Anh Giàng Seo Chô (trái) giới thiệu vườn bắp cải trái vụ chuẩn bị cho thu hoạchTừ những thửa đất trống, bỏ hoang, trồng ngô kém hiệu quả, anh Giàng Seo Chô, thôn Nàn Ma, xã Nàn Ma, huyện Xín Mần đã mạnh dạn chuyển đổi thành vườn rau xanh tươi quanh năm. Hơn 3 năm trở lại đây, cây rau đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể, giúp gia đình anh Chô vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ phát triển kinh tế tiêu biểu tại xã.
Trước đây, gia đình anh Chô chủ yếu sống dựa vào trồng lúa và ngô một vụ, thu nhập bấp bênh, chỉ đủ trang trải sinh hoạt. Năm 2022, thông qua buổi tuyên truyền của xã về chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển nông nghiệp hàng hóa, anh Chô bắt đầu chuyển đổi 1ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại rau như: Rau cải mèo, cải thảo, su hào và bắp cải.
Anh Giàng Seo Chô chia sẻ: “Lúc bắt đầu triển khai cải tạo vườn tạp, gia đình được địa phương hỗ trợ 3 triệu đồng để mua giống cây trồng và các thiết bị, dụng cụ cần thiết. Ban đầu cũng lo ngại vì vấn đề đầu ra cho sản phẩm, nhưng thấy rau phát triển tốt, bán được giá, tôi có thêm động lực để làm tiếp. Nhờ trồng rau sạch, tôi có thêm tiền mua sắm đồ dùng cho gia đình, lo cho con cái đi học đầy đủ”.
Hiện nay, mỗi vụ rau anh Chô trồng gần 1ha, cung cấp thường xuyên cho chợ phiên của xã, chợ trung tâm huyện Xín Mần và một số nhà hàng ở địa phương có nhu cầu đặt mua. Trung bình mỗi năm, anh thu về khoảng 70 - 80 triệu đồng từ việc bán rau. Tới năm 2024 gia đình anh Giàng Seo Chô đã thoát nghèo.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Chô còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm trồng rau với bà con trong thôn. Nhiều hộ dân sau khi thấy hiệu quả từ mô hình của anh Chô và mạnh dạn học theo, cải tạo đất đai, chuyển sang trồng rau sạch. “Hiện, thôn Nàn Ma đã hình thành vùng nguyên liệu rau thường xuyên, chúng tôi mong muốn liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm để có đầu ra ổn định, bền vững và lâu dài. Từ đó, sẽ mang lại thu nhập cho bà con nông dân trong những năm tiếp theo…”, anh Chô tâm sự.
Gia đình anh Lầu Súa Cở, thôn Sà Tủng Chứ kết hợp trồng mận và sâm khoai, gừng để nâng cao năng suấtGhi nhận tại huyện Đồng Văn, nhờ có sự định hướng của chính quyền địa phương, năm 2021 gia đình anh Lầu Súa Cở tại thôn Sà Tủng Chứ, xã Tả Phìn đã thực hiện cải tạo diện tích gần 5.000m2 đất sản xuất của gia đình thành các khu trồng bắp cải, trồng mận kết hợp trồng gừng và trồng cây sâm khoai.
Anh Lầu Súa Cở cho biết: “Bản thân tôi trước đây cũng rất chăm chỉ làm lụng, tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhưng chưa thật sự hiệu quả vì chưa xác định được cây, con nào phù hợp. Khi được định hướng cải tạo vườn, hướng dẫn quy hoạch, kỹ thuật chăm sóc, vườn của gia đình tôi mới thật sự hồi sinh. Đến nay, gia đình tôi trồng bắp cải gối các vụ ở 1 mảnh; 1 mảnh để trồng rau màu, đến mùa Hè sẽ trồng sâm khoai; khu đất ở sườn cao, dốc gia đình tôi xếp đá và trồng mận, dưới gốc trồng thêm gừng để tăng năng suất trên một đơn vị diện tích”.
Năm 2024, sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình anh thu về trên 200 triệu đồng. Từ kết quả đã đạt được đó, gia đình anh Lầu Súa Cở được đánh giá thực hiện cải tạo vườn tạp thành công nhất của xã Tả Phìn.
Sau hơn 3 năm triển khai Đề án cải tạo vườn tạp, đến nay đã có 6.495 hộ thực hiện, đạt 99,92% kế hoạch. Tổng diện tích đã thực hiện là 262ha với tổng kinh phí Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân cho các hộ nghèo, cận nghèo trên 90 tỷ đồng.
Qua đánh giá các tiêu chí theo Đề án cải tạo vườn tạp của UBND tỉnh Hà Giang, có 2.063 vườn đạt 4/4 tiêu chí, chiếm 88,5% số hộ thực hiện. Có 225 hộ tại các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Yên Minh tổ chức thực hiện rất tốt, tích cực và có hiệu quả, lợi nhuận thu được các vườn mẫu trên 30 triệu đồng/hộ/năm.
Nhằm hiện thực hóa 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05 (ngày 01/12/2020) về “Cải tạo vườn tạp, phát triến kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025”. Nghị quyết 05 có mục tiêu cốt lõi là thay đổi tư duy, phương pháp sản xuất của người dân trên chính mảnh vườn của mình; ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi canh tác từ cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Từ đó, tăng dinh dưỡng, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Theo kế hoạch đến hết năm 2025 toàn tỉnh Hà Giang sẽ có 6.500 hộ với trên 6.500 vườn trên địa bàn tỉnh có thu nhập khá.