Hướng về quê hương
Tết Nhâm Dần năm nay là năm thứ ba, anh Đức Thư (32 tuổi), lao động xuất khẩu tại thành phố Yamaguchi (Nhật Bản) đón Tết nơi xứ người. Thư cho biết, mình cũng khá quen với cuộc sống nơi đây, nhưng khi đến Tết vẫn thấy lạ có chút gì hụt hẫng. Gia đình, vợ con đều đang ở Việt Nam nên năm nào anh cũng đón tết Việt qua điện thoại với gia đình. “Vì cuộc sống mưu sinh nên mình chấp nhận xa nhà, năm ngoái mình cũng tự gói bánh chưng để Tết có không khí hơn, năm nay chắc chắn cũng vậy”, Thư chia sẻ.
Mai Linh (27 tuổi) cũng là lao động xuất khẩu tại Osaka, Nhật Bản. Đây là năm đầu tiên đặt chân đến một vùng đất xứ sở hoa đào, nên mọi thứ với cô vẫn còn rất mới mẻ và lạ lẫm. "Cuộc sống ở đây khác với Việt Nam lắm, nhưng cũng may, bên này có nhiều người Việt, mọi người cũng đoàn kết, giúp đỡ nhau nên mình cảm thấy yên tâm hơn. Tết đến, do công việc và dịch bệnh nên mình không được về nhà, chúng mình cùng nhau chuẩn bị mâm cơm tết và đi chùa, ít nhiều cũng vơi đi nỗi nhớ nhà”, Linh chia sẻ.
Được biết, tỉnh Osaka của Nhật Bản có rất đông người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc. Tại thành phố Yao của tỉnh Osaka hiện có khoảng 2.000 người Việt Nam sinh sống. Nơi đây có một ngôi chùa của người Việt mang tên Chùa Phước Quang Yao. Đây là nơi nhiều người Việt thường lui tới để lễ Phật, nghe các thầy khai thị giảng kinh sách tấn, đặc biệt những ngày đầu năm.
Phong vị Tết Việt ở xứ người
Cũng có những người Việt sinh sống lâu năm tại nước ngoài, dần dần cuộc sống thích nghi tốt hơn cũng sẽ có những cái nhìn khác hơn về Tết.
“Mình ở Mỹ đã được 8 năm rồi, mình lập gia đình và định cư tại bang Massachusetts (đông bắc Mỹ). Đây cũng là nơi tập trung khá đông người châu Á, trong đó có Việt Nam. Sống trên đấy Mỹ gần chục năm nhưng Tết cổ truyền vẫn luôn mang một ý nghĩa đặc biệt trong lòng mình”, Phương Thảo (30 tuổi) chia sẻ.
Thảo cho biết thêm, lý do mà người Việt ở Mỹ hiện tại không bị “khát” quê hương như trước nữa, bởi vì “hương vị Việt Nam” đã tràn ngập khắp nơi từ lâu rồi. Những ngày giáp Tết, Hội người Việt thường tổ chức hội chợ để bày bán các sản phẩm như bánh chưng, giò chả, nem, bánh kẹo, mứt Tết, kể cả vàng mã… Nhìn chung với những người sống lâu năm ở nước ngoài như Thảo, mỗi dịp Tết đến là cơ hội để sống chậm lại, để thưởng thức hương vị “quen thuộc” quê nhà tại xứ người.
Còn với Minh Anh, cô gái trẻ vừa tốt nghiệp đại học Westminster (London, Anh) thì Tết lại đem đến nhiều niềm vui. Minh Anh cho biết, ngay năm đầu tiên cô sang du học, Đại sứ quán Việt Nam tại London đã tổ chức tiệc đón năm mới cho kiều bào và du học sinh tại đây. Mọi người cùng nhau thưởng thức các món ăn mang đậm hương vị quê nhà cùng các tiết mục văn nghệ chào Xuân sôi động. Chính những điều này đã giúp cho những du học sinh như cô cảm thấy vui hơn, đỡ nhớ nhà hơn rất nhiều. “Bản thân mình và đa số người Việt tại đây đều rất quan tâm đến các hoạt động do Đại sứ quán tổ chức, bởi Đại sứ quán giống như một Việt Nam thu nhỏ vậy”, Minh Anh tâm sự.
Có thể nói, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, các Đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia trên thế giới là đại diện, là cầu nối vững chắc để truyền tải những chủ chương chính sách của Đảng, Nhà nước đến cộng đồng người Việt xa xứ, cũng như đề đạt ngược lại những nguyện vọng của những “người con xa nhà”.
Tổ chức Tết là một trong những hoạt động thường niên để gắn kết mọi người, bên cạnh đó còn có rất nhiều hoạt động khác. Nổi bật gần đây là những hoạt động chung tay góp sức, ủng hộ, hỗ trợ nhiều trang thiết bị y tế, đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng Covid-19 của cộng đồng người Việt trên khắp thế giới, góp phần quan trọng vào kết quả phòng, chống dịch tại quê nhà.