Thiếu kinh phí dẫn đến chậm tiến độ, thậm chí công trình phải… “đắp chiếu” dài ngày, hay người dân sống bất an nơi vùng sạt lở... luôn là vấn đề rất đáng lo ở nhiều dự án di dân khỏi vùng nguy hiểm. Kinh phí là vấn đề được nói đến nhiều nhất, bàn nhiều nhất, nhưng lại không được giải quyết rốt ráo là nguyên nhân chính làm cho cuộc sống của người dân ở vùng nguy hiểm, đa phần là vùng DTTS luôn trong tình trạng bất an kéo dài.
“Sống treo” trên vùng nguy hiểm
Tính đến nay, Nghệ An đang có 33 điểm sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến 612 hộ dân với 3.044 nhân khẩu. Dẫn đầu những địa phương có khu vực sạt lở, ngập úng, lũ lụt nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản Nhân dân là huyện Kì Sơn.
Qua thống kê, huyện này có 9 điểm thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, đe dọa cuộc sống của 384 hộ dân, 2.009 nhân khẩu ở các xã Mường Típ, Bảo Nam, Mường Ải, Tà Cạ, Mỹ Lý, Phà Đánh, Chiêu Lưu.
Ông Xeo Phò Thuyên, người dân bản Nam Tiến 2, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kể khổ: Bản ta có nhiều vết nứt lớn, xuất hiện từ năm 2018. Cứ mỗi mùa mưa, vết nứt lại rộng thêm. Cả bản ai cũng lo nhưng chưa biết chuyển đến sinh sống ở đâu để ổn định cuộc sống.
Quảng Bình cũng là địa phương có nhiều điểm sạt lở, ngập úng nguy hiểm, đe dọa cuộc sống người dân mỗi mùa mưa bão. Qua khảo sát sơ bộ, toàn tỉnh đang có hơn 60 điểm sạt lở, ngập úng tập trung nhiều tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Bố Trạch… với kế hoạch, phương án di dời hàng năm cần thực hiện là hơn 10.000 hộ.
Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) Đặng Đại Tình chia sẻ: Nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Bình nằm trong vùng cần phải di dân do nguy hiểm khi có mưa bão. Riêng huyện Lệ Thủy, thì 80% địa bàn dễ ngập úng; nhiều vùng ngập sâu như Sơn Thủy, Dương Thủy…; nhiều vùng dễ bị sạt lở nặng như Chung Thủy, Kim Thủy, Ngân Thủy… Tính ra, số lượng hộ dân dễ bị tác động bỡi ngập, sạt lở là khoảng 2.000 hộ.
Đó chỉ là một số ví dụ trong hàng nghìn trường hợp tương tự như vậy trên địa bàn cả nước. Câu chuyện người dân “sống treo” trên vùng nguy hiểm, là thực trạng đáng lo ở nhiều địa phương . Lâu nay, người dân ở vùng miền núi quen sống ven khe suối, dưới chân đồi núi nên nguy cơ ngập úng, sạt lở, lũ quét là điều khó tránh khỏi.
Ở khu vực đồng bằng, nhiều vùng khu dân cư nằm ở vùng trũng, gần sông trong khi việc đô thị hóa nhanh dẫn đến hệ thống mương, cống tiêu không đáp ứng mưa lũ với tần suất lớn, cũng đã đối mặt với ngập úng nặng trong mùa mưa bão.
Xin được trích dẫn ý kiến của một người dân ở vùng miền núi Kim Bảng, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) để nói về thực trạng chán nản, khi phải vướng dự án “treo”: Bao đời nay, dân làng chúng tôi luôn thấp thỏm khi lũ về. Dự án di dân khẩn cấp vùng ngập lụt, được phê duyệt gần 10 năm, đang rơi vào cảnh “đi chẳng được, ở chẳng xong”. Hàng chục hộ dân vùng miền núi Kim Bảng vẫn chưa thể ra khỏi vùng ngập lụt.
Địa phương nào cũng kêu thiếu
Rất nhiều hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm cần phải được di dân, nhưng chưa thể thực hiện. Trong khi đó, chính quyền các địa phương dù đã rất cố gắng, nhưng vẫn chưa có cách nào khác để giải quyết dứt điểm. Nhiều địa phương thừa nhận đang “bất lực”, chưa thể giải quyết dứt điểm các điểm nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt... để bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão. Trong rất nhiều nỗi lo mà chính quyền các địa phương cho biết, thì đáng lo nhất là vấn đề thiếu kinh phí để thực hiện.
Ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết: Thực tế thì việc bố trí nguồn vốn chưa lồng ghép được vào các dự án; bố trí còn theo lộ trình, chương trình nhỏ giọt nên chưa phù hợp nhu cầu thực tiễn dẫn tới công trình, dự án kéo dài thời gian.
Nhìn từ Nghệ An, nhu cầu về bố trí ổn định dân cư khỏi vùng nguy hiểm là rất lớn. Nhưng, kết quả điều tra tại các địa phương và số liệu báo cáo của Chi cục Phát triển Nông thôn Nghệ An, tổng số vốn đã đầu tư bố trí ổn định dân cư từ năm 2011 đến 2018 là 496,494 tỷ đồng, đạt 38,57% mục tiêu quy hoạch đến 2020.
Tỉnh Nghệ An đang có 13 dự án di dân, sắp xếp lại dân cư thực hiện dở dang, với tổng số vốn là 124,496 tỷ đồng/752,767 tỷ đồng (vốn được duyệt) đã cho thấy, khả năng cân đối ngân sách không đáp ứng được nhu cầu dẫn tới dự án “đổ bể”, chậm tiến độ.
Trong rất nhiều lý do nói về dự án “treo”, về nguồn lực đầu tư cho công tác di dân khỏi vùng nguy hiểm, người ta thường đề cập nhiều đến nguyên nhân thiếu vốn, vướng mặt bằng... Mặt khác, địa bàn bố trí dân cư tập trung chủ yếu ở vùng xa, vùng không thuận lợi, vùng miền núi và DTTS (do điều kiện tự nhiên và quỹ đất), yêu cầu kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu TĐC rất lớn, trong khi nguồn vốn đầu tư của Trung ương là chủ yếu, nhưng lại phân bổ nhỏ giọt.
Thêm vào đó, các chương trình, dự án di dân vùng nguy hiểm, chưa huy động được các nguồn vốn hợp pháp khác (như xã hội hóa), do thiếu nguồn lực, đã dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài, thậm chí đổ bể. Bên cạnh đó, việc chậm triển khai hoặc triển khai không dứt điểm đã làm tăng kinh phí đầu tư theo thời gian, cũng đã góp phần làm cho dự án không hoàn thành theo tiến độ kế hoạch.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành từng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2022 rằng: Đầu tư cho phòng, chống thiên tai là đầu tư cho phát triển bền vững. Do đó, cần quan tâm tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, đa dạng hoá nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư,
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng đa dạng hóa được nguồn lực thực hiện. Vì vậy, việc đầu tư cho việc di dân khỏi vùng nguy hiểm, dù là rất cấp bách nhưng vẫn đang tiếp tục thực hiện theo kiểu “cân, đong, đo, đếm”… Và khi đã như vậy thì chuyện: “đầu tư dàn trải”; “dự án cấp bách… tiến độ rùa bò”; "Dân khổ vì dự án treo"... cũng là hiển nhiên.