Vào dịp Trung thu, đi dọc các cửa hàng bán đồ chơi cho trẻ em từ thành thị đến nông thôn, thậm chí ở cả vùng miền núi… chúng ta dễ dàng nhìn thấy các mặt hàng đồ chơi bạo lực như dao kiếm súng ống được bày bán tràn lan. Thậm chí, nhiều nơi còn bán các mặt hàng đồ chơi rùng rợn như mặt nạ, trang phục ma quỷ không khác gì lễ hội Hallowen của phương Tây.
Không chỉ “đầu độc trẻ em”, mà nhiều hành vi biến tướng trong việc tổ chức tết Trung thu đang trở thành nỗi ám ảnh với người lớn. Anh Hà Ngọc Lâm, chủ doanh nghiệp ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang) cho biết, trước đây, mỗi dịp Trung thu, anh đều về đoàn viên cùng gia đình. Thế nhưng vài năm trở lại đây, anh rất ngại vì ngay từ tháng 8 âm lịch đã có vài đội múa lân thường xuyên đến từng nhà xưởng, doanh nghiệp xin tiền. Các đội múa lân này sẵn sàng ngồi ỳ lại không chịu đi nếu như chủ nhà chưa cho tiền hoặc cho tiền ít.
Còn anh H.T.T một chủ doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội tiết lộ, cứ đến dịp tết Trung thu là doanh nghiệp chuẩn bị hàng chục gói quà, trong đó có bánh Trung thu và phong bì vài triệu đồng để đi biếu xén các mối quan hệ. Mỗi mùa Trung thu như thế, doanh nghiệp của anh phải mất đến vài chục triệu đồng.
Chia sẻ về việc bảo tồn tết Trung thu truyền thống, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, Trưởng nhóm Nghiên cứu & Phát huy Truyền thống Việt Nam cho biết, Trung thu vốn là bữa tiệc dành cho trẻ em. Vì thế, những hoạt động của lễ hội cũng tập trung cho nhóm đối tượng này như: Rước đèn ông sao, ăn bánh dẻo, bánh nướng với những hình thù ngộ nghĩnh…
Tuy nhiên, ngày nay tết Trung thu đã bị nhiều người làm cho biến tướng thành một dịp để biếu tặng, đền ơn, đáp nghĩa, làm lệch đi ý nghĩa ban đầu. Vì vậy, chúng ta cần nhận diện chân giá trị của lễ hội Trung thu, cần hướng các hoạt động của lễ hội tới thiếu nhi và loại bỏ tư tưởng biếu xén cầu kỳ.
Tiến sĩ Bàn Quỳnh Giao, Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) cho rằng, mặt bằng chung hiện nay, tết Trung thu vẫn giữ được nét truyền thống. Song các giá trị này đã có sự biến đổi. Thứ nhất biến đổi ở mâm cỗ. Nếu như ngày xưa đến tết Trung thu, các gia đình thường quây quần phá cỗ, thì nay đã có sự hướng ngoại. Điều này những người già cảm nhận rõ nhất, vì họ không còn được đón tết Trung thu đúng nghĩa đoàn viên nữa. Thứ hai là biến đổi theo hướng “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Tết Trung thu không chỉ còn là tặng quà bánh nướng, bánh dẻo cho trẻ em mà bị thay đổi theo mục đích mối quan hệ của người tặng và người được tặng. Thứ ba là không gian văn hóa cũng bị thay đổi.
Những biến đổi này diễn ra như một lẽ tất yếu của quá trình hội nhập, giao lưu tiếp biến văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta không nên thụ động tiếp nhận văn hóa mà cần có sự chủ động nhất định. Để làm tốt điều này, các nhà quản lý văn hóa cần phải giữ được không gian văn hóa cho tết Trung thu, không để sự lãng phí cho lễ hội Trung thu, không để tết Trung thu trở thành nơi khoe mẽ, biến tướng, lệch lạc. Ví dụ làm những con vật khủng, rồi các đoàn múa lân đi xin tiền, bánh kẹo... Đặc biệt, chúng ta cần định hướng để tết Trung thu trở về đúng ý nghĩa của nó là “tết Đoàn viên”.