thăm khám.
Vào Huôi Máy, những thiết bị hiện đại, gần như là “đồ thừa”. Ngoài thiếu điện lưới thì sóng điện thoại cũng chưa hề vươn tới vùng đất này. Trưởng bản Cắm Pỏm, xã Cắm Muộn Lô Văn Liên kể khổ: Mỗi khi cần thông báo, hay tuyên truyền vấn đề gì, tôi lại phải vượt mấy chục km vào tận nơi, truyền đạt bằng miệng. Ngày mưa gió, thì vất vả lắm. Có lúc không đi được vì mưa sạt lở, nước chảy xiết ngay chính trên lối đi.
Hiện tại, Huôi Máy có 38 hộ dân người Khơ Mú sinh sống từ rất lâu đời. Cụm dân cư này cách bản chính và trung tâm xã những hơn 30km. Vì xa xôi, cách trở nên cư dân sống gần như biệt lập. Huôi Máy 100% hộ dân đều là hộ nghèo.
Người dân sống chủ yếu vào trợ cấp
Trở ngại về giao thông, cùng với những yếu tố khác khiến cụm dân cư Huôi Máy rất khó khăn. Ở vùng đất này, có những thiếu thốn không thể nói đủ bằng lời, có những khốn khó không dễ dàng bù đắp…
Ngoại trừ một số thanh niên đi làm ăn xa, thì đại bộ phận người dân Huôi Máy sống nhờ rừng. Không ruộng, rẫy do địa hình đèo dốc khiến cho việc khai khẩn đất sản xuất quá khó khăn. Điều này vô tình đẩy người dân vào tình thế khá thụ động trong việc phát triển kinh tế, sống phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong - Bùi Văn Hiền nói về thực trạng ở Huôi Máy: Hàng chục hộ dân Khơ mú nơi ấy sống phụ thuộc vào rừng. Ngoài gạo trợ cấp cứu đói, người dân gần như vào rừng thu hái lâm sản phụ để sinh sống.
Với mục tiêu vực dậy vùng đất “sơn cùng thủy tận” Huôi Máy, từ năm 2023, chính quyền huyện Quế Phong đã tổ chức cải tạo đồi núi thấp thành ruộng nước để bà con canh tác, tự túc một phần lương thực; nhưng quan trọng hơn là để họ làm quen dần với phương thức sản xuất mới. Tuy nhiên, do đất mới, kinh nghiệm, kỹ năng người dân chưa có… thành ra cây lúa cứ mãi còi cọc.
Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN có hỗ trợ sinh kế gì cho bà con không? (PV) – Thì chúng tôi được Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Bùi Văn Hiền tâm sự: Có chứ, có hỗ trợ cây, con giống nhưng khó phát triển lắm. Một phần cũng vì bà con chưa quen, lâu nay chỉ thuần túy sống dựa vào rừng; một phần đất đai cằn cỗi.
Chẳng lẽ, địa phương cứ để mãi Huôi Máy khốn khó như vậy? (PV) – Lúc này, Phó Chủ tịch Hiền mới hào hứng hơn: Huyện đã có chương trình riêng dành cho bà con. Đó là giao các phòng, ban, cùng lãnh đạo địa phương cầm tay chỉ việc hướng dẫn người dân sản xuất lúa nước. Bên cạnh đó, tiến hành khảo sát lại diện tích đất để tiến hành giãn dân, không ở tập trung tại khu vực đồi dốc cao như hiện nay. Việc kéo điện rất tốn kém, nên trước mắt chúng tôi kêu gọi xã hội hóa để làm điện mặt trời cho bà con thắp sáng. Mối lo nhất là đường giao thông, nếu triển khai cũng mất mấy trăm tỷ đồng thì huyện không kham nổi, sẽ giải quyết từ từ.
Chúng tôi lại hỏi tiếp: Tại sao địa phương không tính đến phương án di dời dân ra vùng thuận lợi? Ông Hiền đáp rằng: Sợ người dân không sống được ở vùng đất mới. Nhưng quan trọng là họ không ra vì đã quen sống trong môi trường ấy, dù khó khăn, thiếu thốn trăm bề.
Chúng tôi mang theo một tâm trạng nặng trĩu về Huôi Máy, ngay cả khi ngồi gõ những dòng chữ này. “Cắm Muộn” hiểu nôm na theo tiếng Thái là “vàng vui”. Vui đâu chả thấy, chỉ thấy một nốt trầm buồn lọt thỏm giữa đại ngàn miền Tây xứ Nghệ như thách thức những ý tưởng và khát vọng đổi thay cho một vùng đất biệt lập.