Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27

Phóng sự

Nặm Đăm ngày trở lại

Vũ Mừng - 15:45, 18/03/2025

Ông Thông ngồi đó, bên cạnh chồng giấy tờ, sách báo, đuôi mắt nheo nheo, đầu ngón tay rà đều đều trên những hàng chữ in ngay ngắn. Vành tai ông còn cài gọn một chiếc bút chì, để bất chợt gặp đoạn nào hay, kiến thức nào cần ông lại với tay lấy được ngay rồi đánh dấu lại, khi cần, tìm cho tiện: “Sách báo, công văn, giấy tờ nếu chịu mở ra, chịu đọc thì như một người thầy thông minh. Ở đó, chính sách, quy định có đủ cả rồi. Mình có hiểu, có biết thì nói người dân mới nghe chứ, con gà muốn gáy còn phải học cơ mà”, ông Thông chia sẻ vậy.

Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang
Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang

Ông Lý Đại Thông là Người có uy tín của thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Bao năm qua, ông có nhiều đóng góp trong các phong trào hoạt động, thi đua ở địa phương vì sự phát triển nơi bản làng.

Điển hình như, trong phát triển kinh tế hộ, nhằm vận động người dân thay đổi tập quán canh tác, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ông tiên phong phát triển mô hình chuyên canh cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay, ông Lý Đại Thông đang có 2 ha vườn trồng đào, lê, mận cho doanh thu mỗi năm hơn 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhiều năm qua, ông Lý Đại Thông đã cùng chính quyền địa phương cất công tìm hiểu, sưu tầm những điệu múa, bài hát truyền thống của đồng bào dân tộc Dao; cùng người dân phục dựng, tái hiện lại Nghi lễ Cấp sắc của người Dao để trình diễn phục vụ du khách.

Tảng sáng, tôi về tới Nặm Đăm. Gió từ trên đỉnh núi tràn xuống thung lũng mát rượi. Khoảng trời sau dãy núi phía Đông ửng đỏ. Những tia nắng đầu tiên bắt chéo qua thung lũng rải lên đỉnh núi phía Tây nhiều vệt sáng tối xen kẽ như bức mành… Lần trước về thăm, Nặm Đăm đang độ vào Đông, những cây đào, cây mận đã trút hết lá từ lâu, chỉ còn giữ cho mình những cành khẳng khiu, đứng run run trong gió buốt. Lần này trở lại, trời vẫn tiết Xuân, hoa mận trắng tinh, hoa đào hồng rực nhuộm từng khoảng màu tươi tắn suốt dọc hai bên đường.

Đã từng có một thời gian dài trước đây, không chỉ có người Dao ở Nặm Đăm mà còn nhiều dân tộc khác trên vùng Cao nguyên đá Hà Giang vốn chỉ quen với lối canh tác “đao canh hỏa chủng”, thắt nút dây để tính toán và dùng cúng bái để chữa bệnh, thế nên cuộc sống còn nhiều gian khó. Chính quyền huyện Quản Bạ khi ấy quyết tâm, muốn xây dựng đời sống tiến bộ thì trước hơn hết phải giải bài toán “an cư”. 

Và rồi tới năm 1992, đồng bào dân tộc Dao vốn sinh sống trên những triền núi cao quanh vùng, đã đồng lòng hạ sơn, lập làng ngay tại thung lũng Nặm Đăm – Vùng đất bằng phẳng, màu mỡ, thích hợp chuyên canh cây trồng, phát triển kinh tế.

Nhà văn hóa cộng đồng thôn Nặm Đăm
Nhà văn hóa cộng đồng thôn Nặm Đăm

Hành trang mà nhiều thế hệ người Dao cùng xuống núi năm đó mang theo không chỉ là của cải, mà còn là cả bản sắc văn hóa và niềm tự hào về bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Đấy là câu trả lời cho việc vì sao chỉ 20 năm sau ngày định cư ở thung lũng, Nặm Đăm là một trong những địa điểm đầu tiên trên địa bàn huyện Quản Bạ làm du lịch cộng đồng. 

Xuất phát điểm chỉ một vài hộ gia đình, đến nay, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm có 39 hộ làm dịch vụ homestay, đủ tiêu chuẩn đón khách với năng lực phục vụ 600 lượt khách/ngày đêm. Nặm Đăm bây giờ trở thành một trong những điểm đến du lịch sôi động bậc nhất trên cung đường Hạnh Phúc dẫn lên Cao nguyên đá. Thu nhập trung bình hằng năm của mỗi hộ làm du lịch từ 200 - 300 triệu đồng.

Căn nhà của ông Lý Đại Thông - Người có uy tín tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ được xây dựng bằng vật liệu mới, nhưng theo lối cổ của người Dao, nên vẫn hết sức gần gũi, giản dị như lần đầu tôi về. Có điều, đôi câu đối đỏ được dán hai bên cửa ra vào đã được thay mới để đón Tết vừa rồi. Thóc ngô trên nương đã được đưa về chật lối đi bên hiên nhà.

Trong ánh lửa nhỏ, khói bếp lặng lẽ cất lên mỏng và nhẹ như sương sớm. Ông Thông ngồi đó, bên cạnh chồng giấy tờ, sách báo, đuôi mắt nheo nheo, đầu ngón tay rà đều đều trên những hàng chữ in ngay ngắn. Vành tai ông còn cài gọn một chiếc bút chì, để bất chợt gặp đoạn nào hay, kiến thức nào cần ông lại với tay lấy được ngay rồi đánh dấu lại, khi cần, tìm cho tiện. “Sách báo, công văn, giấy tờ nếu chịu mở ra, chịu đọc thì như một người thầy thông minh. Ở đó, chính sách, quy định có đủ cả rồi. Mình có hiểu, có biết thì nói người dân mới nghe chứ, con gà muốn gáy còn phải học cơ mà”, ông giảng giải cho tôi nghe như vậy!

Rồi ông cười hiền, đứng bật dậy: “Luùng a! Đường xa có mệt không? Mệt chứ nhỉ, nhưng không sao, cái chân đi xa mà vẫn nhớ đường về nhà thì giống với người Dao, hợp với lý người Dao ta rồi đấy”.

Ông Lý Đại Thông (người đội mũ nồi) cùng Trưởng thôn Nặm Đăm Lý Tà Đành tham khảo một bài viết về mô hình làm kinh tế giỏi đăng trên Báo Dân tộc và Phát triển
Ông Lý Đại Thông (người đội mũ nồi) cùng Trưởng thôn Nặm Đăm Lý Tà Đành tham khảo một bài viết về mô hình làm kinh tế giỏi đăng trên báo Dân tộc và Phát triển

Không để tôi kịp trả lời, ông hồ hởi nói ngay: “Này nhé, bài báo lần trước anh viết về mô hình trồng 2ha lê, mận, đào của bố (cách gọi thân mật của ông Thông dành cho phóng viên), cuốn báo được cấp bố còn giữ đây, còn cuốn con tặng anh Đành (Trưởng thôn Nặm Đăm – Lý Tà Đành), anh ấy đã để ở Nhà văn hóa của xã, đưa vào tủ sách cộng đồng rồi! Anh Đành bảo với bố, mình là Người có uy tín, lại là người làm kinh tế giỏi thì phải để mọi người cùng đọc, cùng biết, cùng học”, kể ra cũng rất vui.

Nói rồi, ông Thông lại gật gù: “Mấy chục ha chuyên canh cây ăn quả của nhiều hộ trong thôn cũng đang cho thu nhập hằng năm ổn định. Rồi đây, mỗi ha chuyên canh cây ăn quả sẽ lại cho thêm thu nhập vài trăm triệu đồng. Trước đây ta mới chỉ nghĩ chuyện “an cư”, giờ này thì ổn định rồi, “lạc nghiệp” rồi”.

Người Dao ở đây là thế, chỉ “khoe” những thứ đã làm được, đã có sẵn trong 2 bàn tay lam lũ, mẫn đảm chứ không nhìn gió nói mây bao giờ! Và cũng ở đồng bào dân tộc Dao, dù ở đâu thì vẫn luôn tìm được chỗ trú chân và sinh sống. 

Ông Lý Đại Thông trò chuyện cùng Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển
Ông Lý Đại Thông trò chuyện cùng phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển

Tôi và ông hàn huyên tâm sự, loanh quanh cũng chỉ về chuyện làng, chuyện bản, chuyện bà con đã vượt khó vươn lên để thoát nghèo. Như sực nhớ ra câu chuyện của gần 2 năm trước, ông kể: Năm bố có đọc trên báo Dân tộc và Phát triển câu chuyện: Đồng bào Dao giữ nghề thuốc Nam truyền thống. Phải đấy, trong số các dân tộc anh em, người Dao được mệnh danh là bậc thầy về lá thuốc thiên nhiên trong rừng. Người Dao  dùng kinh nghiệm và phương pháp gia truyền hái lá, đem bào chế, giã, đắp hoặc uống… tiêu trừ được nhiều bệnh. Những y lý mà người Dao đã tìm hiểu được đem tích góp thành bài thuốc truyền lại nhiều đời. Bố cùng cán bộ Đành đã động viên anh Dèn (Lý Tà Dèn – con trai cả của ông Lý Đại Thông) thành lập Hợp tác xã Dược liệu Nặm Đăm. Bước đầu Hợp tác xã ấy đã hoạt động hiệu quả!

Quá trưa, nắng đã dát vàng long lanh ngoài suối, tôi từ biệt Người có uy tín của thôn Nặm Đăm để lên đường tiếp tục chuyến công tác. Ông đưa cho tôi ống cơm lam còn nghi ngút khói, hương nếp ấm tràn qua các kẽ tay thơm lựng. “Đường từ đây lên Mèo Vạc còn xa, giữa đường mà đói thì nghỉ ở đâu dùng cũng được”, nói rồi, ông dặn dò thêm: “Anh đi lên đó, thấy mô hình làm du lịch hay, phát triển kinh tế giỏi nhớ viết bài nhé, để mỗi lần sinh hoạt cộng đồng, mọi người sẽ chuyền tay nhau cuốn báo ấy mà đọc, mà học và mạnh dạn, tự tin làm kinh tế để thay đổi cuộc sống ngày một tốt hơn”.

Ý kiến độc giả
Mã bảo mật
Tin cùng chuyên mục
Hành trình vượt khó của Sùng A Pó

Hành trình vượt khó của Sùng A Pó

Từ cậu bé chân đất, lội suối, băng rừng tìm chữ, đỗ đạt ra thành phố học học rồi lại trở về bản làng, đem tri thức và tâm huyết của mình cống hiến cho quê hương, anh Sùng A Pó, dân tộc Mông ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), hiện là Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Lý đã trở thành điển hình về tinh thần ham học và nghị lực vượt khó nơi đại ngàn Pù Hu.
Du khách mãn nhãn với những trận đấu trong “Đêm võ đài Bình Định”

Du khách mãn nhãn với những trận đấu trong “Đêm võ đài Bình Định”

Thể thao - T.Nhân-N.Triều - 23:02, 02/05/2025
Tối 2/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định đã tổ chức chương trình “Đêm Võ đài Bình Định” diễn ra tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP.Quy Nhơn), với những trận đấu hấp dẫn mang đến cho người dân và du khách một “bữa tiệc võ thuật” đặc trưng của vùng đất võ.
Tạm hoãn chiêm bái xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức

Tạm hoãn chiêm bái xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức

Tin tức - Tào Đạt - 22:01, 02/05/2025
Ban tổ chức thông báo, tạm hoãn việc cung thỉnh, tôn trí và chiêm bái xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức vào ngày 3/5 (nhằm mùng 6/4 âm lịch).
Bình Định: Chào đón Đoàn diễu binh, diễu hành hành quân về đơn vị qua ga Diêu Trì

Bình Định: Chào đón Đoàn diễu binh, diễu hành hành quân về đơn vị qua ga Diêu Trì

Xã hội - T.Nhân-H.Trường - 21:59, 02/05/2025
Ngày 2/5, đoàn tàu chở đoàn công tác số 1 là các cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã đến ga Diêu Trì, tỉnh Bình Định.
Bình Định tăng cường quản lý giao thông đường thủy nội địa

Bình Định tăng cường quản lý giao thông đường thủy nội địa

Tin tức - T.Nhân - H.Trường - 20:41, 02/05/2025
UBND TP Quy Nhơn (Bình Định) vừa có văn bản gửi Công an tỉnh, các Đồn Biên phòng Nhơn Lý, Nhơn Châu, Cửa khẩu cảng Quy Nhơn; UBND các xã: Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong các ngày cao điểm.
Khai trương Trung tâm Báo chí phục vụ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025

Khai trương Trung tâm Báo chí phục vụ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025

Tin tức - Tào Đạt - 19:10, 02/05/2025
Chiều 2/5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khai trương Trung tâm Báo chí phục vụ Đại lễ Phật đản Vesak 2025 và họp báo thông tin cho các cơ quan báo chí về chương trình Đại lễ.
Gìn giữ di sản cho đời sau

Gìn giữ di sản cho đời sau

Bản tin tổng hợp của Báo Dân tộc và Phát triển. Bản tin chiều nay ngày 29/4, có những thông tin đáng chú ý sau: Xếp hạng di tích Bãi đá có hình khắc cổ ở Hòa Bình. Chùa Monivongsa Bopharam nơi thành phố cực Nam. Gìn giữ di sản cho đời sau. Cùng các tin tức thời sự khác trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
TP.Hồ Chí Minh sẵn sàng cho Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025

TP.Hồ Chí Minh sẵn sàng cho Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025

Tin tức - Duy Chí - 18:28, 02/05/2025
Chiều ngày 2/5/2025, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) – nơi đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc (LHQ) 2025, đã diễn ra Phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ 2025 , thông qua kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng cho đại lễ sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8/5/2025 tại TP. Hồ Chí Minh.
Ninh Thuận: Đầu tư hơn 10 tỉ đồng bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Katê

Ninh Thuận: Đầu tư hơn 10 tỉ đồng bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Katê

Sắc màu 54 - T.Nhân-H.Trường - 15:40, 02/05/2025
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Katê của đồng bào Chăm giai đoạn 2025-2030, với tổng kinh phí đầu tư hơn 10 tỉ đồng.
Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ thăm Kazakhstan, Azerbaijan, Nga và Belarus

Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ thăm Kazakhstan, Azerbaijan, Nga và Belarus

Thời sự - PV - 12:45, 02/05/2025
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Kazakhstan, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Azerbaijan, thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Belarus từ ngày 5 đến 12/5/2025.
Hơn 250 vận động viên tham gia Giải Cầu lông các CLB tỉnh Bình Định mở rộng năm 2025

Hơn 250 vận động viên tham gia Giải Cầu lông các CLB tỉnh Bình Định mở rộng năm 2025

Thể thao - T.Nhân-N.Triều - 12:39, 02/05/2025
Nằm trong chuỗi sự kiện Văn hoá – Thể thao – Di lịch chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và quốc tế lao động 1/5, sáng 2/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định phối hợp với Liên đoàn Cầu lông tỉnh tổ chức lễ khai mạc Giải Cầu lông các Câu lạc bộ (CLB) tỉnh Bình Định mở rộng năm 2025. Giải đấu sẽ diễn ra đến ngày 4/5.
Gia Lai: Đốt dọn thực bì làm nương rẫy, gần 6 ha rừng bị cháy

Gia Lai: Đốt dọn thực bì làm nương rẫy, gần 6 ha rừng bị cháy

Tin tức - Ngọc Thu - 12:10, 02/05/2025
Ngày 2/5, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Cơ (Gia Lai) cho biết, đơn vị đã phối hợp với lực lượng chữa cháy vừa kịp thời khống chế, dập tắt đám cháy rừng xảy ra trên địa bàn xã Ia Din sau khoảng bốn giờ bùng phát.