Báo động suy kiệt nguồn nước ngầm
Tây Nguyên xưa nay phân thành hai mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa nắng kéo dài tới nửa năm (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau), làm ruộng nương bạc phếch, hoang hoải. Mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10), nước lại dồn dập không ngớt; có trận mưa kéo đến cả tuần trời không dứt, gây ngập lụt ngay giữa đại ngàn.
Nhưng với cấu tạo của đất và địa hình, nước mưa nhanh chóng ngấm vào lòng đất, trả lại Tây Nguyên cái nắng, cái gió, quện theo lớp bụi đỏ đất bazan nguyên thủy. Tây Nguyên vì thế, là một trong những khu vực có trữ lượng nước ngầm dồi dào của cả nước, cùng với khu vực đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Nước ngầm là nguồn nước chủ lực phục vụ sản xuất cho vùng được xem là “thủ phủ” của cây cà phê, hồ tiêu của nước ta.
Tuy nhiên, do khai thác tràn lan, nguồn nước ngầm ở Tây Nguyên đang dần suy kiệt. Theo khảo sát của Viện Địa lý (Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam), tại Tây Nguyên, trong vòng hơn 10 năm qua, mực nước dưới đất ở khu vực này giảm bình quân 3 - 5 m, có nơi giảm tới 6 - 8 m.
Vì vậy, nhiều năm nay, ngay giữa mưa, Tây Nguyên vẫn thường xuất hiện tình trạng hạn hán cục bộ (còn gọi là hạn bà chằn), ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hạn hán trầm trọng nhất xảy ra ở những địa bàn không có công trình thủy lợi, hoặc có nhưng hoạt động kém hiệu quả.
Giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng bình quân của vùng Tây Nguyên đạt 6,55%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 55,6 triệu đồng/người, gấp 1,4 lần so với năm 2016. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS ở khu vực Tây Nguyên hiện vẫn chiếm tới 75,3% (trong khi tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS của cả nước hiện là 61,29%). Tác động của biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra những thách thức giảm nghèo đối với hộ DTTS ở Tây Nguyên.
Ngay giữa mùa mưa năm Tân Sửu, khoảng 94ha lúa gieo sạ từ tháng 5/2021 ở xã Đắk Wil, huyện Cư Jút (Đắk Nông) có nguy cơ mất trắng sau hơn 2 tháng chịu hạn bà chằn. Tại xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), gần 2.000 ha cây trồng các loại (chủ yếu là cà phê, hồ tiêu, mắc ca…) đã bị khô héo; trên 7.500 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Còn tại huyện Ea Súp, địa phương thường xuyên hứng chịu thiên tai nhất tỉnh Đắk Lắk, hiện cũng đang điêu đứng do hạn bà chằn. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp, tình trạng hạn giữa mùa mưa năm nay đã khiến hơn 9.000 ha cây trồng (chủ yếu cây ngắn ngày) bị ảnh hưởng, trong đó có nhiều diện tích bị mất trắng.
Diễn biến ngày càng bất thường của thời tiết và các loại hình thiên tai cực đoan ở Tây Nguyên ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất đã được nhận diện từ nhiều năm nay. Vì thế, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp nhưng ngành Nông nghiệp cũng đã ưu tiên bố trí hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư công trình thủy lợi cho khu vực này.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước hiện có 86.202 công trình thủy lợi, trong đó có 6.750 hồ chứa thủy lợi; có 291.013 km kênh mương các loại. Riêng các tỉnh Tây Nguyên đã có khoảng 1.150 hồ chứa và hơn 5.000 km kênh mương các loại.
Dù vậy, Tây Nguyên vẫn thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề do hạn hán. Chỉ tính riêng tại tỉnh Đắk Lăk, từ năm 2015 đến năm 2020, tỉnh này có khoảng 260.000 ha cây trồng các loại bị hạn, với gần 30.000 ha bị mất trắng, thiệt hại ước tính 6.500 tỷ đồng.
Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước
Theo đánh giá của Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên, biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến phát triển nông nghiệp ở Tây Nguyên. Hiện tượng El Nino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển), sẽ gây hạn hán kéo dài làm giảm 20 - 25% lượng mưa từ đó làm thiếu nước trầm trọng ở khu vực Tây Nguyên. Biến đổi khí hậu làm giảm dòng chảy trên các dòng sông, từ đó làm thiếu nước tưới cho cây trồng, nhất là cây cà phê.
Tình trạng hạn hán được dự báo sẽ ngày càng khốc liệt, không chỉ ở Tây Nguyên mà diễn ra hầu hết ở các vùng, miền trên cả nước. Đồng thời, nước ta cũng được dự báo sẽ đối diện với nguy cơ thiếu nguồn nước trong tương lai gần.
Trong dự thảo “Đề án An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2045”, đang được lấy ý kiến để trình Chính phủ và chuẩn bị trình Quốc hội khóa XV, Bộ NN&PTNT đánh giá, Việt Nam không giàu về nước. Theo đó, dù có tổng lượng nước mặt khoảng 840 tỷ m3, nhưng có đến 520 tỷ m3 (tương ứng 63% tổng lượng nước mặt) của nước ta sản sinh ở bên ngoài lãnh thổ. Nguồn nước nội sinh trong lãnh thổ vào khoảng 320 tỷ m3 (chiếm 37%).
Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, tổng lượng nhu cầu nước khai thác, sử dụng hàng năm của Việt Nam vào khoảng 100 tỷ m3, dự báo đến năm 2030 sẽ cần khoảng 111 tỷ m3/năm. Trong đó, tỷ trọng nhu cầu nước cho các ngành nông nghiệp chiếm khoảng 83-85%.
Nước ta được dự báo sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng nước trầm trọng bởi hiện nay, cả nước có khoảng 3.450 con sông với chiều dài từ 10 km trở lên, nhưng có đến 126 con sông bắt nguồn từ nước ngoài; trong đó có những hệ thống sông chính như sông Hồng, sông Mã, sống Tiền, sông Hậu… Những căng thẳng nước (lũ mùa mưa, hạn mùa khô) trên những hệ thống sông chảy từ ngoài lãnh thổ vào trong những năm qua là minh chứng rõ nét.
Trong khi đó, trữ ngầm chỉ khoảng 48,5 tỉ m3/năm (khoảng 5,7% lượng nước mặt). Tình trạng khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, sụt lún đất do nguyên nhân hạ thấp mực nước ngầm đã và đang xảy ra tại một số địa phương trên cả nước.
Vì vậy, nguy cơ mất an ninh nguồn nước đang hiện hữu. Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam đứng thứ 10 của thế giới và thứ 3 của khu vực có chỉ số an ninh nguồn nước thấp.
Khu vực nông thôn và người nông dân vẫn sẽ là địa bàn, đối tượng sử dụng nước lớn nhất; đặc biệt là nông thôn, nông dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, với các hoạt động kinh tế chủ yếu là nông - lâm - thủy sản. Đây là khu vực dễ bị tổn thương và cần được đặc biệt quan tâm bảo vệ trước thiên tai liên quan đến nước.