Hơn 10 năm chưa được về quê
Từ thành phố Nonsan, Hàn Quốc, anh Tạ Văn Hùng (sinh năm 1984, dân tộc Sán Dìu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ, anh sang Hàn Quốc làm việc theo diện xuất khẩu lao động hơn 10 năm nay và chưa có cơ hội trở về đón Tết ở quê nhà. Mỗi lần Tết đến là anh lại nhớ nhà da diết, nhớ cảm giác mọi người quây quần bên mâm cơm gia đình, chuẩn bị lễ vật cúng tổ tiên. Đặc biệt, anh nhớ nhất món bánh chưng gù - loại bánh chưng đặc trưng của người Sán Dìu.
“Đây là loại bánh hình thon dài, vát hai đầu và nhô lên ở giữa. Bánh được gói bằng 2 lớp lá: lá chít và lá dong. Lá chít bên trong, lá dong bên ngoài, để khi luộc lá chít quyện mùi thơm vào bánh và cho màu đẹp mắt”, anh Hùng miêu tả.
Anh Hùng kể, xa quê anh và những người đồng hương tại Hàn Quốc vẫn tổ chức những cách đón Tết đặc biệt để có cảm giác hương vị Tết quê nhà. Năm nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vì thế mà các hoạt động đón Tết cũng diễn ra ngắn gọn và đơn giản hơn. Không còn cảnh ngoài đường náo nhiệt đông vui, các quán cà phê, khu vui chơi tấp nập, mà thay vào đó mọi người sẽ đón Tết trong gia đình nhỏ của mình.
“Mọi người sẽ cùng nhau đi mua những cành hoa anh đào để trang trí ngày Tết. Rồi cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét, làm những món ăn truyền thống, quây quần bên nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện trong năm vừa qua, chia sẻ giây phút hướng về quê hương Việt Nam”, anh Hùng nói.
Đêm giao thừa, mọi người chờ đợi và xem các chương trình truyền hình trực tiếp ở Việt Nam. Anh Hùng tâm sự, ở nơi xa, anh thường gọi điện trước giờ giao thừa để có thể trò chuyện cùng cả nhà. Hàn Quốc cách Việt Nam 2 tiếng nên khi ở nhà giao thừa, thì tại Hàn Quốc đã 2 giờ sáng, thường sau đó là bạn bè đồng nghiệp đến nhà ăn tiệc mừng năm mới.
“Năm cũ sắp qua đi và năm mới cũng gần đến, tôi chỉ hy vọng có thật nhiều sức khỏe, dịch bệnh mau chóng qua đi để có thể yên tâm và cố gắng làm việc, giúp gia đình có cuộc sống ổn định và tốt đẹp hơn. Mong rằng, Tết năm sau tôi có thể về Việt Nam đoàn tụ cùng gia đình”, anh Hùng chia sẻ.
Những ước mong tươi đẹp trong năm 2022
Cũng chia sẻ về Tết xa quê hương, chị Lò Thị Thùy Dương (sinh năm 1998, dân tộc Thái) cho biết, đây là năm đầu tiên chị đón Tết xa quê nhà. Tốt nghiệp chuyên ngành Chăn nuôi thú y tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Thùy Dương may mắn có cơ hội được nhận thực tập trong các trang trại tại Đan Mạch.
Thành phố Holstebro (Đan Mạch), nơi Dương sinh sống có khá đông người Việt sống và làm việc. Hằng năm, cứ sau dịp nghỉ giáng sinh và Tết Dương lịch của người Đan Mạch khoảng chừng một tháng, cộng đồng người Việt ở đây lại rậm rịch đón tết Âm lịch.
Lần đầu đón Tết xa nhà nên cô gái người Thái dự định sẽ cùng bạn bè, các anh chị tại đây cùng nhau đón giao thừa, chuẩn bị mâm cơm Việt như bánh chưng, nem, giò truyền thống của người Việt.
“Năm 2021 là một năm đầy khó khăn, tuy nhiên mình vẫn may mắn vì có cơ hội được sang Đan Mạch học tập và trải nghiệm. Mình hy vọng sang năm mới sẽ cố gắng trau dồi những kinh nghiệm, kỹ năng về chăn nuôi trồng trọt để sau khi học xong mình có thể trở về Việt Nam đóng góp vào lĩnh vực nông nghiệp của đất nước”, Thùy Dương chia sẻ.
Còn đối với Dương Ngọc Quỳnh (sinh năm 2000, dân tộc Sán Dìu), sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Gyeonggi (Hàn Quốc), tâm sự: “Với những du học sinh như mình, cái cảm giác Tết đến Xuân về nơi xa xứ bây giờ đã quen hơn. Riêng đêm giao thừa với chúng mình vẫn luôn là thời khắc đẹp đẽ và thiêng liêng nhất trong năm”.
Quỳnh bảo, ba năm đón Tết xa quê, Tết quê hương vẫn luôn là một trong những ký ức đẹp nhất trong tuổi thơ, khi gắn liền với những ngày cùng mẹ đi chợ chuẩn bị Tết, trông nồi bánh chưng cùng ông bà.
Trước thềm năm mới, Ngọc Quỳnh hy vọng năm học cuối cùng này sẽ đạt được những kết quả cao trong học tập. Theo học chuyên ngành Công nghiệp, chàng trai trẻ dự định sau khi học xong có thể trở về Việt Nam làm việc.
Một cái Tết nữa lại đến, những mục tiêu, mong ước cho năm mới đều được đặt ra, phấn đấu đạt được kết quả tốt hơn. Và có lẽ dù có đi đâu, người Việt xa quê luôn hướng về quê hương, đất nước./.