Lãng du phận người
Tôi đã gặp giữa rừng vắng Tây Nguyên những đoàn người Mông di trú. Những lão ông trầm tư. Những lão bà nở nụ cười móm mém hồn nhiên. Những chàng trai với ánh mắt tinh anh rực lên niềm khát khao chinh phục. Những phụ nữ lầm lũi gùi những gì trên lưng mà tôi không biết. Họ chúi mặt xuống đất nặng nề cất bước trên con đường mòn. Những đứa trẻ ánh mắt trong veo với bàn chân nhanh nhẹn thoăn thoắt leo lên những vách núi dựng đứng một cách dễ dàng. Ở đâu đó giữa rừng sâu Tây Nguyên, tôi đã nghe, lạc điệu một tiếng khèn Mông khi con thuyền độc mộc xuôi theo dòng K’Rông Ano vào rừng Đạ Mrông.
Khi tôi đến, những hộ người Mông đã định cư ở xã Liêng Srôn, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) lại bỏ bản cũ mà luồn sâu vào rừng. Hỏi một người dân còn ở lại, vì sao họ đi. Ông nói rằng, vì buồn. Lạ thật. Được sống giữa một vùng dân cư đông đúc, quán xá xập xình, cảnh sắc trù phú mà lại thấy buồn. Trong khi, vào rừng sâu, len lỏi với đại ngàn, với tiếng thác chảy, vượn hú, mang toác thì lại thấy vui.
Tôi đã đến với nơi họ sống. Đó là những ngôi làng không tên nằm giữa rừng sâu giáp ranh hai tỉnh Đăk Lăk, Lâm Đồng. Hơn 2 tiếng đồng hồ đánh vật với những ổ voi, ổ gà, với nhiều bãi sình lầy bùn ngập nửa bánh xe, đi qua những con dốc cao chênh vênh, một bên là vực sâu hun hút. Đứng trên đồi cao, phóng tầm mắt nhìn về phía thung lũng, 3 làng nhỏ hiện ra trong thấp thoáng cây rừng. Nhà Giàng A Chơ, ngôi nhà đầu tiên chúng tôi gặp. Hai vợ chồng và 4 đứa con trú ngụ trong căn nhà nứa khoảng 12m2. Tài sản không có gì ngoài 3 cái nồi gang, 1 siêu nấu nước đã méo, 1 cái chậu cùng đám bát đĩa sứt mẻ. Mấy năm trước, vợ chồng Chơ rời quê nhà ở xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) vào đây. Bữa cơm trưa của nhà Chơ chẳng có gì ngoài nồi cơm, đĩa rau lang luộc chấm nước muối. Những đứa trẻ nhếch nhác đến tội nghiệp, nắng gió khiến mái tóc của tụi nhỏ bị khét cháy…
Trời nắng chang chang. 6 phụ nữ trẻ đang trồng ngô, mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Cạnh đấy, những đứa trẻ bò lổm ngổm dưới bóng mát cây rừng. Tôi bắt chuyện khi những cô gái vừa nghỉ làm để chuẩn bị ăn cơm. Mồ hôi nhễ nhại, hỏi gì họ cũng cười. Chợt hiểu, các cô không biết tiếng Kinh. Giàng A Giáo giúp làm phiên dịch. Cả 6 cô đều đã có chồng và có con dù mới chỉ 17 - 20 tuổi. Bữa cơm trên nương được bày trên những tàu lá chuối: 3 bịch cơm, 1 túm rau rừng luộc, 1 can nước lạnh để làm canh. Gần đó, nhà Thào A Chỉnh cũng bên mâm cơm. Tô nước cà chua lõng bõng và nồi cơm trộn bột ngô là bữa ăn của 7 miệng ăn. Những đứa trẻ và cơm ngon lành và hấp tấp. Chỉnh nói, có khi cả tháng mới ra chợ một lần và mua về ít thịt mỡ cải thiện.
Đói là một nhẽ, còn bệnh tật, thất học quả là nỗi ám ảnh. Chặng đường hơn 20 cây số từ làng Mông này ra đến Trạm quân dân y xã Phi Liêng (Đam Rông, Lâm Đồng) phải băng rừng đi hết 6 tiếng. Nhiều người bị ốm, ra đến trạm, bác sĩ bảo chậm dăm phút thì chết là chắc.
Chuyện vui, chuyện buồn
Có nhiều bản người Mông di cư vào Tây Nguyên đang trong hoàn cảnh như chúng tôi vừa kể. Nhưng có những bản Mông đã trở thành “kiểu mẫu” ở Lâm Đồng, như bản Mông 10C của “thủ lĩnh” Thào Hoàng Khải ở xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm và thôn 5 - Đạ Kông ở xã Rô Men, huyện Đam Rông mà tôi đến chiều nay. Cái bản mà thầy giáo tiểu học Lý Seo Vần tự hào khoe rằng: “Anh đến đó đi, bản của tôi đấy. Người bản tôi bây giờ sướng lắm rồi, không còn khổ như những ngày còn chui lủi trong rừng mà anh từng biết nữa đâu!”.
Người Mông thích kết bạn, nhưng thích nhất là kết bạn với “người Mông mình” dù là quê ở đâu. Có lẽ vì thế nên ở thôn 5 - Đạ Kông, dù chỉ 135 hộ với 720 nhân khẩu nhưng bà con lại có quê 4 tỉnh. Nhà trưởng bản Giàng Seo Long quê ở Lào Cai. Hoàng Văn Bằng đến từ Lai Châu. Hoàng Xuân Tháy, Hoàng Seo Măng, Hoàng Seo Sử thì là dân Hà Giang, còn Tuyên Quang thì có Giàng Seo Chính và Giàng Seo Phù… Hoàng Xuân Tháy nói rằng, năm 2001 họ ngẫu nhiên gặp nhau khi đang dắt díu vợ con đi tìm đất mưu sinh, trò chuyện với nhau, thấy quý nên rủ nhau về lập cư một bản. Đó là cái bản không tên trơ trọi giữa rừng. Năm 2002, chính quyền quy hoạch rồi đưa cả “bản không tên” về bên suối Đạ Kông này lập cư.
Trời nhá nhem tối, tôi đang trôi theo dòng ký ức với đảng viên trẻ Hoàng Xuân Tháy, thì từ ngoài đường vọng vào một giọng người Mông vừa chạy xe máy vừa rao rất to: “Nào mao tẳng y hụa mụ khe phệ tỏ chế văn hóa”. Thấy tôi ngạc nhiên, Tháy giải thích: “Ông Mặt trận thôn đang đi mời bà con tối nay ra nhà văn hóa họp tiếp xúc cử tri”. Hơn 7 giờ tối, nhà văn hóa thôn đông đúc. Những cụ già ngồi lặng lẽ. Những bà mẹ địu theo con nhỏ. Buổi họp thôn tiếp xúc cư tri xã mà có phiên dịch, vì ở bản người Mông này số người biết tiếng phổ thông không nhiều mà mấy đại biểu hội đồng xã thì không ai biết tiếng Mông cả.
Buổi họp kết thúc, bà con đã về ngủ cả. Bản mới của người Mông giữa núi rừng Tây Nguyên bình yên đến kỳ lạ. Tôi cùng Hoàng Xuân Tháy dạo gót trên con đường bê tông. Trăng lên, câu chuyện cũng vui qua lời tâm sự của Tháy: “Hồi ở Hà Giang khổ lắm anh ạ. Đất thì bạc màu mà lại không có hệ thống thủy lợi. Vùng quê em hạn hán thường xuyên, chỉ trông chờ vào nước mưa. Em còn nhớ, có những đêm rất khuya thì trời đổ mưa rào, cả bản giục trâu kéo nhau ra bừa ruộng. Người và trâu mập mò trong bóng đêm. Rồi ngày đầu vào Tây Nguyên, lầm lũi giữa rừng sâu. Đói cả làng, có lúc bệnh cả làng”. Tôi hỏi: Bây giờ thì cuộc sống nhà Tháy thế nào? Dù rất khiêm tốn nhưng Tháy cũng cười vui và kể: “Ở đất Rô Men này làm ít hơn mà được ăn nhiều. Vợ chồng em có 2 sào ruộng lúa mà dư gạo ăn, 7 sào cà phê đang thu hoạch và sắn thì có 2ha, mỗi mùa cũng thu được 14 - 15 tấn”. Bà con không ai còn đói nữa. Nhà Tháy cũng mở quán tạp hóa. Khuya, chúng tôi về đến nhà Tháy, đám thanh niên vẫn ngồi uống cà phê hò hét ỏm tỏi khi trên màn hình tivi đang diễn ra một trận đấu bóng…
Các trai Mông trò chuyện rôm rả cùng tôi và Tháy. Hoàng Xuân Tháy nói: “Bản em có nhiều cái được… và một số cái chưa được”. Tôi muốn biết. Tháy nói: “Không ai uống rượu, hút thuốc, cả chục năm ở đây không hề xảy ra vụ đánh nhau nào. Còn thì… vẫn chưa hết nạn tảo hôn và người trong bản vẫn chế súng kíp, đúc đạn và thích đi săn”. Tôi hỏi chàng thanh niên tên A Sùng ngồi bên: “Thường thì săn loại thú gì?”. Cậu gãi tai: “Khỉ, voọc cũng có, lợn rừng cũng có. Rồi thì chim cu, con dúi…”. Bán cho ai? “Các đầu nậu mua thú ở ngay thị trấn Bằng Lăng này”. Tháy thật thà: “Hồi trước đi săn theo phường. Đôi lúc gặp cả đàn khỉ. Người thì bắn khỉ rơi xuống, chó thì cắn. Cả đàn khỉ hàng trăm con bị tóm gọn chỉ trong mấy phút”. Thế dân làng Mông còn vào rừng chặt gỗ không? Mấy ánh mắt đưa qua nhìn nhau. Tháy thật thà: “Thỉnh thoảng cũng có…”.
Một ngày trên làng Mông này, tôi đã gặp rất nhiều cô gái 16 - 17 tuổi mà đã là những bà mẹ. Mặt các cô non choẹt, bồng con trên tay mà như thể bồng em. Những chàng trai mà tôi gặp đá cầu chiều nay ở bãi đất trong bản đều đã đề huề gia thất, rất nhiều cậu chưa đến tuổi làm chứng minh thư…
“Không có ngọn núi nào cao bằng đầu gối người Mông”, tôi từng nghe lời ví von như vậy. Với đôi chân quấn xà cạp, với cây dao phạt lối trong tay, người Mông gắn đời mình với rừng và tung hoành tạo nên những lối mòn, chinh phục những vùng hoang vu nhất, những ngọn núi cao nhất. Theo dấu chân của những người Mông di trú giã biệt quê hương nơi núi rừng phương Bắc vào lập cư ở đại ngàn Tây Nguyên, tôi tin rằng, rồi đây họ sẽ có một cuộc sống ổn định và ấm no. Nhưng trong câu chuyện với những chàng trai Mông như Hoàng Xuân Tháy, như già làng Giàng Seo Long, như ông lão Hoàng Seo Lành… tôi thấy họ thoáng lên những nét buồn. Cùng với sự nhọc nhằn, bản sắc văn hóa Mông hình như cũng phai nhạt dần trên hành trình mưu sinh. Chẳng còn mấy người nhớ đến những bài hát tiếng Mông. Chẳng còn ai thổi kèn lá, khèn trúc giao tình. Váy áo mà phụ nữ Mông đang mặc trên người họ mua vải từ nguồn Trung Quốc, chẳng còn ai ngồi tỷ mẩn dệt từ sợi lanh rừng.
Giã từ bản Mông mới, tôi mong có lần trở lại và gặp những chàng trai Mông trong tâm trạng hưng phấn ôm cây khèn làm bằng 6 ống trúc leo lên triền đá cao và thổi. Tiếng trúc cất lên, những âm thanh khát khao và giãi bày. Gió thổi bạt mái tóc. Dáng hình chàng trai Mông in vào trời xanh, tạc vào đá núi Tây Nguyên…