Đất trũng nở hoa
Dẫu nắng nóng gay gắt, nhưng người trồng sen vẫn khấp khởi bởi mùa hạ còn là mùa thu hoạch sen. Mỗi ngày, đã có hộ bỏ túi tiền triệu nhờ sen.
Ông Võ Văn Lòi, thôn An Xá xã Lộc Thủy huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cười rõ tươi: Nhà tôi có hơn 3ha sen trồng trên đất lúa kém hiệu quả, mỗi năm thu về chừng 400 triệu đồng đấy. Giá bán hiện nay 150-170 ngàn đồng/kg hạt sen; lợi nhuận thu về khoảng 120-150 triệu/ha. Tính ra, hiệu quả của sen gấp 3-4 lần trồng lúa.
Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vì cây lúa, thế nên khi thấy ông Lòi “ăn nên làm ra” từ sen, nhiều hộ ở vùng Lệ Thủy (Quảng Bình) đã đưa cây sen vào trồng trên vùng thấp trũng, đầm phá. Lãnh đạo huyện Lệ Thủy còn vui hơn người nông dân khi trồng sen đang là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Trần Duy Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lệ Thủy đã không dấu diếm: Giá trị sen mang lại rất cao. Để phát triển mô hình trồng sen, huyện đã phê duyệt chuỗi giá trị từ cây sen, từ trồng đến chế biến và tiêu thụ. Nói về mục tiêu để có 50ha sen trong thời gian tới, ông Hưng chắc nịch: Từ thực tế hiệu quả của sen, chắc chắn nhiều diện tích thấp trũng, kém hiệu quả của lúa sẽ được bà con mạnh dạn chuyển đổi.
Rời Quảng Bình, chúng tôi đến đầm sen 100ha ở Triệu Phong (Quảng Trị). Và tôi, thật khó cưỡng lòng mình giữa “bát ngát hương sen”. Nơi "đất lửa" Triệu Phong, 100ha sen tập trung nhiều ở các xã Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Thượng, Triệu Hòa...; được trồng trên vùng đất thấp trũng, những vùng ao đầm bỏ hoang.
Từ Triệu Phong, sen đã “lan” ra nhiều địa phương ở Quảng Trị như Hải Lăng, Cam Lộ, Vĩnh Linh và TP. Đông Hà. Mỗi địa phương đã ngót nghét hàng chục ha sen ở vùng thấp trũng, đất trồng lúa kém hiệu quả. Câu chuyện trồng sen, làm giàu từ sen, chúng tôi còn được biết đến ở Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh và ngay cả Nghệ An.
Trên vùng Trung Bộ, Huế đang được coi là “thủ phủ” của sen khi diện tích sen hồng và sen trắng Tịnh Tâm đã gần 500ha. Ngoài ao, hồ, nhiều diện tích đất thấp trũng cũng đã được người dân chuyển đổi sang trồng sen. Thừa Thiên Huế đang triển khai mạnh mẽ đề án phát triển cây sen cả về diện tích và sản lượng theo hướng VietGAP gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, xây dựng nhãn hiệu “Sen Huế”.
Những người trồng sen kể rằng, sen là loại cây rất dễ trồng, phù hợp với chất đất của các vùng đất thấp trũng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, tốn ít công chăm sóc, tỷ lệ hao hụt thấp. Còn chi phí đầu tư cũng thấp, chỉ mất chi phí đầu tiên cho lần xuống giống, sau đó chăm sóc, bón phân và cho thu hoạch.
Sen được trồng 1 vụ/năm, bắt đầu từ tháng 2, sau 4-6 tháng có thể cho thu hoạch và thời gian thu hoạch kéo dài 3 tháng. Lãnh đạo một số huyện ở Trung Bộ đã khoe với chúng tôi rằng: Nhờ có cây sen mà hiện nay hầu hết các diện tích ao, đầm, ruộng thấp trũng đã không còn bỏ hoang như trước. Đây có thể xem là hiệu quả bước đầu của việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của các huyện này.
Dưới những đầm sen ở vùng Trung Bộ, người dân còn tận dụng thả cả. Thế rồi, ngoài thu hoạch từ sen, sản lượng cá mỗi vụ cũng đã giúp bao nông dân nơi đây bỏ túi hàng chục triệu đồng.
Tính ra, bình quân mỗi ha sen cho sản lượng khoảng 2 tấn/vụ, doanh thu từ 80-100 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, người trồng sen có lãi khoảng 60-70 triệu đồng/ha, với đầu ra, giá cả ổn định và được thị trường ưa chuộng.
Phát triển du lịch
Anh bạn đi cùng tôi đã “ngoa ngôn” mà rằng: Nếu không có cây sen, vẻ đẹp của những cánh sen, hương nồng của những búp sen… thì nắng nóng Trung Bộ còn gay gắt đến nhường nào. Tôi chỉ cười, nhưng hẳn là đồng nghiệp tôi có lí nhiều phần.
Từng đợt gió lào ràn rạt, cả đầm sen chao liệng. Chỉ đứng trên bờ thôi đã chếnh choáng men say. Bao mùa sen đã trôi qua như vậy trong nồng nàn hương sắc, trong oi nồng ngột ngạt ngày hè. Tự bao giờ, bên cạnh hiệu quả kinh tế thì sen đã góp phần tạo môi trường sinh thái trong lành, sen còn là bệ đỡ cho du lịch phát triển.
Để phát huy lợi thế giá trị của cây sen, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có kế hoạch phát triển nghề trồng sen giai đoạn 2021-2025; mở rộng diện tích trồng mới lên 745ha đến năm 2025. Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay: Chúng tôi đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị từ sen kết hợp du lịch và ẩm thực. Thực tế những năm qua, sen đã là “bệ đỡ” rất lớn để tỉnh khẳng định ngành nghề thế mạnh du lịch trên đất cố Đô.
Sen là quốc hoa. Sen còn mang tên một ngôi làng thân thuộc gắn liền với quê nhà của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong đường hướng phát triển du lịch, Nghệ An đã chú ý đến phát triển cây sen trên quê Bác và nhiều vùng miền ở Yên Thành, thành phố Vinh…
Về làng Sen, ngoài những di tích gắn với cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, du khách còn được thả hồn trong hương sen ngan ngát, trong không gian tĩnh lặng; rồi thưởng thức bao sản phẩm từ sen. Đặc biệt hơn, sen còn là “nền” rất bắt mắt để du khách trải nghiệm, thăm quan và chụp ảnh với những thành viên hợp tác xã (HTX) trực tiếp làm các chế phẩm từ sen.
Ông Nguyễn Quang Lộc, Chủ tịch UBND xã Kim Liên huyện Nam Đàn (Nghệ An) cười: Sen hồng Kim Liên hội tụ đầy đủ như những loài sen nơi khác nhưng có điểm đặc biệt là luôn nở đúng dịp tháng 5 và dịp 2/9. Hiện nay, HTX Sen quê Bác đã cho ra đời 3 sản phẩm đạt OCOP; trong đó có 2 sản phẩm đang hướng đến xuất khẩu là kim chi sen và trà ướp bông sen.
Sắp tới, khi về quê nhà Đại tướng Võ Nguyên Gíap ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), những đầm sen ngập thắm sắc hồng sẽ là điểm chek-in lí tưởng cho du khách mọi miền gần xa. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, ông Trần Đình Hiệp, cho biết: Thực tế thì sen đã tạo cảnh quan môi trường trong lành, sạch đẹp cho vùng quê. Sen đang được xây dựng để trở thành một sản phẩm mang thương hiệu của Lệ Thủy. Sen cũng là điều kiện để huyện phát triển thêm ngành du lịch gắn với các di tích, danh thắng trên địa bàn.
Rời xa những đầm sen, hương thơm dịu nhẹ của loài hoa ấy như vương vấn mãi không thôi. Hiệu quả kinh tế và du lịch đang từng bước được khẳng định. Chỉ có điều, các địa phương sẽ nâng tầm cánh sen như thế nào nữa mà thôi.