Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27

Nhận diện nguyên nhân tai biến thiên nhiên trên sông Kôn và sông Hà Thanh

Tiếng Dân - 08:22, 21/05/2024

Sông Kôn và sông Hà Thanh là 02 con sông lớn của tỉnh Bình Định; lưu vực của 02 con sông là vùng tập trung các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị của tỉnh. Ngoài các yếu tố tự nhiên, khách quan (địa hình, thảm phủ, mưa lũ lớn, diện tích rừng phòng hộ bị suy giảm...), thì các hoạt động trên lưu vực với mục đích phát triển kinh tế cũng đã tạo ra sức cản lớn cho việc thoát lũ. Vì thế, tình trạng sạt lở, lũ ở vùng núi, ngập lụt ở đồng bằng, ven biển thường xuyên xảy ra, đe dọa cuộc sống của người dân, trong đó có người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhận diện nguyên nhân tai biến thiên nhiên trên sông Kôn và sông Hà Thanh
Tình trạng sạt lở bờ sông Hà Thanh trên địa bàn huyện Vân Canh ngày càng nghiêm trọng.

Sạt lở bủa vây

Tình trạng sạt lở bờ sông trên sông Hà Thanh và sông Kôn ngày càng nghiêm trọng. Những năm gần đây, trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Bình Định, sạt lở hai bên bờ sông đã cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất, một số đoạn sông đã lấn sâu vào sát vách nhà người dân đang sinh sống.

Tại xã Canh Thuận (huyện Vân Canh), theo ông Trần Minh Toàn, Chủ tịch UBND xã, tình trạng xói lở bờ sông làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số hộ dân trên địa bàn xã đã diễn ra nhiều năm nay. Chỉ trong năm 2023, sông Hà Thanh đã ăn sâu vào đất liền hơn 2m, làm ảnh hưởng đến một số hộ dân ở khu vực sát bên bờ sông.

“Trước mắt, chính quyền đã gia cố tạm thời bằng các bao cát để giảm bớt sự sạt lở bờ sông. Đồng thời, xã đã báo cáo với UBND huyện Vân Canh để tìm phương án khắc phục tình trạng sạt lở nói trên”, ông Toàn cho biết.

Còn tại xã Canh Vinh, theo ông Trần Văn Bài, Chủ tịch UBND xã, mưa lũ hàng năm khiến cho bờ ngự thủy xóm 1 (thôn An Long 1) bị sạt lở nghiêm trọng. Nếu không được xây dựng kè kiên cố, bờ ngự thủy có nguy cơ sạt lở ăn sâu vào đất liền, uy hiếp đến tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ dân.

“Xã đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện xin kinh phí xây dựng bờ kè ngự thủy nhưng chưa thực hiện được. Trước mắt, để bảo vệ các hộ dân sinh sống gần bờ ngự thủy an toàn trong mùa mưa bão, xã dùng rọ đá để chống sạt lở bờ ngự thủy trên sông Hà Thanh và di dời người dân đến nơi an toàn khi trời có mưa lớn hay bão đổ bộ vào đất liền”, ông Bài cho biết.

Trong Báo cáo số 193/BC-UBND ngày 31/10/2023 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND tỉnh Bình Định đánh giá, trên tuyến đê Hà Thanh qua địa bàn huyện Vân Canh, bờ ngự thủy ở xóm 1 (thôn An Long 1, xã Canh Vinh) có mức độ sạt lở, xâm thực nguy hiểm.

Để bảo đảm an toàn cho người dân, vào mùa mưa lũ, lực lượng phòng chống thiên tai (PCTT) của địa phương phải ứng trực 24/24h, sẵn sàng sơ tán dân cư khi xảy ra tình huống thiên tai nguy hiểm. Đây cũng là tình trạng tương tự của bờ kè Bà Lương, thuộc xã Canh Hiển.

Báo cáo của UBND huyện Vân Canh với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – ông Lâm Hải Giang, trong chuyến kiểm tra thực địa công tác PCTT trên địa bàn huyện Vân Canh ngày 23/10/2023 cho thấy, toàn huyện có nhiều khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai. Trong đó, 02 xã Canh Vinh, Canh Hiển và những vùng thấp dọc sông Hà Thanh có khả năng bị ngập lụt nặng khi xảy ra mưa lớn; nhiều địa bàn dân cư sẽ bị chia cắt khi có lũ lớn như: thôn Bình Long, Tăng Hòa, An Long 1, xóm Hội Sơn, thôn Tăng Lợi thuộc xã Canh Vinh, thôn Thanh Minh, Chánh Hiển thuộc xã Canh Hiển.

Bên cạnh đó, lũ có nguy cơ gây xói lở, sạt đất mạnh, ách tắc giao thông ở tuyến đường liên xã Canh Thuận - Canh Liên, các tuyến đường từ UBND xã Canh Liên đến các làng trong xã và đường từ Đa Lộc (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) đi làng Canh Giao (xã Canh Hiệp). Trên địa bàn huyện còn có 02 khu vực có nguy cơ bị chia cắt khi sạt lở, gồm: đường giao thông từ Ngã ba Cà Te đi các làng Kà Nâu, Kà Bưng, Kà Bông, xã Canh Liên; đường giao thông từ làng Canh Giao, xã Canh Hiệp đến thôn Đa Lộc, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên).

Theo ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, tình trạng sạt lở ở sông Hà Thanh đoạn qua các xã Canh Vinh, Canh Thuận, Canh Hiển ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, nguy cơ ảnh hưởng đến nhà cửa của người dân là rất nguy cấp. UBND huyện đã nhiều lần báo cáo với UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan, tuy nhiên, kinh phí để khắc phục sạt lở rất lớn.

Còn trên tuyến đê sông Kôn, theo Báo cáo số 193/BC-UBND ngày 31/10/2023 của UBND tỉnh Bình Định, tình trạng sạt lở bờ sông cũng diễn ra nghiêm trọng, với chiều dài sạt lở toàn tuyến khoảng 33km. Trong báo cáo này, UBND tỉnh Bình Định cho biết, đây là những đoạn đê chưa gia cố; sạt lở nặng mái sông, chân khay, nguy cơ “sông nuốt làng” luôn thường trực.

Khi kiểm tra công tác PCTT ở các địa phương ngày 23/10/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang yêu cầu các địa phương và các đơn vị liên quan tập trung khơi thông dòng chảy, di dời vật cản và đưa ra các phương án xử lý trước mắt để giảm thiểu nguy cơ ngập trong khu vực khi mưa lớn.

Thiệt hại lớn vì lũ lụt

Cùng với tình trạng sạt lở đã và đang diễn ra nghiêm trọng, thì lũ trên sông Hà Thanh, sông Kôn là tai biến thiên nhiên gây ra những hậu quả nặng nề cho tỉnh Bình Định vào mùa mưa bão hằng năm.

Gần đây nhất, trung tuần tháng 11/2023, trên địa bàn tỉnh Bình Định xảy ra mưa to đến rất to; mưa lớn chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi, khiến lũ lớn xuất hiện trên sông Hà Thanh, sông Kôn.

Theo Báo cáo số 9424/UBND-KT ngày 12/12/2023 của UBND tỉnh Bình Định gửi Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ ngày 13 – 17/11/2023 đã xuất hiện lũ trên sông Kôn – Hà Thanh, ở mức báo động 1 – 2. 

Nhận diện nguyên nhân tai biến thiên nhiên trên sông Kôn và sông Hà Thanh 1
Lũ lụt, sạt lở gây thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng cho khu vực miền núi tỉnh Bình Định. (Trong ảnh: Cầu Ngô La trên địa bàn xã Canh Vinh, huyện Vân Canh bị sập trong đợt lũ tháng 10/2021).

Trong đó, mực nước sông Hà Thanh tại huyện Vân Canh đạt đỉnh 44,06m lúc 05 giờ 40 phút ngày 17/11/2023 (xấp xỉ báo động 2); mực nước sông Kôn tại Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) đạt đỉnh 72,1m lúc 04 giờ ngày 17/11/2023 (trên báo động 1 là 1,1m);...

Mưa lũ đã làm sạt lở các bờ sông cùng nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là ở các địa phương miền núi, vùng đồng bào DTTS. Trong đó, huyện Vĩnh Thạnh bị hư hỏng tuyến đường đi làng O3 tại suối Đăk-Tra (xã Vĩnh Kim); ở huyện Vân Canh bị sạt lở tại xã Canh Hiển, xã Canh Thuận, xã Canh Vinh; huyện Tuy Phước bị sạt lở đê sông Cây Vông (xã Phước Hòa) và sạt lở, hư đường huyện ĐH42; đường giao thông nông thôn của 02 xã: Phước Sơn, Phước Thắng...

Nếu như ở miền núi xuất hiện lũ thì ở các địa bàn hạ lưu hệ thống sông Kôn, sông Hà Thanh đã xảy ra ngập úng trên diện rộng, gây thiệt hại về người và tài sản.

Theo Báo cáo số 9424/UBND-KT ngày 12/12/2023 của UBND tỉnh Bình Định, ước tính thiệt hại và chi phí khắc phục do đợt mưa lũ trung tuần tháng 11/2023 là khoảng 252,3 tỷ đồng. Mưa lũ khiến 01 người chết (ở thôn Vinh Thạnh 2, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) do bị nước lũ cuốn trôi tối ngày 16/11/2023 khi lội qua tràn đường ĐH42.

“Để đảm bảo an toàn cho Nhân dân, bảo vệ các công trình thủy lợi và diện tích sản xuất nông nghiệp, UBND Bình Định kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai xem xét hỗ trợ kinh phí khoảng 252,3 tỷ đồng để tỉnh Bình Định triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, khắc phục, sửa chữa các công trình cấp bách”, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị trong Báo cáo số 9424/UBND-KT ngày 12/12/2023.

Không riêng đợt mưa lũ tháng 11/2023, mà trước đó, lũ trên sông Kôn và sông Hà Thanh cũng đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trong đợt lũ cuối năm 2021, theo Báo cáo số 05/BCH-PCTT ngày 18/01/2022 của Ban Chỉ huy PCTT – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định, mưa lũ làm 04 người chết, thiệt hại về kinh tế ước tính 343 tỷ đồng.

Lũ lụt là nỗi ám ảnh đối với người dân sinh sống trong lưu vực thượng lưu, trung lưu sông Hà Thanh và sông Kôn, nhất là trên địa bàn các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh. Theo số liệu trong Báo cáo “Kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông Kôn – Hà Thanh, tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 – 2035” của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phê duyệt tại Quyết định số 2620/QĐ-UBND ngày 16/8/2022), từ năm 1990 – 2019, trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh, hằng năm xảy ra trung bình có 3 - 4 đợt lũ; trong đó năm nhiều nhất có 7 đợt lũ (1999), năm ít nhất có 1 trận lũ (2006).

“Năm 2003, 2005, 2009, 2013, 2016, 2017 đã xảy ra lũ quét, lũ lịch sử, bão mạnh gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 1990 đến năm 2019, thiệt hại do bão, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 462 người và thiệt hại vật chất lên đến 11.130 tỷ đồng, trong khi đó để khắc phục cần kinh phí lớn hơn rất nhiều”, Báo cáo nêu rõ.

Nhận diện nguyên nhân

Trong Báo cáo “Kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông Kôn – Hà Thanh, tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 – 2035” đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt tại Quyết định số 2620/QĐ-UBND ngày 16/8/2022, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chỉ rõ các nguyên nhân gây lũ lụt, ngập úng trên lưu vực sông Hà Thanh – sông Kôn.

Theo đó, ngoài các yếu tố tự nhiên, do điều kiện khách quan (địa hình, thảm phủ, mưa lũ lớn,...), thì các hoạt động trên lưu vực (mục đích phát triển kinh tế) do thiếu chế tài, công cụ quản lý cũng dẫn đến vấn đề bất cập trên lưu vực, như: Phát triển xây dựng quy hoạch đô thị, phân khu đô thị làm giảm vùng trữ và phân lũ; hạ tầng giao thông giảm khả năng thoát lũ (kể đến khẩu độ thoát lũ), hình thành đê ngăn lũ, hoạt động tự phát của người dân lấn lòng dẫn sông...

Trước đó, trong công trình nghiên cứu: “Tai biến thiên nhiên ở Bình Định và các giải pháp thích ứng, giảm nhẹ”, nhà nghiên cứu Phạm Việt Hùng (Trung tâm Nghiên cứu Tài Nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng, các con sông chính ở Bình Định chủ yếu ngắn và dốc. Phần thượng lưu sông nằm trên vùng đồi núi cao có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh. Phần trung lưu và hạ lưu lòng sông bằng phẳng hơn, nhưng bị bồi lấp, ngăn chặn do các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh đã tạo ra sức cản lớn cho việc tiêu thoát lũ.

“Một đặc điểm nữa là phần trung lưu lòng sông rộng có nơi tới 500 - 600 m, nhưng khi ra đến vùng đồng bằng ven biển sông chia thành nhiều nhánh nhỏ, tạo thành mạng lưới dày đặc, nhưng lòng sông hẹp từ 10 đến vài chục mét, tập trung nước vào các đầm phá trước khi đổ ra biển. Tại đây, dòng chảy chịu sự chi phối sâu sắc của yếu tố thủy triều, nên khả năng thoát lũ kém”, tác giả Phạm Việt Hùng đánh giá.

Tương tự, công trình nghiên cứu khoa học “Đánh giá tác động của các khu đô thị mới đến vấn đề thoát lũ hạ lưu hệ thống sông Kôn – Hà Thanh” (các tác giả: Đỗ Anh Đức - Viện Thủy Điện và Năng Lượng Tái Tạo; Bùi Mạnh Bằng và Hoàng Đức Lâm - Khoa Thủy Văn & Tài Nguyên Nước, Trường Đại học Thủy Lợi) cũng khẳng định, thiệt hại do lũ lụt ngày càng có xu hướng tăng, do sự phát triển kinh tế xã hội trong vùng làm thay đổi bề mặt sử dụng đất cũng như làm tăng các đối tượng chịu rủi ro. Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế như xây dựng những khu đô thị có những tác động không nhỏ trong vấn đề thoát lũ.

“Việc tồn tại của các nhà hàng nổi, việc cho phép hoạt động không thuộc thẩm quyền của Sở NN&PTNT, nhưng tất cả đều phải tuân thủ quy định của pháp luật và phải đảm bảo môi trường.
Ông Hồ Đắc Chương
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định.

Trong Báo cáo “Kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông Kôn – Hà Thanh, tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 – 2035”, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam khẳng định, TP. Quy Nhơn nằm ở hạ lưu sông Kôn – sông Hà Thanh là một trong 5 vùng ngập lụt của tỉnh; với một số địa bàn bị ngập trọng điểm gồm các phường: Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Nhơn Bình, Đống Đa và Nhơn Phú.

Liên quan đến công tác PCTT ở vùng trung lưu, thượng lưu sông Hà Thanh, sông Kôn, trong Báo cáo này, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, hệ thống công trình chống (đê, kè) lũ đã chống được lũ sớm, lũ muộn và lũ tiểu mãn. 

“Tuy nhiên, quá trình vận hành và thực tế cho thấy lòng dẫn thoát lũ bị lấn chiếm do các hoạt động san lấp mặt bằng cho các khu dân cư và đô thị ven sông, hệ thống đường giao thông phát triển đã làm giảm khả năng thoát lũ của từng vùng gây nên tình trạng ngập lụt kéo dài. Tốc độ đô thị hóa, san nền lấn chiếm không gian trữ và thoát lũ, cũng là vấn đề nan giải".

Đáng chú ý, trong Báo cáo “Kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông Kôn – Hà Thanh, tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 – 2035”, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nhận định, hoạt động tự phát của người dân lấn lòng dẫn sông cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác PCTT ở vùng trung lưu, thượng lưu sông Hà Thanh, sông Kôn gặp nhiều thách thức do lòng dẫn thoát lũ bị lấn chiếm. Vì vậy, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam khuyến cáo, tỉnh Bình Định cần chú trọng đến các kênh tiêu thoát lũ qua vùng đô thị; hạn chế tối đa tác động của việc phát triển đô thị tác động xấu đến vùng dân cư hiện hữu xung quanh.

Biết mà vẫn “lờ đi”

Mặc dù đã được cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ NN&PTNT khuyến nghị trong một báo cáo được Chủ tịch UBND tỉnh ký phê duyệt (tại Quyết định số 2620/QĐ-UBND ngày 16/8/2022), nhưng việc chấp hành các quy định về PCTT, tiêu thoát lũ sông Hà Thanh, sông Kôn qua vùng đô thị của tỉnh Bình Định vẫn chưa thật sự nghiêm túc. Hiện vùng hạ lưu sông Hà Thanh và sông Kôn, nhiều khu đô thị (KĐT) đã và đang được xây dựng, tạo ra sức cản lớn cho việc thoát lũ.

Nhất là ở TP. Quy Nhơn, hiện nhiều dự án đã được triển khai như: KĐT mới An Phú Thịnh, KĐT chợ Góc, Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại, KĐT thương mại Bắc sông Hà Thanh… Để thi công các dự án này, chủ đầu tư đã san lấp rất nhiều diện tích đồng ruộng, ao hồ, rừng ngập mặn… vốn là vùng trũng được mệnh danh là “túi lũ” với chức năng chứa nước và điều hòa lũ trên sông Hà Thanh chảy ra biển. 

Nhận diện nguyên nhân tai biến thiên nhiên trên sông Kôn và sông Hà Thanh 4
Một số nhà hàng nổi tồn tại trái phép như Bè Sông, Ngọc Châu (nay là Sea Dream), Sơn Tùng… "góp sức" gây cản trở dòng chảy thoát lũ của sông Hà Thanh. (Ảnh chụp ngày 18/05/2024)

Ngoài ra, thời gian gần đây tại một số nhánh sông Hà Thanh, tình trạng xây dựng các công trình lấn mặt nước, các hộ dân làm lồng bè nuôi trồng thuỷ sản và một số nhà hàng nổi tồn tại trái phép như Bè Sông, Ngọc Châu (nay là Sea Dream), Sơn Tùng… cũng gây cản trở dòng chảy thoát lũ của sông Hà Thanh.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển ngày 16/5/2024, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, cho biết: Có 2 nguyên nhân khiến cho tình trạng sạt lở ở thượng nguồn và ngập lụt ở hạ lưu sông Kôn, sông Hà Thanh là thiên tai và nhân tai. Vấn đề thiên tai thì chúng ta không bàn đến vì do biến đổi khí hậu, mưa gió thất thường nên tình trạng sạt lở, ngập lụt ngày càng phức tạp. Còn nhân tai là do nạn phá rừng, khai thác cát, một số công trình xây dựng gây cản trở dòng chảy.

Cũng theo ông Chương, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai thì cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, tránh bị ảnh hưởng do sạt lở và làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang thoát lũ sông Hà Thanh, sông Kôn.

“Đối với sự tồn tại của các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản của người dân và một số nhà hàng nổi tại nhánh sông Hà Thanh 5, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến dòng chảy thoát lũ của sông. Trước khi vào mùa mưa lũ, Sở sẽ cử lực lượng đi vận động người dân tháo dỡ, di dời lồng bè không để cản trở dòng chảy”, ông Chương cho biết.

Nhận diện nguyên nhân tai biến thiên nhiên trên sông Kôn và sông Hà Thanh 5
Nhà hàng Sơn Tùng hoạt động trái phép trên mặt nước đã được tỉnh Bình Định cho Công ty Cổ phần Thị Nại Eco Bay thuê. (Ảnh chụp ngày 18/05/2024)

Từ những chứng cứ khoa học cùng với đánh giá của các cơ quan chuyên môn, có thể thấy, để PCTT, nhất là giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt, sạt lở ở vùng núi, việc quản lý, cấp phép xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế, các cơ sở lồng bè nuôi trồng thuỷ sản và các công trình khác ở hạ lưu sông Hà Thanh, sông Kôn cần được cơ quan chức năng tỉnh Bình Định thực hiện đúng quy định, cấm hoạt động đối với những công trình không cần thiết để giảm thiểu tai biến thiên nhiên.

Tuy nhiên, vẫn có những công trình hạ tầng chưa thực sự cần thiết, thậm chí là trái phép, phục vụ cho lợi ích của cá nhân ở hạ lưu sông Hà Thanh vẫn “vô tư” tồn tại trước, trong mùa mưa lũ. Những công trình này đã “góp sức” tạo ra sức cản cho việc tiêu thoát lũ của sông Hà Thanh, dẫn đến lưu lượng nước bị dồn ứ ở phía trung lưu của con sông, vốn có địa hình tương đối bằng phẳng, dòng chảy yếu (đoạn qua huyện Vân Canh).

Tháng 8/2023, trước khi tỉnh Bình Định bước vào mùa mưa lũ, Báo Dân tộc và Phát triển đã có các bài viết phản ánh hoạt động khôngphép của các nhà hàng nổi trên nhánh sông Hà Thanh 5, trên địa bàn TP. Quy Nhơn; gồm các nhà hàng nổi: Bè Sông, Ngọc Châu, thuộc phường Nhơn Bình và Nhà hàng Sơn Tùng thuộc phường Đồng Đa (đây là 02 phường trọng điểm ngập lụt theo nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi ViệtNam).

Mặc dù UBND tỉnh Bình Định đã có chỉ đạo đình chỉ tất cả các nhà hàng nổi, bè nổi, khu vực vui chơi dưới nước, các loại hình vui chơi dưới nước hoạt động trái phép trên địa bàn (theo Công văn số 1287/UBND-KT, ngày 10/03/2023, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng ký); tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh bè nổi này vẫn ngang nhiên chiếm mặt nước, hoạt động không phép, gây cản trở lưu thông đường thủy và nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Đối với cơ sở kinh doanh Nhà hàng Sơn Tùng - hoạt động trái phép trên mặt nước đã được tỉnh Bình Định cho Công ty Cổ phần Thị Nại Eco Bay thuê, theo bà Võ Nguyễn Thanh Xuân, đại diện Công ty Cổ phần Thị Nại Eco Bay, nhà hàng nổi Sơn Tùng tự ý kéo về neo đậu trong phạm vi mặt nước của dự án. Công ty đã nhiều lần yêu cầu chủ nhà hàng nổi di chuyển đi nơi khác nhưng, chủ nhà hàng vẫn không thực hiện.

Làm việc với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Phan Tấn Vũ, Chủ tịch UBND phường Đống Đa khẳng định: “Chúng tôi đã yêu cầu Công ty Cổ phần Thị Nại Eco Bay không cho nhà hàng nổi này hoạt động trong khu vực dự án. Thời gian di dời chậm nhất đến ngày 12/6/2023. Nếu quá thời hạn trên, UBND phường sẽ có báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định”.

Nhận diện nguyên nhân tai biến thiên nhiên trên sông Kôn và sông Hà Thanh 6
Bảng hiệu của Nhà hàng nổi Sơn Tùng đặt tại đầu cầu Hà Thanh 5. (Ảnh chụp ngày 18/05/2024)

Tuy nhiên, đến thời điểm Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh tình trạng các nhà hàng nổi hoạt động trái quy định trên nhánh sông Hà Thanh 5, đoạn qua phường Đống Đa (ngày 01/08/2023) vẫn hoạt động bình thường. Không chỉ vậy, nhà hàng nổi Sơn Tùng còn ngang nhiên mang bảng hiệu ra đặt tại đầu cầu Hà Thanh 5 để quảng cáo, đón khách.

Cần khẳng định rằng, những công trình hoạt động trái phép như Nhà hàng Sơn Tùng trên nhánh sông Hà Thanh 5 đã góp phần tạo ra sức cản cho việc tiêu thoát lũ, như Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định Hồ Đắc Chương đã khẳng định. Nhánh sông Hà Thanh 5 chảy vào đầm Thị Nại, nhưng bị “tắc” ở đoạn “eo” có nhiều nhà hàng nổi hoạt động trái phép thì ở phía trung lưu, dòng chảy không thông, gậy sạt lở, ngập lụt là điều dễ hiểu.

Rõ ràng, hoạt động của các nhà hàng nổi trên nhánh sông Hà Thanh 5, thuộc địa bàn phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn và việc chính quyền địa phương không kiên quyết xử lý được Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh là trái chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định tại Công văn số số 1287/UBND-KT, ngày 10/03/2023.

Việc không tuân thủ các quy định về bảo đảm tiêu thoát nước trước mùa mưa lũ vô hình chung đã “góp sức” dẫn tới những thiệt hại nặng nề của tỉnh Bình Định trong mùa mưa bão năm 2023 như đã nêu trên, với ước tính thiệt hại và chi phí khắc phục là 252,3 tỷ đồng, 01 người chết; trong đó, khu vực miền núi, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống - địa bàn dễ tổn thương bởi thiên tai cũng đã chịu những thiệt hại rất nặng nề.

Trong Kế hoạch “Phòng, chống thiên tai giai đoạn năm 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định” được phê duyệt tại Quyết định số 3692/QĐ-UBND ngày 07/9/2020, UBND tỉnh Bình Định đánh giá, khu vực miền núi (An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh) là vùng có nguy cơ thiên tai cao.

Đây là nơi cư trú chủ yếu của nhiều dân tộc anh em (với khoảng 162.500 người chiếm 11% dân số cả tỉnh); trong đó, dân tộc Kinh chiếm 98%; dân tộc Ba Na chiếm 1,14%; dân tộc Hrê chiếm 0,4%, dân tộc Chăm chiếm 0,2% và các dân tộc khác chiếm 0,26%. Khi xảy ra thiên tai ở vùng núi của tỉnh, khả năng cứu trợ và khắc phục khó khăn hơn.

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh Bình Định nói chung, ở khu vực miền núi, có đông đồng bào DTTS sinh sống của tỉnh nói riêng, công tác dự báo, cảnh báo cần được đặc biệt quan tâm. Báo Dân tộc và Phát triển – Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc – Diễn đàn của đồng bào dân tộc Việt Nam, đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức PCTT cho các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh; trong đó có việc phản ánh những hoạt động trái quy định, làm “gia cố” thêm sức cản cho dòng chảy của sông Hà Thanh và sông Kôn trước khi mùa mưa lũ về, làm gia tăng nguy cơ thiên tai ở khu vực miền núi, vùng DTTS của tỉnh.

Việc phản ánh hoạt động không phép của các nhà hàng nổi trên nhánh sông Hà Thanh 5 (gồm: Bè Sông, Ngọc Châu, thuộc phường Nhơn Bình và Nhà hàng Sơn Tùng thuộc phường Đồng Đa - 02 phường trọng điểm ngập lụt của TP. Quy Nhơn) của Báo Dân tộc và Phát triển đã góp phần cùng với chính quyền các cấp tỉnh Bình Định thực hiện hiệu quả Quyết định số 3692/QĐ-UBND ngày 07/9/2020 của UBND tỉnh về phê duyệt Kế hoạch “Phòng, chống thiên tai giai đoạn năm 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định”.

Qua các bài viết phản ánh về tình trạng các nhà hàng nổi hoạt động trái phép trên nhánh sông Hà Thanh 5, Báo Dân tộc và Phát triển đã phát đi một cảnh báo để chính quyền các cấp ở tỉnh Bình Định lưu ý, cảnh giác, kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở kinh doanh này trước khi bước vào mùa mưa lũ, từ đó góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh nói chung, vùng DTTS, miền núi của tỉnh nói riêng . Nhưng chẳng hiểu vì lý do gì, mặc dù biết vậy nhưng cơ quan chức năng, chính quyền TP. Quy Nhơn vẫn cứ “lờ” đi?!.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh vấn đề này đến bạn đọc.

Ý kiến độc giả
Mã bảo mật
Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.
Tin nổi bật trang chủ
Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia

Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia

Thời sự - PV - 17:35, 21/11/2024
Chiều nay, 21/11, tại trụ sở Quốc hội Campuchia, Thủ đô Phnompenh, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Khuon Sudary đã chủ trì Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lần đầu tiên thăm chính thức Vương quốc Campuchia.
Việt Nam, Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện

Việt Nam, Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện

Thời sự - PV - 16:25, 21/11/2024
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Công tác Dân tộc - An Yên - 14:57, 21/11/2024
Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Kinh tế - Minh Thu - 14:51, 21/11/2024
Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim chủ trì Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim chủ trì Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm

Thời sự - PV - 14:30, 21/11/2024
Trưa 21/11, tại Phủ Thủ tướng ở Thủ đô hành chính Putrajaya, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân chủ trì Lễ đón trọng thể Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân thăm chính thức Malaysia từ ngày 21-23/11.
Chuyện về thầy giáo Mầm non duy nhất trên miền đá xám Mèo Vạc

Chuyện về thầy giáo Mầm non duy nhất trên miền đá xám Mèo Vạc

Tại vùng đất miền đá xám Mèo Vạc - Hà Giang, nơi có những dãy núi trùng điệp và những bản làng xa xôi, có một thầy giáo mầm non mà tên tuổi đã trở nên quen thuộc không chỉ với các em học sinh mà còn với đồng bào nơi đây. Đó là thầy giáo Hoàng Đại Nghĩa, người đã giành hơn 14 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, giúp các em mở rộng cánh cửa tri thức, vươn lên từ những khó khăn của cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lên đường thăm chính thức Campuchia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lên đường thăm chính thức Campuchia

Thời sự - PV - 13:20, 21/11/2024
Nhận lời mời của Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary và Chủ tịch Ủy ban Thường trực Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á Chung Eui-yong, ngày 21/11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì bao dung và hòa bình (IPTP) từ ngày 21-24/11/2024.
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Phóng sự - Phạm Tiến- Đình Tuân - 13:01, 21/11/2024
Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Malaysia

Thời sự - PV - 12:25, 21/11/2024
Vào 11h ngày 21/11 (giờ địa phương), tức 10h (giờ Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia) bắt đầu chuyến thăm chính thức Malaysia từ ngày 21-23/11, theo lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân.
Thành phố Hưng Yên thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2024 đạt 2.083,756 tỷ đồng

Thành phố Hưng Yên thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2024 đạt 2.083,756 tỷ đồng

Kinh tế - Xuân Hải - 10:59, 21/11/2024
Thời gian qua, bằng việc tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế có sẵn, tận dụng những ưu thế mới, thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) chuyển mình mạnh mẽ và đang trở thành một thành phố năng động, hiện đại với kinh tế tăng trưởng tốt, diện mạo đô thị, nông thôn khởi sắc.
Xuất khẩu tăng trưởng mạnh những tháng cuối năm

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh những tháng cuối năm

Kinh tế - Minh Thu - 10:51, 21/11/2024
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2024, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp (DN) đang tăng tốc sản xuất nhằm kịp thời gian giao hàng cho các đối tác trong dịp cuối năm. Mặt khác, các tập đoàn phân phối toàn cầu cũng gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam để tìm kiếm đối tác cung ứng cho năm 2025.