Ngôi nhà cổ của ông Dương Định, 75 tuổi, thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, đến nay đã trải qua hơn 150 năm. Qua quá trình tu bổ, sửa chữa, ngôi nhà cổ vẫn được các thế hệ giữ gìn từng cửa gỗ, kèo, cột nhà kết chặt với nhau. Ông Định cho biết: “Các thế hệ của họ Dương đều có người từ ngôi nhà cổ này đi mưu sinh và bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa”. Trong căn nhà này có một chiếc đĩa thượng cổ đường kính hơn 40cm đã lưu giữ hơn 500 năm qua. Đến nay, ông cũng không biết xuất phát của chiếc đĩa, chỉ biết từ đời này truyền qua đời khác, cất giữ nơi gian thờ chính.
Bố cục ngôi nhà cổ của ông Dương Định mang đậm nét truyền thống với kiểu 3 gian, 2 chái, hình chữ đinh, nhà chính và nhà phụ và có sân trước nhà. Gian nhà chính là nơi thờ tự được bài trí hết sức công phu, chạm trổ rồng, phượng, họa tiết và khắc câu liễn. Người xưa thường dùng từ “sơn son thếp vàng” để chỉ chất lượng, kỳ công của gian thờ chính, bên ngoài là cột kèo rường cổ được chạm khắc sinh động thường gọi “kèo rau muống” chạm hình đầu rồng hoặc phụng.
Theo ông Định, mặc dù người xưa chỉ dùng gỗ mít, nhưng tuyệt nhiên không bị mài mòn, mục rỗng, chất sơn rất tốt cho đến nhiều đời. Ngày xưa chủ yếu là người thợ mộc trên đảo Lý Sơn làm nhà cửa và làm bằng tay chứ không có máy móc, công cụ như bây giờ, kể cả từng mái ngói âm dương.
Các chuyên gia nhận định các nhà cổ trên đảo Lý Sơn đều có niên đại 150-200 năm, do không bị ảnh hưởng chiến tranh nhiều, nên hệ thống nhà cổ nơi đây còn giữ khá tốt.
Quá trình hình thành các nhà cổ cũng gắn với quá trình di cư sinh sống của những cư dân đầu tiên trên đảo. Đảo Lý Sơn bắt đầu có cư dân sinh sống chỉ từ thế kỷ XVI, các ghi chép trong Non nước Xứ Quảng của Phạm Trung Việt thì có 7 ngư dân ở làng An Vĩnh trong đất liền dùng thuyền ra đảo Lý Sơn lập nghiệp, sau đó, có 8 ngư dân ở làng An Hải cũng trong đất liền, thuộc cửa biển Sa Kỳ (huyện Bình Sơn và TP. Quảng Ngãi) ra lập nghiệp phía Đông của đảo. Từ đó, hình thành cư dân sinh sống và xây dựng nhà cửa, vươn khơi bám biển.
Tại gian nhà cổ của ông Phạm Ngọc Tuyền (thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) có niên đại hơn 200 năm, trải qua 13 đời, ông Tuyền là hậu duệ đời thứ 7 của Cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật, ông lưu giữ nhiều bản tài liệu quý giá về Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Tuyền cũng là người đam mê sưu tầm đồ cổ, với hơn 300 đồ cổ các loại có ché, ấm, đĩa,... thuộc văn hóa Sa Huỳnh cách đây 2.000 năm, văn hóa Chămpa thế kỷ XIV-XVII,…
Nhà cổ của ông Tuyền có kiểu 3 gian, 2 chái đặc trưng nhà cổ Việt, phía trước khoảng sân rộng, ông trồng cây cảnh và vườn trái cây sai quả quanh năm. Ông Tuyền chia sẻ: “Đời của tôi đã trông nom, giữ gìn từng nếp nhà, tôi cũng hy vọng con cháu sau này tiếp tục giữ gìn và tu bổ nhà cổ này trường tồn mãi”. Ngoài lễ tế xuân thu nhị kỳ vào ngày 20/2 và 20/8 âm lịch hằng năm thì các tộc họ còn tổ chức Lễ giỗ lục tộc tiền hiền vào 16/7. Các nghi lễ được thực hiện trang trọng trong nhà cổ vừa thực hiện song song tại đình làng.
Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: “UBND huyện vừa mới khảo sát sơ bộ các nhà cổ trên địa bàn huyện đảo để có dự án tôn tạo, phục vụ du lịch cho 25 nhà cổ. Bên cạnh đó, quá trình thời gian, tôn tạo của gia chủ thì hiện nay nhiều nhà cổ đã không còn giữ được nữa. Do vậy, UBND huyện cũng khuyến khích, yêu cầu các gia chủ giữ lại những căn nhà cổ còn lại trên địa bàn, hướng tới phát triển du lịch địa phương, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống”.
NGUYỄN TRANG