Ông Sùng Văn Sinh, Trưởng thôn, Người có uy tín thôn Suối Thầu, thị trấn Cốc Pài, huyện Xín MầnNgày tôi về thăm khu vườn của ông Sinh, lứa cam tới vụ thu hoạch như nhuộm một màu vàng rực trên triền núi. Từng đợt gió cất lên từ thảo nguyên Suối Thầu thổi ngang qua mang mùi hương của trái chín bay xa. Mấy giống chim rừng ưa quả mọng từng đàn kéo nhau về lích rích chuyền cành, đánh đu trên những ngọn cây quả sai trĩu trịt. Những lối đi nhỏ ngang dọc giữa khu vườn nhộn nhịp bước chân của thương lái tìm về mua cam, của người dân tìm tới tham quan mô hình làm kinh tế giỏi.
Thôn Suối Thầu, thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang có 58 hộ gia đình, 100% là đồng bào dân tộc Mông. 57/58 hộ gia đình tại đây thuộc diện nghèo và cận nghèo nên đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Trò chuyện cùng tôi, ông Sinh tâm sự: "Nếu cứ giới thiệu về những mô hình trang trại tiên tiến cho hiệu quả cao ở các địa phương khác, để động viên người dân có quyết tâm làm giàu, thì chi bằng, trong vai trò là Trưởng thôn mình sẽ là người tiên phong làm thử"!
Năm 1999 chàng trai người Mông Sùng Văn Sinh khi ấy 25 tuổi, xuất ngũ trở về địa phương. Thấy quê hương nằm khuất nẻo sau những dãy núi mờ xa, giao thông lại không thuận lợi nên Sinh quyết trí tìm hướng làm giàu, ước mong một ngày Suối Thầu không còn là vùng khó! Nghĩ là làm, Sinh vay mượn vốn rồi đầu tư nuôi dê. Ba năm thử nghiệm, mô hình nuôi dê không đem lại hiệu quả. Sùng Văn Sinh lại chuyển hướng sang nuôi trâu bò. Suốt hơn 10 năm sau đó, đàn trâu bò của Sinh luôn nhiều nhất thị trấn, duy trì ổn định trên 50 con.
“Việc duy trì lượng thức ăn đảm bảo cho đàn phát triển vào thời điểm đó cũng là cả vấn đề. Số lượng cá thể trong đàn nhiều đòi hỏi việc chăm sóc, phòng bệnh phải cẩn thận. Chưa kể thị trường đầu ra phải phụ thuộc hoàn toàn vào một số ít đầu mối nên nguồn vốn quay vòng chậm. Nếu không phát triển lên hẳn mô hình nuôi trang trại lớn, mà chỉ dừng ở mức độ chăn nuôi gia đình thì hiệu quả thực tế chưa chắc đã cao”, ông Sinh sẻ chia với tôi những điều vừa là kinh nghiệm, nhưng cũng là những trăn trở mà ông canh cánh trong lòng.
Thế rồi tới năm 2017, sau khi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của một số mô hình phát triển cây trồng cho giá trị kinh tế cao ở trong và ngoài tỉnh, ông Sinh quyết định chuyển đổi hoàn toàn mô hình nuôi trâu bò phát triển kinh tế hộ gia đình, sang trồng các loại cây ăn quả gồm: 1.000 gốc mận, 600 gốc lê, 250 gốc cam trên diện tích 3,7ha đất vườn.
Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ những loại cây này, trong vai trò là Trưởng thôn, Người có uy tín của thôn Suối Thầu, ngay từ năm 2020, ông Sùng Văn Sinh đã vận động người dân cùng mạnh dạn thực hiện và phát triển mô hình. Ông phân tích: “Người dân Suối Thầu hoàn toàn có thể yên tâm trồng thử nghiệm một số ít rồi dần mở rộng diện tích lớn hơn về sau, bởi địa phương có khí hậu thuận lợi, thổ nhưỡng phù hợp và tôi sẽ trực tiếp hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm chăm sóc thực tế”. Thế nhưng, người dân vẫn ngần ngại thử nghiệm vì chưa tận mắt nhìn thấy hiệu quả mà các loại cây này đem lại!
Ông Sinh thông tin: “Với mận và lê, năm 2023 gia đình thu hoạch 27 tấn quả, tới năm 2024 nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi số quả thu hoạch được nhiều hơn năm trước 3 tấn. Sau khi trừ chi phí đầu tư như phân bón và công chăm sóc mỗi năm gia đình thu lãi hơn 400 triệu đồng. Đối với 250 gốc cam giá dao động từ 15.000-20.000 đồng/kg, năm 2023 gia đình thu về 50 triệu đồng, năm 2024 cho thu hoạch 80 triệu đồng”.
Vườn cam của ông Sùng Văn Sinh hiện đang sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất ổn địnhTừ những kết quả đã được thực tiễn chứng minh đó, đầu năm 2024, 7 hộ dân trong thôn Suối Thầu đã được ông Sinh hỗ trợ trồng thử 10ha lê. Nhận thấy khó khăn ban đầu của người dân về nguồn kinh phí mua phân bón, Trưởng thôn, Người có uy tín Sùng Văn Sinh chia sẻ: “Không chỉ hỗ trợ về kỹ thuật, mỗi năm tôi cũng đã cố gắng để hỗ trợ theo hình thức cho không mỗi hộ gia đình này 300kg phân bón. Hiện tại, vườn lê của các hộ gia đình được hỗ trợ như, anh Sùng Quang Phòng, Thào Seo Chư, Thào Văn Séng, Sùng Văn Giống... đều sinh trưởng, phát triển tốt”.
Nói rồi, Trưởng thôn, Người có uy tín của thôn Suối Thầu khẳng khái: “Suối Thầu mình rồi sẽ phải đổi khác, so với những địa phương khác của huyện Xín Mần, Suối Thầu có rất nhiều khó khăn, nhưng càng như thế mình càng phải mạnh dạn làm giàu. Nếu có mô hình phát triển kinh tế hay mà chưa ai làm thì ta lại là người làm thử”.
Xín Mần là huyện biên giới nằm ở phía Tây tỉnh Hà Giang. Toàn huyện có 18 đơn vị hành chính, gồm 1 thị trấn và 17 xã, với 160/187 thôn đặc biệt khó khăn, là địa bàn sinh sống của cộng đồng 16 dân tộc, với dân số trên 72.000 người, trong đó trên 69.300 người là đồng bào DTTS, chiếm 96,2% tổng dân số toàn huyện.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Xín Mần có 186 Người có uy tín là Bí thư Chi bộ; trưởng thôn, bản; cán bộ nghỉ hưu; già làng; trưởng dòng họ; chức sắc tôn giáo và các thành phần khác. Đây là những người được Nhân dân tín nhiệm, có phạm vi ảnh hưởng lớn trong cộng đồng và khả năng tập hợp người dân.