Nhận diện rào cản trong thúc đẩy BĐG
Trong tổng số hơn 14 triệu người DTTS ở nước ta hiện nay, phụ nữ chiếm 49,8%. Tỷ lệ phụ nữ và nam giới tương đối cân bằng, nhưng phụ nữ DTTS đang là nhóm đối tượng yếu thế. Họ phải chịu nhiều thiệt thòi, chịu sự bất bình đẳng về giới từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội.
Bất bình đẳng dễ nhận biết nhất là nam giới, được coi là người chủ trong gia đình khi có tới 74% nam giới ở các hộ gia đình DTTS đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai, tín dụng… Bạo lực trong gia đình DTTS xảy ra khá phổ biến, nhất là ở những dân tộc phụ hệ. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ tảo hôn vùng DTTS vẫn còn chiếm tỷ lệ khoảng 20%. Trong nhóm tảo hôn, trẻ em gái dưới 16 tuổi kết hôn cao gấp 3,4 lần trẻ em trai.
Người phụ nữ DTTS đang phải chịu sự bất bình đẳng trong rất nhiều lĩnh vực. Ngay cả đối với các phụ nữ DTTS tham gia cấp ủy, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, mặc dù đều tăng cả về số lượng và chất lượng, nhưng cũng đang có những khoảng cách chênh lệch so với nam giới.
Theo ông Lưu Xuân Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Dân tộc Thiểu số (Uỷ ban Dân tộc) nguyên nhân khiến cho việc thúc đẩy bình đẳng giới còn nhiều thách thức, là do nhận thức của đồng bào DTTS nhất là của phụ nữ về bình đẳng giới còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự tồn tại của những phong tục tập quán, tín ngưỡng, hủ tục lâu đời trong đời sống đồng bào các dân tộc cũng là nguyên nhân gây khó khăn để đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới.
“Tư tưởng định kiến giới còn tồn tại, một bộ phận không nhỏ trong cán bộ vẫn chưa nhận thức đẩy đủ tầm quan trọng của bình đẳng giới, thực hiện pháp luật về bình đẳng giới. Các rào cản này gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện chính sách về bình đẳng giới tại địa phương”, ông Thuỷ cho biết thêm.
Bên cạnh những rào cản lớn của phụ nữ DTTS, là định kiến xã hội về trao quyền; bấp bênh về thu nhập; một bộ phận phụ nữ còn chưa chủ động vượt khó vươn lên để chứng tỏ bản lĩnh, vị thế của mình trong gia đình và xã hội.
Bình đẳng giới gắn liền với phát triển kinh tế xã hội
Để tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới, thay đổi những quan niệm lạc hậu mang tính định kiến giới ở vùng DTTS, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu tổng quát “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, nước ta có ít nhất 80% hộ gia đình DTTS được tiếp cận thông tin, kiến thức pháp luật về bình đẳng giới; 30-50% các xã có đồng bào DTTS ít người sinh sống xây dựng mô hình bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối phụ nữ, trẻ em gái.
Đặc biệt Dự án Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi), với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới cũng được kì vọng sẽ thúc đẩy bình đẳng giới của vùng.
Theo đó, Dự án sẽ triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; Phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tạo cơ hội tạo thu nhập và lồng ghép giới; Thí điểm và nhân rộng mô hình địa chỉ an toàn hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình…
Bà Elisa Fernandez, Trưởng văn phòng UN Women tại Việt Nam cho rằng, nhu cầu giới cần được coi là một phần quan trọng của chính sách dân tộc. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng, trực tiếp là Ủy ban Dân tộc cần tăng cường nguồn lực, thiết kế giải pháp và hành động sáng tạo.
Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Hoàng Thị Hạnh, việc thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng DTTS cần gắn liền với phát triển đồng bộ về hạ tầng cơ sở thiết yếu và phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Khi kinh tế phát triển, trình độ dân trí được nâng lên, thì ý thức của người dân về bình đẳng giới trong cộng đồng người DTTS cũng sẽ được cải thiện.
Điều đó có nghĩa là thúc đẩy bình đẳng giới cần phải được ưu tiên trong mọi lĩnh vực, hoạt động. Qua thực tế triển khai cho thấy, tại các địa bàn được quan tâm triển khai thực hiện bình đẳng giới, nơi đó có những dấu hiệu tích cực chuyển biến nhận thức xã hội đối với công tác bình đẳng giới.
Do đó, cần áp dụng, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả tại cấp cơ sở, tăng cường giáo dục pháp luật, kiến thức về bình đẳng giới tại vùng DTTS bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bảo DTTS để lan tỏa tới cộng đồng những thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới.