Được tự do tìm hiểu, yêu đương
“Xưa kia, nếu con trai Mnông muốn lấy vợ thì họ phải chăm lao động, có sức khỏe, đặc biệt là biết đan lát, đánh chiêng, thổi khèn nói được tình yêu với cô gái… Người con gái muốn có chồng, ngoài nết na, chăm chỉ phải học được dệt thổ cẩm, làm rượu cần và luyện cái tai tinh tường để “nghe tình yêu” qua tiếng khèn, tiếng chiêng", ông Điểu M’rưng, bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan, huyện Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông chia sẻ.
Ông cho biết, trước đây, ông và vợ được hai bên gia đình, dòng họ giới thiệu và gắn kết. Trước khi cưới hầu như là chưa biết nhiều về nhau. Vì ông giỏi đan lát, lao động nên gia đình tìm cho cô gái biết dệt vải, nấu cơm. Cứ thế là đến với nhau và bảo ban nhau xây dựng gia đình đến bây giờ. Nếu trước đây mà tự tìm hiểu yêu đương, tự lựa chọn không qua gia đình, dòng tộc, không thông qua già làng sẽ bị xem là làm trái với luật tục của cộng đồng. Có khi đôi lứa được hai bên gia đình gắn kết từ nhỏ với nghi thức trao vòng, lớn lên phải lấy nhau. Nếu bên nào vi phạm ước định của hai bên, gia đình sẽ bị phạt tiền hay các tài sản khác.
Hiện nay đã có sự thay đổi rõ ràng trong quan niệm tình yêu, hôn nhân trong cộng đồng Mnông. Trai gái được tự do tìm hiểu bạn đời, hôn nhân hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện. Những dịp lễ hội bon làng là cơ hội để các chàng trai cô gái Mnông tìm đến với nhau. Việc tìm hiểu, yêu đương trở nên thoải mái, dễ dàng hơn khi đời sống ngày càng phát triển. Các phương tiện liên lạc hiện đại và không gian sống rộng mở giúp thanh niên trong độ tuổi yêu đương, kết hôn có thêm điều kiện tìm hiểu, mở rộng đối tượng tiến tới hôn nhân.
Không còn đơn giản yêu nhau qua tiếng khèn, tiếng chiêng, tiếng sáo mà tình yêu ngày nay còn kết tinh từ sự tôn trọng, cái nhìn về đối phương trong sự nỗ lực với công việc, đối nhân xử thế… Để tiến tới hôn nhân, hầu hết nam nữ người Mnông tự tìm hiểu, nếu thấy phù hợp, yêu thương nhau mới tiến tới việc thông báo, xin hai bên gia đình cho làm đám cưới.
Thị Ly, bon Bu Bir, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) kết hôn năm 28 tuổi được cho là khá muộn so với các bạn cùng trang lứa. Trước đây, khi mới qua tuổi đôi mươi, em đã được gia đình giục lấy chồng. Tuy nhiên, em từ chối và tránh né nhiều lần vì chưa tìm được đối tượng phù hợp. Nói về đối tượng để kết hôn, em mong một người chồng chăm chỉ làm ăn, yêu thương gia đình, không dính vào cờ bạc, rượu chè… Em cho biết, nếu là trước đây, những cô gái Mnông sẽ cảm thấy rất tủi thân nếu rơi vào trường hợp như vậy. Nhưng hiện nay, mọi việc trở nên bình thường hơn. Ngoài ra, tùy hoàn cảnh gia đình, có thể đăng ký kết hôn, trở thành vợ chồng ở với nhau dù không làm các bước dạm ngỏ hay tổ chức đám cưới. Nếu là trước đây thì điều đó là không thể và sẽ bị bon làng, cộng đồng khó chấp nhận.
Hôn nhân trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng
Đối với người Mnông trước đây, tuổi kết hôn thường rất sớm, con trai lấy vợ ở tuổi 15 đến 20 tuổi, con gái lấy chồng trong độ tuổi 16 đến 18 tuổi. Trên 25 tuổi đã được coi là quá lứa. Ngoài 30 tuổi mà chưa xây dựng gia đình thì được xem là “ế vợ, ế chồng”.
Hiện nay trong hôn nhân, hầu hết độ tuổi kết hôn của nam nữ Mnông đã tuân thủ Luật Hôn nhân và Gia đình. Cùng với sự ảnh hưởng của quá trình học tập, công việc, môi trường, cách hưởng thụ cuộc sống nên độ tuổi kết hôn cũng tăng. Nam thường từ 22 - 27 tuổi, thậm chí đến 30, nữ từ 18 - 25 tuổi trở lên mới xây dựng gia đình. Hôn nhân không còn phụ thuộc quá nhiều vào việc mai mối, ước định của gia đình dòng họ mà là sự chủ động trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng. Việc lấy nhau để sinh con đẻ cái không còn là điều tất yếu, quan trọng nhất trong hôn nhân của các gia đình Mnông…
Sự chủ động trong tình yêu, hôn nhân của thanh niên Mnông ngày nay thể hiện qua nhiều khía cạnh. Không chỉ yêu và kết hôn trong cùng tộc người, trai gái Mnông ngày nay đã chủ động, mở rộng đối tượng kết duyên. Có thể là người Kinh, Tày, Nùng, Thái, Ê Đê, Mạ… nếu thấy yêu thương và phù hợp để về chung sống với nhau, cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Trong quá trình học tập và làm việc, chị H’Kler, dân tộc Mnông ở bon Ol Bu Tung, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) đã làm quen với người chồng hiện tại là anh Điểu Cao Phi, dân tộc Xtiêng ở Bình Phước. Qua thời gian tìm hiểu, anh chị đã quyết định cùng xây dựng mái ấm với một đám cưới có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Không áp đặt ở chung với gia đình hai bên hoặc theo mẫu hệ, phụ hệ. Đôi vợ chồng sẽ chọn ở bên nhà chồng hoặc nhà vợ nếu thấy phù hợp. Khi có điều kiện kinh tế vững vàng hơn sẽ ra ở riêng.
Cũng như lễ cưới truyền thống người Mnông, để đến với nhau, đôi nam nữ sẽ trải qua các bước: dạm ngõ, ăn hỏi, cưới, lại mặt. Tuy nhiên, một số nghi thức sẽ được làm tối giản, thời gian ngắn hơn nhưng vẫn giữ được ý nghĩa của nó. Việc thách cưới và lễ vật thách cưới không còn bị đặt nặng. Đôi trai gái yêu nhau đều có thể thuận lợi đến với nhau hơn. Đôi bạn trẻ đến với nhau gần như quyết định từ khâu chụp ảnh cưới đến làm đám cưới…
Nhiều bạn trẻ biết trân trọng và kết hợp một số nét đẹp trong lễ cưới truyền thống vào lễ cưới tổ chức theo cách hiện đại ngày nay. Cụ thể như mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, tiến hành nghi thức tặng lễ, tạ ơn… Những bộ áo, váy cưới truyền thống vô cùng độc đáo, đẹp mắt trở thành điểm nhấn về tình yêu, về gia đình và cộng đồng.
Quá trình cộng cư, giao lưu văn hóa và hội nhập đời sống hiện đại, lễ cưới của người Mnông có sự thay đổi theo hướng tối giản hơn, nhiều tập tục xóa bỏ. Trước đây, thời gian dạm ngõ đến đám cưới của người Mnông khá lâu. Có thể là một đến hai năm. Nhưng hiện nay có sự thay đổi rõ rệt. Thời gian của các nghi lễ và các bước trong đám cưới đều được rút ngắn. Hầu như đều diễn ra trong một năm.