Ông Hoàng Ngọc Khánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Yên Thành, huyện Quang Bình cho biết: “Thôn Đồng Tiến là địa bàn sinh sống và định cư lâu đời của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Chỉ tính riêng dân tộc Pà Thẻn, thôn có 65 hộ, với hơn 400 nhân khẩu. Cùng với các dân tộc Pu Péo, Bố Y, Cờ Lao, Lô Lô, Pà Thẻn là một trong dân tộc có khó khăn đặc thù trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Do đó, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Pà Thẻn được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm”.
Năm 2023 từ nguồn vốn của Tiểu Dự án 1 - Dự án 9, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) HTX dệt thổ cẩm Pà Thẻn thôn Đồng Tiến được thành lập. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, sự tin tưởng của các thành viên Hợp tác xã, ông Hủng Văn Sứ - Người có uy tín của thôn được bầu là Tổ trưởng.
Chia sẻ về bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình, ông Sứ tâm sự, cùng với thời gian, bộ trang phục thổ cẩm của người Pà Thẻn không chỉ là những bộ y phục đơn thuần, mà đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật, mang trong mình vẻ đẹp sâu sắc về thẩm mỹ và tâm hồn của dân tộc. Những người phụ nữ Pà Thẻn với đôi tay khéo léo đã thổi hồn vào từng sợi chỉ, từng hoa văn để tạo ra những tấm vải thổ cẩm mang đậm dấu ấn của thiên nhiên, con người và những câu chuyện về truyền thống. Mỗi bộ trang phục là một câu chuyện kể về cuộc sống sinh hoạt, về mối quan hệ gắn bó giữa con người với đất trời, là sự hòa quyện của nghệ thuật tạo hình, kỹ thuật dệt vải và tinh thần sáng tạo vô biên.
Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, những cô gái Pà Thẻn đã được bà, mẹ truyền dạy nghề “canh cửi” – nghệ thuật dệt thổ cẩm, thêu hoa, ghép vải. Đây không chỉ là những kỹ năng sống còn, mà còn là phần thưởng vô giá mà các bậc tiền bối trao truyền lại cho thế hệ mai sau, như một "hồi môn" thiêng liêng để khẳng định bản sắc dân tộc. Họ học từng đường kim mũi chỉ, để rồi qua bàn tay tỉ mỉ của mình, những sợi vải thô ráp trở thành những tấm thổ cẩm tinh xảo, sắc màu hài hòa như những bức tranh thiên nhiên sống động.
Mỗi chiếc khung cửi là một không gian sáng tạo, nơi những người phụ nữ Pà Thẻn không chỉ dệt nên vải vóc mà còn dệt lên những ước mơ, những khát vọng và câu chuyện của chính mình. Mỗi tấm vải không chỉ mang đậm dấu ấn của phong cảnh thiên nhiên, mà còn thể hiện sự gắn kết chặt chẽ với đời sống cộng đồng, với những hình ảnh gần gũi như con trâu, con chim, cây cỏ, tượng trưng cho sức mạnh, sự sinh sôi và thịnh vượng. Những hoa văn kỳ công không chỉ là sự thể hiện vẻ đẹp bên ngoài, mà còn là lời cầu nguyện của người Pà Thẻn về một cuộc sống đủ đầy, ấm no.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Quang Bình có 135 Người có uy tín. Những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS huyện Quang Bình đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng, phát triển kinh tế, đồng thời bảo tồn và phát huy những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp trong đồng bào DTTS”.
Ông Nguyễn Đình Luân,Trưởng phòng Dân tộc huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang
Sau hai năm thành lập, tới nay HTX dệt của đồng bào dân tộc Pà Thẻn nơi đây luôn duy trì hơn 60 xã viên và đã dạy nghề cho hàng chục con em tại địa phương. Nói về những khó khăn đã qua, Người có uy tín Hủng Văn Sứ kể, sau khi dệt vải, người phụ nữ Pà Thẻn dùng các loại vải có màu sắc như đỏ, trắng, xanh và đen cắt nhỏ ghép với những mảnh vải được thêu hoa văn. Do đó, để tạo nên một bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Pà Thẻn rất cầu kỳ và mất nhiều thời gian.
Nói rồi, ông suy tư: “Gió thổi nhiều, cái cây to cũng còn bị nghiêng. Đồ xôi nhiều, cái nồi đồng còn bị thủng cơ mà! Thế nên ai không biết thì cứ học dần, nay biết tới sợi len, mai biết tới sợi chỉ thêu, nay làm được tấm vải, mai biết tới làm một bộ trang phục. Có Nhà nước, có địa phương giúp sức để mình mở HTX dệt, để giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Pà Thẻn không mất đi, không mai một, thì mình cũng phải gắng sức để làm... Những thành quả đạt được sẽ thay lời cảm ơn của người Pà Thẻn tới chủ trương, chính sách”.