Thiệt hại từng ngày
Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 21 hồ chứa, với dung tích hơn 194 triệu mét khối. Vậy nhưng do hạn hán đến sớm, nhiệt độ lại tăng cao bất thường nên hầu hết các hồ nước đã khô kiệt, không còn nước phục vụ sản xuất và chăn nuôi. Nhiều người dân ở các huyện như: Ninh Sơn, Ninh Hải, Bác Ái… phải tứ tán đi khắp nơi để kiếm thêm việc làm đắp đổi qua ngày. Những gia đình bám trụ thì sản xuất đến đâu thiệt hại đến đó.
Bà Nguyễn Thị Hồng và nhiều người dân ở thôn Nha Húi, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn xót xa: “Những cánh đồng lúa vừa qua giai đoạn trổ bông đều khô quắt, chỉ cắt cho bò ăn, không thu hoạch được gì cả. Một số gia đình thu hoạch về thì hạt lép, không dùng được lại mang đổ đi. Mọi năm hạn hán không đến sớm vậy. Năm nay ngay sau tết Canh Tý là đã khô khốc hết rồi. Mọi sinh hoạt của người dân đều bị đảo lộn”. Ước tính có hơn 2.000 hộ gia đình ở huyện Bác Ái bị ảnh hưởng nặng.
Gia đình ông Lê Văn Kính sống bên mương Sáu (huyện Bác Ái), những năm trước, diện tích trồng hoa màu của gia đình ông đều cho thu hoạch khoảng 7 tấn/năm, nhưng nay chỉ thu được hơn 1 tấn. Ông Kính cho biết: “Mình sống cạnh mương mà còn bị thất thu như vậy, các hộ sống xa hơn thì gần như không còn gì để thu hoạch cả. Thời tiết cứ tiếp diễn thế này sẽ không biết xoay xở ra sao”.
Ghi nhận tại xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam), nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích phải ngưng sản xuất, nhiều loại cây trồng như: Bưởi da xanh, mãng cầu, mít, bơ, ổi… bị khô cháy. Thống kê sơ bộ của huyện Thuận Nam cho thấy, có trên 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng nặng, hàng ngàn ha hoa màu bị thiệt hại.
Cần sớm có giải pháp hỗ trợ
Ông Lê Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam) cho biết, từ nhiều tháng nay, trên địa bàn không có mưa dẫn đến 525ha đất phải ngưng sản xuất. Trong đó, có 450ha đất lúa, còn lại đất trồng cây hoa màu. Đáng lo ngại, đến nay toàn xã đã có 3,6ha cây ăn quả của 3 hộ dân bị chết khô, chủ yếu cây ổi, mãng cầu, bưởi da xanh. Ngoài ra, 3ha cây keo tràm hơn 4 năm tuổi cũng bị héo khô.
Trước tình cảnh khó khăn diễn ra thời gian dài, xã Nhị Hà đưa ra giải pháp trước mặt là điều tiết nước cho diện tích cây ăn quả lâu năm. Bên cạnh đó, địa phương khuyến khích nông dân nên dự trữ thức ăn, trồng cỏ bổ sung cho đàn gia súc.
Tại huyện Ninh Sơn, dù đã áp dụng nhiều biện pháp giảm nước tưới cho các loại cây tuy nhiên sông hồ đều cạn kiệt, một số loại vật nuôi ngã bệnh. Ông Kiều Thanh, chủ trang trại Thanh Kiều ở Ninh Sơn chia sẻ: “Cứ thế này càng nuôi càng lỗ nên không dám đầu tư gì cả. Tháng trước bán tháo gần hết nếu để lại giờ không khéo vật nuôi còi cọc mà chết”.
Trước tình thế khó khăn này, để bảo đảm đời sống cho người dân, tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các ngành, các huyện thành phố tích cực triển khai các công tác ứng phó hạn. Song song với việc khuyến cáo tiết kiệm nước, đưa các sáng kiến tưới tiết kiệm vào ứng dụng thì cần nhanh chóng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để thích ứng với những biến đổi cực đoan của thời tiết. Bên cạnh đó, tiến hành khảo sát các hồ, sông xem có thể cải tạo để nâng cao công xuất tích nước hay không.