Trở về Trạm y tế Quân - Dân y xã Vĩnh Hải sau khi vừa tham gia cùng Trung tâm Y tế thị xã Vĩnh Châu thực hiện tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ em tại địa phương, dù đã gần giờ nghỉ trưa, nhưng Thiếu tá Lê Văn Quốc vẫn dành thời gian trò chuyện cùng chúng tôi.
Qua câu chuyện, được biết Thiếu tá Lê Văn Quốc quê ở huyện Kế Sách. Anh tham gia nghĩa vụ quân sự thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Sóc Trăng vào năm 1996, và được cử đi học lớp y sĩ. Sau khi học xong, anh Quốc được phân công công tác ở nhiều nơi. Từ năm 2011 đến nay, anh được phân công thực hiện nhiệm vụ tại Trạm Quân - Dân Y xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu.
Nơi Trạm Quân - Dân Y xã Vĩnh Hải đứng chân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nên thời gian đầu công tác khám chữa bệnh cho bà con, anh Quốc cũng gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề bất đồng về ngôn ngữ, cũng như chưa hiểu rõ về tập quán, sinh sống của bà con.
Thiếu tá Lê Văn Quốc chia sẻ: Xác định được cấp trên giao về đây bản thân cũng nhận thức rõ vai trò trách nhiệm vì sức khỏe Nhân dân nên cố gắng phục vụ cho bà con ở đây, để cùng với địa phương chăm sóc tốt sức khỏe, chăm lo phát triển đời sống cho bà con ở khu vực mà đơn vị quản lý ngày một tốt hơn.
Qua tìm hiểu, đời sống đồng bào Khmer ở Trạm Quân - Dân y Vĩnh Hải đứng chân còn nhiều khó khăn, đa phần sinh kế bằng công việc làm mướn, làm thuê và đánh bắt thủy hải sản ven biển. Nhiều thanh niên do cuộc sống thiếu thốn nên đã quyết định rời quê để mưu sinh ở các tỉnh, thành khác. Vì vậy, hiện nay khu vực này chỉ còn nhiều người già và trẻ em sinh sống.
Bằng trái tim của người thầy thuốc và tinh thần của người lính quân y, Thiếu tá Lê Văn Quốc luôn gần gũi với quần chúng Nhân dân, khi Nhân dân cần, anh luôn có mặt và hỗ trợ chăm sóc.
Bà Lâm Thị Phiên ở ấp Huỳnh Kỳ, năm nay đã 75 tuổi, mắc bệnh cao huyết áp rất nguy hiểm. Trong khi, hoàn cảnh của bà khá đặc biệt. Bà sống với đưa cháu gái hơn 10 tuổi, bởi các con của bà đều mưu sinh ở tỉnh ngoài. Do tuổi già, sức yếu lại thường bị nhức mỏi nên việc đến Trạm Quân - Dân y để khám và lấy thuốc điều trị bệnh là rất khó khăn. Nắm bắt được tình huống này, Thiếu tá Lê Văn Quốc đã tranh thủ thời gian đến thăm khám và phát thuốc cho bà ngay tại nhà.
Bà Lâm Thị Phiên xúc động nói: "Chú Quốc đến thăm khám, cấp thuốc tại nhà tôi rất cảm động và vui lắm. Tôi luôn nhớ lời chú Quốc dặn, uống thuốc đầy đủ, đúng giờ để giữ gìn sức khỏe tốt, sống lâu".
Trạm Quân - Dân y đứng chân ở khu vực vùng sâu, vùng xa, cách xa trung tâm thị xã nên Trạm là lựa chọn tối ưu của người dân nơi đây mỗi khi “trái gió trở trời” và Thiếu tá Quốc luôn đặt trọn niềm tin vào cái tâm của người thầy thuốc. Nhà ở gần Trạm nên hầu như anh “trực chiến” 24/24h, bà con khám bệnh bất cứ lúc nào, sáng sớm, buổi trưa đi làm hay ban đêm khi đi biển về cần đến là anh sẵn sàng giúp đỡ.
Đã hơn 12 giờ trưa, bà Nguyễn Thị Búp ở xã Vĩnh Hải, ngoài 70 tuổi, trên đường đi bán bán vé số cảm thấy chóng mặt nên đã ghé Trạm Quân - Dân y xã Vĩnh Hải. Vừa thấy bà Búp, Thiếu tá Quốc với giọng nói thân mật, gần gũi mời vào phòng y tế để thăm khám tận tình.
"Có lần tôi đi bán vé số, bị đau bụng liền ghé bác sĩ Quốc nhờ khám bệnh. Bác sĩ Quốc khám xong còn cấp thuốc miễn phí. Bác sĩ Quốc thường xuyên giúp đỡ người khó khăn như tôi", bà Búp chia sẻ về sự tận tâm công việc của Thiếu tá Lê Văn Quốc.
Là người trực tiếp làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân ở tuyến cơ sở, trong những năm qua, Thiếu tá Lê Văn Quốc đã cùng với tập thể, nhân viên của Trạm khám và điều trị cho hàng ngàn lượt bệnh nhân mỗi năm. Những bà con không thể đến trạm, Thiếu tá Lê Văn Quốc đến thăm khám tại nhà miễn phí.
Đại úy Hồ Minh Thiện - Chính trị viên Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, cho biết: Bên cạnh việc thực hiện công tác quân y của đơn vị, Thiếu tá Quốc cũng đã phát huy vai trò tinh thần trách nhiệm của mình cùng với lực lượng y tế của địa phương, thường xuyên tham gia cùng với chính quyền, y tế địa phương thăm khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân ở khu vực biên giới biển, thuộc 2 xã Vĩnh Hải và Lạc Hòa.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề y, Thiếu tá - Y sĩ Lê Văn Quốc không ngừng học hỏi, tích cực trau dồi chuyên môn, rèn luyện y đức, để xứng đáng với lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, Bộ đội của dân, do dân và vì Nhân dân, xứng đáng với niềm tin yêu của người dân ở khu vực biên giới biển...
"Những việc làm cụ thể của Thiếu tá Lê Văn Quốc đã góp phần tăng thêm niềm tin, thúc đẩy tình cảm, sự đoàn kết, gắn bó giữa quân với dân đối với đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới biển", Đại úy Hồ Minh Thiện nhìn nhận.