Chất lượng lao động thấp
Trong Tờ trình số 1787/TTr-UBDT ngày 21/12/2020 về Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2025, Ủy ban Dân tộc đánh giá, trình độ giáo dục cao nhất đạt được ở một số dân tộc rất thấp và tỷ lệ người DTTS không đọc thông, viết thạo tiếng Việt còn ở mức cao so với mặt bằng chung của cả nước. Trong đó có 5 dân tộc có tỷ lệ người đạt trình độ cao đẳng dưới 30% so với tỷ lệ chung của 53 DTTS và có 12 dân tộc có tỷ lệ người đạt trình độ đại học thấp dưới 30% so với tỷ lệ chung của các DTTS.
Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) năm 2019 cũng đã “vẽ” lên nhiều gam màu xám trong bức tranh lao động ở cộng đồng các DTTS rất ít người. Từ cuộc điều tra này cho thấy, con đường học vấn của đại đa số học sinh các DTTS rất ít người thường “đứt gánh” sau khi tốt nghiệp phổ thông.
Cụ thể, sau khi tốt nghiệp bậc phổ thông, không nhiều học sinh các DTTS rất ít người tiếp tục học lên, hoặc tham gia học nghề. Trong đó, dân tộc Ngái là một trong số ít dân tộc có khó khăn đặc thù có tỷ lệ tham gia các bậc học sau tốt nghiệp phổ thông khá cao (trình độ trung cấp là 0,69%, cao đẳng 1,16%, đại học là 7,41%, thạc sĩ là 0,69%), còn hầu hết các dân tộc khác thì tỷ lệ này rất thấp.
Đáng chú ý, có một số DTTS rất ít người có tỷ lệ đặc biệt thấp. Đơn cử như dân tộc Mảng, tỷ lệ người có trình độ sơ cấp là 0,14% - trung cấp là 1,52% - cao đẳng là 0,00%, đại học là 0,69%. Tương ứng với các cấp trình độ này, tỷ lệ ở dân tộc Brâu là 0,00% - 0,89% - 0,89% - 4,46%; ở dân tộc Ơ Đu là 0,00% - 0,00% - 0,00% - 0,80%; ở dân tộc Rơ Măm là 0,00% - 1,12% - 1,68% - 6,70%;…
Xuất phát từ đặc điểm dân cư, địa bàn cư trú cùng với trình độ đào tạo, đại đa số lao động thuộc cộng đồng các DTTS có dân số dưới 10.000 người chủ yếu lao động, sản xuất tại khu vực nông thôn, rất ít người sinh sống, làm việc tại thành thị. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, dân tộc Lự có 42/4.284 người trong độ tuổi tham gia lực lượng lao động làm việc ở thành thị, dân tộc Chứt có 4/3.390 lao động, dân tộc Cờ Lao có 79/1.884 lao động, dân tộc Mảng có 67/2.252 lao động, dân tộc Cống có 42/1.499 lao động,…. Cá biệt, có 04 dân tộc (gồm: Brâu, Ơ Đu, Rơ Măm, Pu Péo) không có lao động nào làm việc ở khu vực thành thị.
Nỗ lực xóa “vùng trũng” về đào tạo
Những số liệu nêu trên cho thấy, cộng đồng các DTTS rất ít người đang là “vùng trũng” của cả nước về trình độ lao động. Chính vì vậy, bên cạnh mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 50% lao động DTTS trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thì Chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg còn thiết kế Dự án 5, trong đó có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực cho các dân tộc có khó khăn đặc thù.
Tại Nội dung số 2 của Tiểu dự án 2 (Dự án 5), ngân sách nhà nước sẽ tăng cường cho công tác đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học theo Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, các cơ sở giáo dục chuyên biệt và các trường đại học được hỗ trợ để tổ chức bồi dưỡng hệ dự bị đại học; hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo trình độ đại học các chuyên ngành đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đối tượng bồi dưỡng, đào tạo là học sinh thuộc nhóm các DTTS có khó khăn đặc thù, có nhóm DTTS còn nhiều khó khăn và các DTTS có chất lượng nguồn nhân lực thấp; quy mô đào tạo tối thiểu đạt 200 sinh viên/1 vạn dân. Đồng thời, Nhà nước sẽ hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo trình độ sau đại học, phấn đấu đạt tỷ lệ khoảng 0,7% cán bộ có trình độ sau đại học thuộc các nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù, các dân tộc còn nhiều khó khăn và các DTTS có chất lượng nguồn nhân lực thấp.
Việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS, nhất là các dân tộc có khó khăn đặc thù, là hết sức cần thiết để triển khai các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, thúc đẩy gảm nghèo nhanh và bền vững ở địa bàn “lõi nghèo”.
Trước mắt, trong giai đoạn 2021 – 2030, theo Đề án Tổng thế phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019, trình độ lao động của các DTTS rất ít người được nâng lên, sẽ đáp ứng được yêu cầu để triển khai Dự án 3: “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”; đặc biệt là với Tiểu dự án 2: “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi”.
Đào tạo lao động có trình độ đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi là giải pháp căn cơ, nhưng là hành trình dài. Để “trợ lực” cho đồng bào theo đuổi hành trình đó, trước mắt cần giải quyết căn bản những vấn đề xã hội cấp thiết ở cộng đồng các cộng đồng dân tộc có dân số dưới 10.000 người. Bởi, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ nghèo ở các dân tộc có khó khăn đặc thù còn rất cao, là do người dân còn thiếu hụt nhiều dịch vụ xã hội cơ bản.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong bài viết tiếp theo.