Lẫn lộn trong việc phân vai
Từ thực tế ghi nhận, việc xác định, đánh giá mức độ, phạm vi ảnh hưởng của Người có uy tín và quy chế phối hợp giữa Người có uy tín với Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận chưa rõ ràng. Do vậy, việc đến thời điểm này còn thiếu quy chế phối hợp giữa Người có uy tín với cấp ủy, trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, làm ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của Người có uy tín.
Điều này cũng dẫn đến việc Người có uy tín gặp khó trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân do chưa được định hướng hoạt động, giao nhiệm vụ; còn cấp ủy, chính quyền, đại diện thôn bản gặp khó khăn và chưa thực sự khách quan trong việc rà soát, kiểm tra, đánh giá Người có uy tín hằng năm để thực hiện chế độ, chính sách như thăm hỏi, động viên, khen thưởng... bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh sách theo quy định.
Phát biểu tại một Hội thảo chuyên đề “Phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS” do Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức vào tháng 5/2020, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chia sẻ: Ở một số địa phương, việc phân cấp quản lý, phân công vận động Người có uy tín còn lúng túng, có tình trạng chồng chéo giữa cơ quan Mặt trận, Dân vận, Dân tộc, Công an dẫn đến trùng lắp; hoặc bỏ sót đối tượng Người có uy tín cần vận động, tranh thủ. Do vậy, chưa đánh giá được mức độ, phạm vi ảnh hưởng của Người có uy tín. Từ đó, thiếu cơ chế, chính sách nên chưa phát huy hết hiệu quả phạm vi ảnh hưởng của Người có uy tín cũng như thu hút, vận động Người có uy tín tham gia xây dựng hệ thống chính trị.
Cùng với đó, theo phản ánh của nhiều Người có uy tín, hàng năm số lượng văn bản chuyển xuống thôn bản khá nhiều. Điều này gây khó khăn cho nhiều Người có uy tín khi tiếp cận và hiểu được nội hàm, mục đích của những văn bản này.
Anh Lộc Văn Hai, Trưởng ban công tác Mặt trận, Người có uy tín thôn Long Giang, xã Xuân Long, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết, một năm anh tiếp nhận khoảng 20 văn bản của Mặt trận Tổ quốc, không kể các văn bản chuyển xuống cho Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn. Khối lượng văn bản nhiều, bản thân anh không thể nhớ hết, cộng với trình độ văn hóa thấp (9/12), nên dù là đảng viên thì với anh, việc tiếp thu chủ trương, đường lối của cấp trên là rất khó khăn. Bên cạnh đó, mặc dù một năm anh Hai được tham gia 3 - 4 lần các lớp tập huấn, nhưng nội dung theo anh nhận xét là quá chung chung, hiệu quả không cao.
Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng đội ngũ Người có uy tín có tính kế cận. Một bộ phận người có uy tín tuổi cao, sức khỏe không bảo đảm, trình độ học vấn hạn chế ảnh hưởng nhất định đến việc tiếp thu, nghiên cứu một cách hệ thống các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như khả năng tiếp cận thông tin, công nghệ, kỹ thuật mới dẫn đến giảm hiệu quả trong quá trình thực hiện vai trò Người có uy tín tại địa phương.
Không có phụ cấp
Bên cạnh những khó khăn về thể chế hoạt động, thì một trong những vấn đề Người có uy tín quan tâm nhất chính là chế độ đãi ngộ.
Chia sẻ tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách và phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Đông Nam Bộ” hồi tháng 4 vừa qua, ông Điểu Bảo, Người có uy tín xã Túc Trưng, huyện Định Quán, Đồng Nai cho biết, đa phần những Người có uy tín trong đồng bào DTTS đều sống ở vùng nông thôn, trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế khó khăn, trong khi tiền phụ cấp rất khiêm tốn, thậm chí không có phụ cấp, bảo hiểm y tế… Như vậy, sẽ rất khó để những Người có uy tín làm tốt vai trò của mình.
Đây là vấn đề được nhiều Người có uy tín quan tâm, kiến nghị nhiều nhất trong mỗi dịp gặp mặt, hội nghị. Bởi thực tế, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, ngoài tâm huyết, công sức của mình, Người có uy tín cần trợ cấp chi phí hoạt động, chi phí đi lại.
Chia sẻ về vấn về này bà Lê Thị Tâm, Người có uy tín, đồng thời là Trưởng làng Giàn, xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An cho biết, sau chủ trương sáp nhập thôn bản của Trung ương thì rất nhiều thôn, bản mới được hình thành. Địa hình miền núi rộng lớn, từ đầu làng đến cuối làng có khi dài tới 6 - 7 km, dân cư sống thưa thớt nên nếu đến nhà dân bằng xe máy thì phải mất kha khá tiền xăng xe.
Không những không có phụ cấp hay bảo hiểm y tế, mà chế độ thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các DTTS, hỗ trợ khi bị ốm đau hoặc gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn... cũng chỉ mang tính động viên tinh thần, rất khiêm tốn.
Một vướng mắc khác theo phản ánh từ địa phương và các cơ quan chức năng, việc rà soát, ban hành quyết định bổ sung Người có uy tín mỗi năm thực hiện một lần như hiện nay, là không phù hợp. Bởi nếu Người có uy tín mất, hoặc ốm đau nặng không thể tham gia giữ vai trò Người uy tín, theo quy định hiện nay phải cuối năm mới rà soát, đưa ra khỏi danh sách và bổ sung thì quá muộn. Như vậy, ở các thôn bản đó có một khoảng thời gian dài không có Người có uy tín. Do vậy, quy định này cần điều chỉnh
Tập huấn tuyên truyền còn chung chung, thiếu cụ thể
Ngoài những bất cập trên, thì vấn đề về công tác tuyên truyền, tập huấn cho Người có uy tín cũng gặp không ít vướng mắc. Cụ thể, theo quy định tại Quyết định số 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Người có uy tín được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chính sách dân tộc, kỹ năng hòa giải...
Tuy nhiên, lại thiếu một quy định cụ thể. Chẳng hạn như một năm bao nhiêu lần. Chưa kể một thực tế là đại đa số các địa phương vùng DTTS và miền núi đều nghèo, phụ thuộc vào trợ cấp từ ngân sách Trung ương, nên khó chủ động điều kiện để quan tâm bố trí ngân sách chăm lo cho công tác bồi dưỡng, tập huấn đối với Người có uy tín.
Mặt khác, cách làm, nội dung truyền đạt chưa có sự thống nhất trên phạm vi toàn quốc do thiếu bộ tài liệu chính thống, khoa học để bù khuyết kỹ năng tuyên truyền, vận động cho Người có uy tín. Đặc biệt là kỹ năng tuyên truyền miệng.
Đánh giá về những vướng mắc trong thực hiện chính sách cho Người có uy tín, bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết: Thực tế ở một số địa phương, chính quyền chưa có sự quan tâm đúng mức, nhận thức về vai trò, vị trí của Người có uy tín chưa thực sự đầy đủ, chưa thấy hết tầm quan trọng của việc phát huy vai trò Người có uy tín trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nhiều nội dung, hình thức vận động của Người có uy tín trong đồng bào DTTS ở một số nơi còn thiếu linh hoạt, chưa được tiến hành thường xuyên. Công tác vận động Người có uy tín có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, thiếu sự quan tâm, chăm sóc lâu dài nên kết quả chưa đạt được như mong muốn...”.
Có thể nói, mỗi Người có uy tín mang trong mình nhiều trách nhiệm, kỳ vọng và cả niềm tin yêu, “điểm tựa” của người dân. Vì vậy, đánh giá đúng vị trí, vai trò chức năng của Người có uy tín, đồng thời có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế sẽ góp phần rất quan trọng trong việc giữ chân và phát huy vai trò của Người có uy tín.